Phát triển thanh toán số, ngân hàng tiến gần hơn tới nền kinh tế không tiền mặt

(Banker.vn) Các ngân hàng Việt đang liên tục nâng cấp, đổi mới số hóa hệ sản phẩm - dịch vụ, tiến gần hơn tới mục tiêu nền kinh tế không tiền mặt.
Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng gần 60% Mở rộng thanh toán số cho người dân chi trả tiền điện Trí tuệ nhân tạo sẽ tái định hình hoạt động thanh toán tại Việt Nam

Nhằm kiện toàn giải pháp thanh toán “một chạm”, mới đây Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ra mắt Tap2Phone trên ứng dụng VPBank T2P. Đại diện VPBank cho biết, giải pháp chấp nhận thanh toán Tap2Phone, cho phép các doanh nghiệp, cửa hàng và hộ kinh doanh sử dụng chính điện thoại thông minh hay các thiết bị di động hệ điều hành Android làm máy POS.

“Sản phẩm chấp nhận đa dạng các hình thức thanh toán không tiền mặt, có thể hoàn tất giao dịch nhanh chóng chỉ trong vài giây và dễ dàng tích hợp với phần mềm quản lý bán hàng sẵn có của cửa hàng” - đại diện VPBank nhấn mạnh.

Theo VPBank, ứng dụng VPBank T2P là điểm chạm thanh toán tối ưu cho cả người bán lẫn người mua. Ngoài việc chấp nhận thanh toán thẻ vật lý Contactless, VPBank T2P còn mở rộng chấp nhận trọn bộ 4 hình thức thanh toán một chạm Tap & Pay gồm: Apple Pay, Samsung Pay, Google Pay và Garmin Pay được tích hợp trên điện thoại hoặc đồng hồ thông minh. Đây cũng là một trong số ít ứng dụng thanh toán chấp nhận hầu hết các dòng thẻ Contactless phổ biến tại Việt Nam như Visa, MasterCard và Napas.

Đại diện VPBank nhấn mạnh, giải pháp Tap2Phone nằm trong chiến lược nâng cao năng lực thanh toán hiện đại của ngân hàng, góp phần quan trọng trong chủ trương tăng trưởng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ hiện nay, đồng thời mang tới những cải thiện mạnh mẽ về trải nghiệm thanh toán cho các khách hàng của VPBank.

Phát triển thanh toán số, ngân hàng tiến gần hơn tới nền kinh tế không tiền mặt
Hệ thống thanh toán một chạm do OneFin, MasterCard và VPBank hợp tác xây dựng và triển khai cho phương tiện giao thông công cộng tại TP. Hồ Chí Minh

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), hiện nay, khách hàng khi tiếp cận hệ sản phẩm - dịch vụ của Sacombank đã có thể trải nghiệm một hành trình số liền mạch và nhất quán, mọi nhu cầu tài chính được giải quyết một cách nhanh chóng và tiện lợi. Nhiều công nghệ mới, đa tiện ích đã được Sacombank tiên phong cung cấp đến khách hàng, điển hình như: Ứng dụng ngân hàng số Sacombank Pay tích hợp mọi dịch vụ tài chính; Công nghệ eKYC mở tài khoản/thẻ thanh toán, thẻ tín dụng phi vật lý có ngay trong 5s; Kết nối thanh toán không chạm với Apple Pay, Google Pay, Samsung Pay, Garmin Pay; Quét QR thanh toán, chuyển tiền, rút tiền nhanh chóng trong nước và thị trường 3 nước Thái Lan, Hàn Quốc, Campuchia. Sacombank cũng đã đưa vào vận hành nền tảng Contact Center thế hệ mới tích hợp AI, hoạt động đa kênh, 24/7 đảm bảo phục vụ khách hàng nhanh chóng; Đưa vào hoạt động máy giao dịch thông minh - STM và tiến tới thành lập các Điểm giao dịch số với mong muốn khách hàng trải nghiệm các công nghệ tài chính mới và hiện đại nhất.

Số hóa mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh cũng là mục tiêu được VietinBank đẩy mạnh triển khai trong năm 2024. Theo đại diện lãnh đạo ngân hàng, kết thúc quý I/2024, ứng dụng iPay Mobile dành cho khách hàng cá nhân của VietinBank tiếp tục thu hút gần 8,1 triệu khách hàng sử dụng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với khách hàng doanh nghiệp, ứng dụng eFAST đã có 234 nghìn doanh nghiệp sử dụng. Số lượng giao dịch qua kênh iPay và eFAST lần lượt đạt 409 triệu và 9,5 triệu giao dịch, tương ứng tăng 67,7% và 14,7% so với cùng kỳ năm 2023. “Tỷ trọng giao dịch qua kênh iPay và eFAST là 90,6% và 83%” - vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Ngoài việc số hóa quá trình thanh toán trong nước, thanh toán QR xuyên biên giới cũng được các nhà băng đẩy mạnh. Là ngân hàng tiên phong cho phép thanh toán xuyên biên giới giữa Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam thông qua quét mã QR, hiên nay hàng triệu khách hàng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) có thể chi tiêu, thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng quét mã QR trên App TPBank tại hàng chục triệu điểm chấp nhận thanh toán QRCode của những ngân hàng 3 nước một cách nhanh chóng và thuận tiện. Ngược lại, khách hàng sử dụng dịch vụ của các ngân hàng tại Thái Lan, Campuchia cũng có thể thanh toán qua mã QR tại các điểm chấp nhận thanh toán QR Code của TPBank tại Việt Nam. “Không chỉ tiện lợi, phương thức này còn giúp khách hàng tiết giảm chi phí chuyến đi nhờ phí chuyển đổi ngoại tệ của “bank tím” luôn vào hàng thấp nhất thị trường” - ông Nguyễn Hưng Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ.

Phát triển thanh toán số, ngân hàng tiến gần hơn tới nền kinh tế không tiền mặt
Thanh toán qua QR trở thành phương thức thông dụng tại các cửa hàng F&B

Khẳng định chuyển đổi số hiện nay là xu thế tất yếu của các ngân hàng, ông Trịnh Vinh Hiển, Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PvcomBank) chia sẻ, ngân hàng đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ, đặc biệt trong việc phát triển các kênh giao dịch ngân hàng hiện đại, tạo nền tảng góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế số cũng như hướng đến một xã hội không tiền mặt. Ví dụ, như mới đây PVcomBank đã phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Onelink Việt Nam thực hiện triển khai chương trình “Một thẻ quốc gia” do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Y tế thực hiện phát hành miễn phí thẻ trả trước định danh kết hợp với thẻ khám chữa bệnh. Người bệnh có thể thanh toán chi phí khám chữa bệnh mà không phải dùng tiền mặt, cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu cho cán bộ nhân viên, người nhà người bệnh tại bệnh viện…

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, thời gian qua các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể: Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%; đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán; hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang lưu hành và 32,77 triệu ví điện tử đang hoạt động; về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động…

“Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng giai đoạn 2021 - 2023 tăng bình quân hơn 23,5%/năm và xử lý giá trị thanh toán bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày. Số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng bình quân hơn 145,8%/năm và bình quân xử lý khối lượng thanh toán dao động từ 20 - 25 triệu giao dịch/ngày” - ông Lê Anh Dũng thông tin.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 1/2024, Việt Nam có 554.580 POS, tăng 32,68% so cùng kỳ năm 2023. Báo cáo của Statista (2022) ước tính đến năm 2025, số lượng người dùng trong phân khúc này sẽ tăng lên 70,9 triệu. Số lượng người dùng thanh toán qua POS di động cùng lúc sẽ tăng từ 28,6 triệu lên khoảng 34,6 triệu.

Có thể thấy, thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Việc tăng cường sử dụng các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng khai phá tiềm năng thị trường trong lĩnh vực này. Đặc biệt, việc thanh toán điện tử phát triển sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển nền kinh tế không tiền mặt của Chính phủ.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương