Tóm tắt: Ngành Ngân hàng nói chung cũng như lĩnh vực thanh toán nói riêng đã và đang chứng kiến những tác động mạnh mẽ từ cuộc CMCN 4.0 cùng với sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới ứng dụng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng (Fintech) đã và đang đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho hoạt động thanh toán tại hệ thống ngân hàng của nước ta. Bài viết điểm lại những cơ hội và thách thức chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
PUSHING UP CASHLESS PAYMENTS IN THE CONTEXT OF THE 4TH INDUSTRIAL REVOLUTION - OPPORTUNITIES AND CHALLENGES FOR THE BANKING SYSTEM
Abstract: Banking sector in general, payment activity in particular have been witnessed strong impacts from the 4th Industrial Revolution along with the introduction of series of new technologies applied in the financial - banking sector. Fintech has been bringing many opportunities as well as challenges to payment activity in our country's banking system. The article reviews main opportunities and challenges of Vietnamese banking system in the developing cashless payment in the context of the 4th Industrial Revolution.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tác động rất lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Cuộc cách mạng này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.
Hệ thống ngân hàng của nước ta có những điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với CMCN 4.0. Với cơ cấu dân số trẻ và đa phần sống ở khu vực nông thôn nhưng trình độ học vấn và khả năng tiếp cận các dịch vụ công nghệ mới của người dân nước ta đạt mức khá so với các nước trên thế giới. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động của người dân cũng đạt mức cao, trung bình một người dân sở hữu nhiều hơn một thuê bao di động (Bình và Trí, 2021).
2. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TRONG PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRONG CMCN 4.0
2.1. Tổng quan tình hình phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM)
Hiện nay, lĩnh vực thanh toán đặc biệt là thanh toán điện tử đã chứng kiến những tác động mạnh mẽ từ cuộc CMCN 4.0. Bên cạnh việc hoàn thiện các dịch vụ thanh toán truyền thống, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) đã và đang triển khai các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu tổng quát của đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao. Đồng thời, đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp và cá nhân liên quan đến tiền mặt. Bên cạnh đó, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc CMCN 4.0 để nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng thanh toán, dịch vụ TTKDTM nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân, thúc đẩy nền kinh tế hội nhập nhanh hơn với cộng đồng kinh tế quốc tế. Mục tiêu đến cuối năm 2025, giá trị TTKDTM gấp 25 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50% và từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân cũng như tăng số lượng cơ sở chấp nhận TTKDTM lên trên 450.000 điểm. Như vậy, các giải pháp phát triển TTKDTM được đề ra rất cụ thể, dựa trên nền tảng công nghệ số và đối tượng, nhóm đối tượng cần được ưu tiên hướng đến chủ yếu là các tổ chức có đông người thực hiện thanh toán, chi trả.
Về kết quả, đã có 50 NHTM ký kết triển khai dịch vụ thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; khoảng 40 NHTM và đơn vị trung gian thanh toán ký kết với các công ty điện lực thực hiện dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 NHTM triển khai dịch vụ thu tiền nước sạch tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 12 NHTM triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường Đại học; 8 NHTM triển khai dịch vụ thu hộ viện phí tại các bệnh viện lớn; 6 NHTM phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, thời gian qua hệ thống thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số của các NHTM cổ phần và tổ chức trung gian thanh toán ở Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, thuận tiện trong giao dịch đối với các doanh nghiệp và người dân. Hệ thống này bảo đảm kết nối liên thông giữa các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán, các ví điện tử, các đơn vị cung ứng dịch vụ công và các doanh nghiệp, các tổ chức bán hàng, cung ứng dịch vụ khác, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp trong xu thế phát triển kinh tế số và bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của đại dịch COVID-19 (Trí và Tuấn, 2022). Các NHTM cổ phần và tổ chức trung gian thanh toán cũng thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao sự trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng với nhiều phương thức giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí đã ra đời với nhiều tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích to lớn và giá trị thiết thực cho khách hàng, cho các trung tâm thương mại, dịch vụ.
Về thanh toán trên thiết bị di động (điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay) đạt tốc độ tăng trưởng mạnh hằng năm, bình quân lên tới 90% về số lượng giao dịch và 150% về giá trị thanh toán. Nhiều NHTM đạt tốc độ tăng trưởng trên 90% giá trị giao dịch thanh toán điện tử được khách hàng thực hiện trên kênh số.
2.2. Cơ hội trong phát triển TTKDTM trong thời đại CMCN 4.0
Đối với hoạt động ngân hàng nói chung và lĩnh vực thanh toán nói riêng, CMCN 4.0 sẽ mang lại cơ hội cho việc ứng dụng công nghệ quản trị thông minh AI và tự động hóa trong quy trình nghiệp vụ, đẩy nhanh tiến trình hướng tới mô hình chuẩn trong tương lai, trong đó có hoạt động TTKDTM. Qua đó, sẽ giúp cho hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng tránh được những rủi ro hoạt động mà con người thực hiện.
Đồng thời, những tiến bộ từ CMCN 4.0 là bàn đạp giúp các ngân hàng trong nước phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện nắm bắt, thích nghi và thay đổi kịp thời đối với xu thế công nghệ mới. Ảnh hưởng của CMCN 4.0 mà cụ thể là Internet, điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Things) sẽ giúp các NHTM trong nước định hình lại mô hình kinh doanh, quản trị, thanh toán điện tử, hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai.
Ngoài ra, phát triển TTKDTM sẽ giúp các ngân hàng tiết giảm được nhiều chi phí hoạt động như chi phí nhân sự, qua đó, nâng cao hiệu quả kinh doanh tại các ngân hàng cũng như góp phần gia tăng lợi nhuận.
2.3. Thách thức trong phát triển TTKDTM trong CMCN 4.0
Thách thức trước tiên là việc hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ hoạt động thanh toán điện tử. Trong đó, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới, hiện đại, tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử... là những vấn đề mới, phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin và viễn thông
Đối với các tổ chức tín dụng, thách thức đến từ việc mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, thanh toán có thể phải được xem xét lại để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh AI, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số, thanh toán điện tử cũng như thách thức trong việc phải nghiên cứu, tối đa hóa trải nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực thanh toán để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên CMCN 4.0.
Đặc biệt, với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số kéo theo sự gia tăng của những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng thường xuyên. Đối với lĩnh vực thanh toán, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Do vậy, thách thức chung cho toàn ngành Ngân hàng Việt Nam và nói riêng cho lĩnh vực thanh toán trong bối cảnh CMCN 4.0 chính là vấn đề an toàn cho hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán và vấn đề bảo mật thông tin, về các loại tội phạm công nghệ cao, cũng như thách thức về trình độ, năng lực, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin
Ngoài ra, người dân tại những vùng nông thôn có thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt, vẫn còn e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn, an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến. Mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ đa phần tập trung ở khu vực đô thị còn ở khu vực nông thôn tuy đã có những phát triển nhưng tốc độ phát triển chưa được như kỳ vọng. Một số sản phẩm dịch vụ TTKDTM chưa được thiết kế theo hướng hướng tới khách hàng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng khu vực nông thôn, do đó chưa phát huy được tối đa dịch vụ.
3. KẾT LUẬN
Phát triển TTKDTM trong thời đại cách mạng 4.0 vừa là cơ hội và cũng là thách thức với hệ thống ngân hàng. Việc các ngân hàng nghiên cứu và áp dụng TTKDTM đang là xu hướng chung của thế giới nhằm mục đích phục vụ tiện lợi và an toàn hơn cho khách hàng, qua đó giúp cho mô hình hoạt động của hệ thống các ngân hàng được tối ưu, tiết kiệm chi phí và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó sẽ gặp một số thách thức cần được khắc phục như: tội phạm công nghệ cao, hạ tầng và nền tảng công nghệ phải đáp ứng, trình độ nhận thức của khách hàng sử dụng công nghệ còn hạn chế, đặc biệt là khu vực nông thôn
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, link: https://vanban.chinhphu.vn/def....
- Bình, P. T., & Trí, N. M. (2021). CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ GẮN KẾT CỦA KHÁCH HÀNG MẠNG VIỄN THÔNG DI ĐỘNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH. Tạp chí Quản lý Kinh tế Quốc tế (Journal of International Economics and Management), (135), 70-89.
- Trí, N. M. & Tuấn, Đ. V. H. (2022). CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN Ý ĐỊNH CHẤP NHẬN SỬ DỤNG DỊCH VỤ TÀI CHÍNH DI ĐỘNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID – 19. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, (14), 24-28.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 14 năm 2023
ThS. Nguyễn Minh Trí
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|