Ngày 30/10/2024, tại Hà Nội, Báo Dân trí tổ chức Hội thảo “Nhân lực bền vững - Trung tâm của chữ “S” trong ESG”. Hội thảo là một phần của Diễn đàn ESG Việt Nam, một sáng kiến của Báo Dân trí nhằm thúc đẩy thực hành các chuẩn mực ESG tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội; ông Phạm Tuấn Anh - Tổng Biên tập Báo Dân trí; các Phó Tổng Biên tập Báo Dân trí, cùng các nhà khoa học, chuyên gia, diễn giả… trong nước và quốc tế.
Phát triển nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn chữ “S” là “trái tim của ESG”
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Là nhân tố đứng giữa trong bộ tiêu chí ESG (Environmental - Social - Governance), chữ “S” có ý nghĩa như sự cam kết của các doanh nghiệp đối với việc tạo ra giá trị cho cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người, trước hết là người lao động của từng đơn vị. Tại một thị trường có thế mạnh về nguồn nhân lực như Việt Nam, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để định hình chiến lược phát triển dài hạn cho doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Với cam kết mạnh mẽ sau Hội nghị thượng đỉnh COP26, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, phát triển ESG đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống xã hội. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới cũng đã nhấn mạnh phát triển bền vững là một mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội thảo
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời chú trọng mục tiêu đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, bảo đảm quyền lợi của người lao động thông qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp lao động cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và cơ hội việc làm cho các nhóm đối tượng yếu thế. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, thực hiện đầy đủ các chính sách về lao động, tăng cường đối thoại với người lao động sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.
Tại Hội thảo, ông Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã trình bày tham luận “Trái tim của ESG”. Theo ông Bùi Thanh Minh, trong thực hành ESG, các thành tố trọng tâm của chữ “S” là: (i) Đảm bảo sức khỏe và sự gắn kết của nhân viên; (ii) Đa dạng và hòa nhập; thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cho nhân viên; (iii) Đảm bảo quyền con người và tiêu chuẩn lao động cho nhân viên; (iv) Cải thiện quan hệ cộng đồng; tích cực tham gia và từ thiện trong doanh nghiệp. Trong quá trình thực hành ESG, có nhiều thách thức lớn trong việc triển khai chữ S tại doanh nghiệp đó là: Khó khăn khi định lượng cụ thể các yếu tố đo lường hiệu quả thực thi chữ S; thiếu các hướng dẫn và quy định chung trong thực hiện; gặp rủi ro vi phạm quyền riêng tư của người lao động… Đặc biệt, khi thực hành chữ “S” theo tiêu chuẩn ESG, ông Bùi Thanh Minh cho rằng, bộ khung ESG có những cấp độ khác nhau, do đó, doanh nghiệp muốn thực hành theo tiêu chí này phải xác định rõ điểm xuất phát, mục đích, đặc thù ngành, nghề của mình…
Ông Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân
phát biểu tại Hội thảo
Đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng là chìa khóa phát triển bền vững trong doanh nghiệp
“Tại Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, Ban Lãnh đạo Công ty luôn chú trọng phát triển đội ngũ nhân sự dưới những tiêu chuẩn cụ thể của báo cáo ESG” - bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo. Deloitte đưa ra 3 khái niệm phát triển con người bền vững: Thứ nhất, phát triển con người bền vững là khả năng của một tổ chức trong việc tạo ra giá trị cho con người, vượt ra ngoài các số liệu đo lường sự gắn kết của nhân viên truyền thống; phát triển con người bền vững thường tập trung vào sự hài lòng trong công việc và năng suất. Thứ hai, phát triển con người bền vững là tiếp cận một cách toàn diện đối với hạnh phúc, trong đó có sự tập trung nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, nâng cao kỹ năng, khả năng tuyển dụng, công bằng, sự gắn kết và ý thức về mục đích của họ. Thứ ba, về mặt đối tượng, phát triển con người bền vững không giới hạn ở nhân viên mà hướng đến tất cả các cá nhân kết nối với tổ chức, bao gồm cả nhân viên mở rộng, khách hàng và cộng đồng.
Bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo
Bên cạnh đó, Deloitte cũng luôn quan tâm, chú trọng việc tạo dựng một văn hóa coi trọng hạnh phúc và phát triển cá nhân của nhân viên. Khi nhân viên nhận thức rõ về ý nghĩa và mục đích trong công việc, họ sẽ cảm thấy công việc của mình có giá trị, từ đó gắn bó hơn với tổ chức. Bà Trần Thị Thúy Ngọc khẳng định, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo chữ “S” trong thực thi EGS, doanh nghiệp cần công khai báo cáo về tác động xã hội và môi trường của mình để đáp ứng mong đợi của các bên liên quan, từ nhà đầu tư đến khách hàng; đồng thời, tích cực tổ chức, áp dụng các hình thức công việc linh hoạt như làm việc từ xa và thời gian linh hoạt để giúp nhân viên cân bằng cuộc sống - công việc, cải thiện sức khỏe và năng suất.
Theo bà Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture và Quỹ Vì tương lai xanh (thuộc Tập đoàn Vingroup), xây dựng nhân lực bền vững sẽ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tạo môi trường lành mạnh, thúc đẩy sự gắn kết và cống hiến của nhân viên, đồng thời thể hiện vai trò của mình với cộng đồng và xã hội. Để xây dựng được chiến lược phát triển nhân lực bền vững và việc làm hạnh phúc, bà Lê Thái Hà cho rằng, cần có chính sách đào tạo và phát triển nhân viên như chương trình nâng cao kỹ năng, đào tạo liên tục. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải hướng đến phúc lợi linh hoạt và hỗ trợ tinh thần thể hiện qua việc đảm bảo cân bằng công việc - cuộc sống; các chương trình chăm sóc sức khỏe và tinh thần; đảm bảo sự đa dạng, tôn trọng, hòa nhập khi xây dựng văn hóa làm việc công bằng, văn minh.
Bà Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture và Quỹ Vì tương lai xanh (thuộc Tập đoàn Vingroup) phát biểu tại Hội thảo
Là một trong những doanh nghiệp mũi nhọn trong ngành Dệt may Việt Nam, Công ty TNHH Việt Thắng Jean đã và đang tích cực thực hiện chiến lược nhân sự tập trung vào ESG. Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nhân lực tại doanh nghiệp mình, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jeans kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dưới áp lực từ thị trường và yêu cầu của khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành Dệt may Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 và chiến lược đến năm 2030 là hoàn toàn tiếp cận và ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh và mô hình sản xuất tuần hoàn. Tuy nhiên, ngành Dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm áp lực giá cả, chi phí sản xuất cao, thiếu hụt đơn hàng, khó khăn về nguồn nhân lực và sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm giá rẻ trên các sàn giao dịch điện tử của nước ngoài, đe dọa trực tiếp đến sản xuất trong nước. Để duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, Công ty TNHH Việt Thắng Jeans luôn chú trọng việc quản lý rủi ro và cam kết theo bộ tiêu chuẩn ESG. Đặc biệt với chữ “S” trong bộ tiêu chí, Công ty luôn duy trì và thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể như đảm bảo quyền lợi của người lao động, an toàn - sức khỏe lao động, bảo vệ dữ liệu cá nhân và phát triển nguồn nhân lực…
“Đối thoại xã hội” là cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động trong phát triển nguồn nhân lực bền vững
Nhằm tiến tới xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, công bằng và văn minh, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã đưa ra khái niệm “đối thoại xã hội”. Theo bà Ingrid Christense, Việt Nam là một nền kinh tế năng động nhưng gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến biến đổi khí hậu và thiên tai. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho doanh nghiệp, Nhà nước phải có các chính sách ứng phó để bảo vệ người lao động và duy trì bền vững trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cơ cấu dân số Việt Nam hiện nay vẫn đang duy trì ở ngưỡng dân số trẻ nhưng có tốc độ già hóa nhanh chóng, do đó Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam cần có các chính sách để tận dụng thời điểm “dân số vàng” này. Đặc biệt, do trình độ lao động có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền, độ tuổi… cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình sử dụng lao động. Chính vì vậy, “đối thoại xã hội” sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp Chính phủ, người lao động, doanh nghiệp hợp tác nhằm tận dụng những cơ hội cũng như giải quyết các thách thức, qua đó thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh - Tổng Biên tập Báo Dân trí khẳng định: Công tác nhân sự là then chốt của then chốt đối với các doanh nghiệp. Con người là yếu tố quyết định, môi trường hay quản trị thì cũng quay trở lại phục vụ con người, con người là đối tượng hưởng lợi. Tuy nhiên, muốn phát triển ESG phải quan tâm tổng thể đến các yếu tố chứ không riêng yếu tố nào. Ông Phạm Tuấn Anh tin rằng, thông qua Hội thảo, các doanh nghiệp sẽ rút ra được các bài học kinh nghiệm để ứng dụng vào việc vận hành hoạt động, đồng thời tìm ra được tiếng nói chung nhằm đảm bảo sự hợp tác, lợi ích hài hòa với tập thể lao động trong doanh nghiệp, qua đó góp phần đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững, đóng góp chung vào thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Phạm Tuấn Anh - Tổng Biên tập Báo Dân trí phát biểu kết thúc Hội thảo
Ngọc Linh