Phát triển nền tảng thương mại điện tử: Thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế

(Banker.vn) Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử thời gian qua mở ra cơ hội cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế, song vẫn cần hoàn thiện chính sách cho lĩnh vực này
Amazon Week 2022: Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới VCCI khuyến nghị đơn giản hóa việc xác định dòng thuế và thuế suất với hàng hoá thương mại điện tử

Sáng 31/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo: Phát triển nền tảng thương mại điện tử, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng. Thông tin đưa ra tại hội thảo cho thấy, sau khi vượt qua đại dịch Covid-19, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và dự báo có sự phát triển vững chắc, người dân từ chỗ không quen với mô hình mua sắm trực tuyến thì nay đã trở nên quen thuộc và coi đó như một xu hướng tất yếu hiện nay.

Phát triển nền tảng thương mại điện tử: Thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế
Quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam năm 2015 khoảng 4 tỷ USD, nhưng đến năm 2025, quy mô thị trường được dự báo lên tới 49 tỷ USD

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM): Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam năm 2015 khoảng 4 tỷ USD, nhưng đến năm 2025, quy mô thị trường được dự báo lên tới 49 tỷ USD, thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD.

Năm 2022, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, tăng trưởng kinh tế Internet của Việt Nam được dự báo tăng đến 28%. Đây cũng là mức tăng trưởng được dự báo cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù tăng trưởng khá tích cực, nhưng theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn đối mặt với 6 trở ngại lớn, bao gồm: Thanh toán trực tuyến, hoàn tất đơn hàng, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, chênh lệch khoảng cách tiếp cận thương mại điện tử giữa các địa phương và môi trường chính sách và pháp luật.

Trong đó, với trở ngại liên quan đến thanh toán trực tuyến, ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển, song 86% các giao dịch điện tử vẫn được thanh toán bằng tiền mặt. Nguyên nhân bên cạnh thói quen dùng tiền mặt thì lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm được bán online vẫn còn là một vấn đề đáng lo ngại.

Phát triển nền tảng thương mại điện tử: Thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế
Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử vẫn còn nhiều hạn chế

Đồng tình với các trở ngại trên đang ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường thương mại điện tử Việt Nam thời gian qua, tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng: Trở ngại lớn nhất, quan trọng nhất đối với thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn là môi trường chính sách pháp luật.

“Đây là một thực tế không chỉ đối với lĩnh vực thương mại điện tử mà còn là trở ngại đối với nhiều lĩnh vực khác. Bởi kể cả có chính sách hỗ trợ đi chăng nữa thì vấn đề thực thi vào thực tế cũng không hề đơn giản”, bà Nguyễn Thị Minh Thảo khẳng định.

Trong khi đó, liên quan đến chính sách cho doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) - Bộ Công Thương cho rằng: Các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử còn hạn chế.

Tuy nhiên, tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành vào năm 2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đã đề cập đến những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp thương mại điện tử như: Giảm phạm vi cấp phép cho hoạt động thương mại điện tử. Cùng với đó, nghị định cũng đưa ra những quy định đối với hàng hoá thương mại điện tử, cách thức quản lý nguồn gốc và truy xuất, các quy định liên quan đến kinh doanh thương mại điện tử…

Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường thương mại điện tử phát triển, ngày 30/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2022. Nghị định đã đưa ra các điểm sửa đổi chính tập trung vào các nội dung sau: Về khai thuế thu nhập cá nhân của tổ chức, cá nhân không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân; Về trách nhiệm của tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có mua bán hàng hóa dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử cho cơ quan quản lý thuế; Về quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ; Về việc nộp hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường đối với than khai thác và thu nội địa... điều này cũng tạo ra những cơ hội thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử.

Từ những nhận định trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thương mại điện tử Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả, cần có những cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Cùng với đó, cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho thương mại điện tử. Đặc biệt, cần hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch điện tử để kích thích thương mại điện tử phát triển, muốn làm được như vậy, cần giảm chỉ số tiền mặt trên tổng số phương tiện thanh toán, vì hiện chỉ số này tại Việt Nam hiện vẫn chiếm tới 11%.

Năm 2022, kinh tế Internet của Việt Nam được dự báo tăng trưởng đến 28%. Đây cũng là mức tăng trưởng được dự báo cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để thương mại điện tử phát triển bền vững, vấn đề hoàn thiện chính sách vấn cần được quan tâm.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương