Phát triển kinh tế đêm- mũi nhọn thúc đẩy Du lịch Ninh Thuận phát triển

(Banker.vn) Để Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng và các loại hình du lịch, trong đó có chợ đêm du lịch và tuyến phố đi bộ.
Tăng trưởng GRDP của Ninh Thuận dẫn đầu các tỉnh miền Trung Vì sao Ninh Thuận hủy thông báo thu hồi đất triển khai nhà máy điện hạt nhân?

Đẩy mạnh phát triển du lịch Ninh Thuận

Theo Sở Du lịch Ninh Thuận, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh khá nhộn nhịp, lượng khách tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Toàn tỉnh đón và phục vụ 1,71 triệu lượt khách, đạt 63,3% kế hoạch năm, tăng 19% so cùng kỳ 2022. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 1.360 tỷ đồng.

Sự tham gia sôi động tại Tuần lễ ẩm thực đường phố Ninh Thuận

Công tác quản lý nhà nước về du lịch được quan tâm, nhiều hoạt động được tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần tạo cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch tỉnh nhà. Công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư du lịch, hội nghị, hội thảo, phát triển sản phẩm du lịch đạt hiệu quả.

Tính đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án du lịch đã được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 52.514,2 tỷ đồng. Trong đó, có 25 dự án đã hoàn thành, đưa vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.974,5 tỷ đồng, chiếm 44% số dự án và 32 dự án chưa hoàn thành, chiếm 56%, trong đó có 22 dự án du lịch trọng điểm của tỉnh.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 205 cơ sở lưu trú du lịch và 4.529 phòng. Các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đầu tư, nâng cấp nhiều điểm, khu du lịch nhằm tạo sức lan tỏa, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Thuận, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, giúp cho lịch trình tham quan đến Ninh Thuận thú vị và nhiều trải nghiệm hơn.

Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng và các loại hình du lịch. Trong đó có chợ đêm du lịch và tuyến phố đi bộ.

Hiện nay, Chợ đêm du lịch được xem là điểm vui chơi, giải trí duy nhất về đêm của du khách khi đến tham quan Ninh Thuận. Với 138 gian hàng nối tiếp nhau sáng rực ánh đèn, được bố trí trật tự ở hai bên tuyến đường Trần Quang Diệu (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm). Chợ có 2 cổng chính và 3 cổng phụ trên tuyến đường thẳng, rộng trải dài từ đầu chợ đến cuối chợ, không nhiều lối nhỏ gấp khúc như các chợ truyền thống. Chính nhờ lối thiết kế này mà du khách khi tới khám phá chợ đêm dễ dàng trải nghiệm những điều thú vị nơi đây. Các mặt hàng bày bán ở chợ đêm rất đa dạng và phong phú, từ quần áo, giày dép đến mặt hàng đặc sản địa phương...

Cuộc thi nấu ăn tại Tuần lễ ẩm thực

Khu ẩm thực cũng nhộn nhịp không kém, với nhiều món ăn, thức uống tươi ngon với giá cả bình dân. Thêm nữa, dường như mọi tiểu thương ở chợ đều biết cách làm du lịch, biết mời gọi du khách. Thỏa sức ngắm nghía, thưởng thức để đến khi ra về ai cũng tay xách nách mang nhiều thứ quà cho người thân, bạn bè. Bởi vậy, dẫu ban ngày du khách có đi tham quan vịnh Vĩnh Hy thơ mộng hay rong ruổi trên các vườn nho..., nhưng tối đến vẫn muốn hòa mình vào không khí vui nhộn ở chợ đêm du lịch Ninh Thuận.

Được biết, qua 6 năm hoạt động, Chợ đêm Du lịch Ninh Thuận không chỉ tạo việc làm ổn định cho tiểu thương mà còn tạo không gian du lịch kết hợp mua sắm đồng bộ, thu hút du khách từ nơi khác đến, góp phần tăng thời gian lưu trú của du khách.

Tạo điều kiện phát triển kinh tế đêm Ninh Thuận

Nhằm tạo thêm các sản phẩm du lịch mới mới, kích cầu tiêu dùng mua sắm, thúc đẩy kinh tế đêm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh vừa phối hợp với UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm ban hành Đề án triển khai tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố.

Theo đề án, không gian hoạt động của tuyến phố đi bộ bao gồm đường 16 Tháng 4, đường Hoàng Diệu, đường Trần Quang Diệu, đường Nguyễn Công Trứ, khu vực Tượng đài, Quảng trường 16 Tháng 4. Theo đó, tuyến phố đi bộ hoạt động từ 18 giờ đến 23 giờ vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần gồm các hoạt động chính: ẩm thực, dịch vụ mua sắm, văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, giải trí...

Những món ăn không chỉ hấp dẫn mà còn bắt mắt

Tại các phân khu sẽ bố trí các gian hàng bày bán sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm đặc trưng các vùng miền và ẩm thực đường phố... Để tạo không gian vui chơi, giải trí, “níu chân” người dân và du khách, trên tuyến phố đi bộ thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: Trải nghiệm các trò chơi dân gian, triển lãm tranh, ảnh, thư pháp, ca nhạc đường phố, chụp ảnh tự động... Cùng với đó, khu ẩm thực là nơi quảng bá những sản vật, tinh hoa miền đất nắng đến du khách thập phương. Từ đó, tạo một quần thể không gian văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí và trải nghiệm của người dân, du khách, góp phần “thắp sáng” kinh tế đêm, nâng cao giá trị văn hóa, kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ du lịch cho địa phương.

Ông Nguyễn Long Biên, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện đề án tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố là cần thiết, tạo điểm nhấn cho hoạt động văn hóa của thành phố, thúc đẩy giao lưu văn hóa, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, từng bước xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Để đề án đi vào thực chất, góp phần phát triển du lịch tỉnh, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân trong khu vực tuyến phố đi bộ và các vùng phụ cận. Song song với đó, cần khuyến khích, hướng dẫn người dân trong khu vực tuyến phố hoạt động kinh doanh dịch vụ, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập.

Việc xây dựng tuyến phố đi bộ phải đảm bảo về an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; đảm bảo phân luồng giao thông, bố trí các điểm giữ xe hợp lý. Trước mắt, các đơn vị liên quan cần tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm về cách thức hoạt động của các tuyến phố ở một số tỉnh lân cận và khẩn trương xây dựng thí điểm tuyến phố sớm đưa vào hoạt động. Từ đó thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Kim Xuyến

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục