Phát triển Đảng trong doanh nghiệp: Vai trò đồng hành của báo chí

(Banker.vn) Công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp Việt Nam cần có vai trò đồng hành của báo chí trong bối cảnh hiện nay.
Bước phát triển đáng ghi nhận Quận Lê Chân (Hải Phòng): Đẩy mạnh phát triển Đảng tại các doanh nghiệp nhà nước

Hội nghị “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp với công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp Việt Nam” do báo Nhân Dân, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức diễn ra sáng 22/3/2023 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi thành phần, đặc biệt trong khối doanh nghiệp bao gồm cả khu vực kinh tế tư nhân trở thành yêu cầu cấp thiết, không chỉ bằng đường lối, chủ trương và thể chế thành luật pháp, chính sách, mà bao hàm cả xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.

Nhấn mạnh từ năm 1996 đến nay, Đảng ta ban hành nhiều văn bản về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, như Chỉ thị số 07-CT/TW, Quy định số 15-QĐ/TW, Chỉ thị số 33-CT/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW, hay văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong công nhân trực tiếp sản xuất, trí thức và doanh nhân.

Tuy nhiên, ông Minh cũng nhìn nhận rằng, việc xây dựng tổ chức Đảng, phát triển Đảng viên trong doanh nghiệp là vấn đề mới và khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên còn nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí tồn tại không ít mâu thuẫn, xung đột, rào cản chưa được giải quyết thấu đáo, với nhiều ý kiến tranh luận khác nhau cả về lý luận và thực tiễn.

Cùng đó thực tế cũng có những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhưng "có những e ngại nhất định sợ khi vào Đảng sẽ bị kiểm soát nào đó mà không thuận lợi cho quá trình hoạt động. Hoặc về vấn đề phát triển chi bộ trong doanh nghiệp, có những doanh nghiệp rất hào hứng; hoạt động của chi bộ, bí thư không phải chủ doanh nghiệp, có sự phối hợp tạo ra những hoạt động hiệu quả. Nhưng cũng có những doanh nghiệp e ngại trong việc duy trì những chi bộ như vậy”.

Từ đó, ông Lê Quốc Minh mong muốn qua hội nghị có thể đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng việc phát triển Đảng, cơ sở Đảng trong doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tham luận tại hội nghị, nhiều ý kiến trao đổi mang tính cởi mở, khách quan của các bộ, ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng trong doanh nghiệp. Đưa ra các giải pháp để báo chí tiếp tục đồng hành, lan toả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như các mô hình hay, thiết thực, hiệu quả của công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp Việt Nam.

Phát triển Đảng trong doanh nghiệp: Vai trò đồng hành của báo chí
Quang cảnh hội nghị

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, còn một bộ phận chủ doanh nghiệp, cũng như người lao động chưa mặn mà với việc trở thành đảng viên, hoặc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, để đảng viên sinh hoạt Đảng tại phường, xã; lo ngại về những rườm rà và hành chính hóa hoặc thủ tục hóa làm ảnh hưởng đến thời gian làm việc.

Ông Phòng nêu ý kiến, cần đổi mới nội dung sinh hoạt Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân theo hướng gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm. Từng bước để chủ doanh nghiệp thấy được tổ chức đảng không cản trở, mà trái lại cùng họ thúc đẩy sản xuất, cùng hướng tới sự phát triển chất lượng và bền vững của doanh nghiệp, nâng cao doanh thu, lợi nhuận và đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập báo Hànộimới nêu ý kiến việc tuyên truyền về công tác phát triển Đảng, tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp để đạt được hiệu quả hơn nữa cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền (gồm phát thanh, truyền hình, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất các tin, bài; tổ chức thực hiện qua nhiều hình thức phong phú như: tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, đối thoại trực tiếp với các chủ doanh nghiệp, người lãnh đạo doanh nghiệp); thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng thời kỳ.

Ông Trần Quang Dũng, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho rằng: vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, phải là hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp Nhà nước.

Cũng theo ông Dũng, trong doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức Đảng có vai trò lãnh đạo toàn diện, nên người đứng đầu và cấp ủy đảng có trách nhiệm và vai trò quyết định đến thành công của doanh nghiệp. Cần nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng, phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện; kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trong ban thường vụ và trong cấp ủy Đảng.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương