Phát triển cửa hàng outlet tại một số quốc gia trên thế giới - bài học rút ra cho Việt Nam

(Banker.vn) Tại Việt Nam, mô hình cửa hàng outlet đầu tiên xuất hiện năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên các cửa hàng này hoạt động thời gian ngắn rồi đóng cửa.
Khai mạc Hội chợ bán lẻ hàng Thái Lan Outlet 2018 Thấy gì từ sự thất bại của thương vụ “Mở trung tâm outlet và khu phi thuế quan” tại Đà Nẵng?

Cửa hàng outlet xuất hiện đầu tiên tại Mỹ vào đầu những năm 30. Từ đó, mô hình cửa hàng bán lẻ này được nhân rộng và phát triển tại nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay các nước châu Âu. Những khu bán hàng outlet thường là điểm nhấn thu hút khách du lịch. Ngành công nghiệp outlet được xây dựng hoàn toàn tách biệt với hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng ở trung tâm mua sắm. Các cửa hàng này thu hút rất nhiều khách du lịch từ khắp bốn phương bởi vì sản phẩm mang tên những thương hiệu hấp dẫn nhưng lại bán giá thành cực kì rẻ. Do vậy, nhiều quốc gia không ngần ngại mở rộng mô hình outlet nhằm lôi kéo sự quan tâm của khách du lịch. Tại các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển các trung tâm mua sắm, đặc biệt là cửa hàng outlet nhằm thu hút khách du lịch. Đồng thời, việc phát triển các cửa hàng outlet cũng là một trong những giải pháp để tăng doanh thu bán lẻ trong nước bởi đây là điểm thu hút khách du lịch lớn và khách du lịch thường chi 1/3 ngân sách cho việc mua sắm. Sở dĩ các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia thu hút được lượng lớn khách du lịch bởi đến đây, du khách không chỉ có cơ hội đi tham quan những địa danh du lịch nổi tiếng mang vẻ đẹp truyền thống, ăn uống thỏa thích tại các khu phố ẩm thực, mà còn được trải nghiệm mua sắm quên thời gian.

Tại Việt Nam, mô hình các cửa hàng outlet đầu tiên đã xuất hiện từ năm 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh như nhãn hiệu NineWest trên đường Nguyễn Trãi, của Esprit trên đường Phạm Hồng Thái, Del Amo outlet trên đường Nguyễn Huệ, Q.1, Elle outlet trên đường Cao Thắng… Tuy nhiên, các cửa hàng này chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi đóng cửa. Mặc dù gần đây, các cửa hàng outlet đã bắt đầu xuất hiện trở lại tại Việt Nam một số thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Puma, Converse và các cửa hàng outlet của các nhà phân phối lớn như hệ thống cửa hàng Maison Outlet, ACFC Premium Outlet… Tuy nhiên, quy mô của các cửa hàng outlet tại Việt Nam còn hạn chế, cũng chưa đón nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước cũng như chưa trở thành điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Với mục tiêu phát triển thị trường trong nước, đa dạng hoá các kênh mua sắm, với quy mô thị trường ngày một phát triển, đối tượng khách hàng trẻ, loại hình này cần được nghiên cứu, nhìn nhận đánh giá về xu hướng phát triển, vai trò đối với thúc đẩy mua sắm, tiêu dùng trong nước, đặc biệt sự gắn kết với du lịch - tiêu dùng, hoạt động kinh tế đêm, trải nghiệm mua sắm gắn với thương mại điện tử. Để có thể phát triển mô hình kinh doanh outlet, cần có mô hình hoạt động đúng nghĩa, tức là mở ra các trung tâm có quy mô lớn tại khu vực có mặt bằng cho thuê giá rẻ để tiết kiệm chi phí. Do vậy, để phát triển được tiềm năng của các cửa hàng outlet trong việc kích cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời thu hút khách du lịch, về phía cơ quan quản lý nhà nước cần phải nghiên cứu, đưa ra một số giải pháp nhằm quản lý và phát triển hệ thống trung tâm outlet tại các thành phố lớn của Việt Nam trong thời gian tới.

Với những lý do được phân tích ở trên, có thể thấy rằng việc triển khai nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu phát triển hệ thống cửa hàng outlet tại một số thành phố lớn của Việt Nam” là có tính thực tiễn và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển cửa hàng outlet tại một số quốc gia trên thế giới - bài học rút ra cho Việt Nam
Một số mô hình của các nước trên thế giới

Thực hiện Quyết định số 979/QĐ-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2023, Vụ Thị trường trong nước đã triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu phát triển hệ thống các cửa hàng outlet tại các thành phố lớn của Việt Nam”. Thông qua nghiên cứu hệ thống chính sách pháp luật liên quan và mô hình hoạt động của các cửa hàng outlet điển hình tại các quốc gia phát triển trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Ban Chủ nhiệm đề tài rút ra một số vấn đề cần lưu ý để phát triển hệ thống cửa hàng outlet tại các thành phố lớn của Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần có quy hoạch sử dụng đất hợp lý tại các khu vực

Mặc dù các quốc gia trên thế giới không có quy định cụ thể về quản lý và phát triển hệ thống cửa hàng outlet. Tuy nhiên, có thể thấy việc lập quy hoạch hệ thống các cửa hàng thương mại tại khu vực có tác động lớn đến hiệu quả của hoạt động của cửa hàng outlet sau khi được thành lập. Ví dụ như tại Trung Quốc, vào đầu những năm 2000 do chưa có quy hoạch phù hợp đối với việc đầu tư xây dựng cửa hàng outlet tại các thành phố lớn của Trung Quốc đã dẫn đến việc nhiều cửa hàng bị thua lỗ, thậm chí phá sản. Trong khi đó, tại Malaysia kể từ khi cửa hàng outlet đầu tiên ra đời vào năm 2011 thì cho tới nay tổng số cửa hàng outlet tại Malaysia là 05 cửa hàng. Chính việc bố trí hợp lý các trung tâm outlet tại các thành phố lớn trên cả nước đã giúp các trung tâm này hoạt động tốt và ổn định do không có tình trạng dư cung, đồng thời giữ giá thuê ổn định và bền vững.

Trong khi đó, tại Mỹ và Nhật Bản chú trọng đến quy hoạch sử dụng đất để phát triển hạ tầng thương mại. Như tại Hoa Kỳ khi lập quy hoạch tại các bang đều có hệ thống riêng để đánh giá chi tiết hoạt động bán lẻ trong khu vực về vị trí, quy mô, chức năng của dự án. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng quy định việc đặt các cửa hàng outlet phải cách các trung tâm mua sắm ít nhất 30 dặm để giảm thiệu việc cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ hai, các trung tâm outlet cần được định hướng để thu hút khách du lịch

Kinh nghiệm của các nước được nghiên cứu cho thấy, việc đặt trung tâm outlet tại các địa điểm du lịch nổi tiếng giúp kết hợp hai trải nghiệm mua sắm và du lịch trong một chuyến đi. Việc kết hợp trung tâm outlet vào ngành du lịch có thể giúp tăng cường nguồn lực du lịch cho một khu vực cụ thể. Khách du lịch thường có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khi đến một địa điểm mới, do đó việc kết hợp trung tâm outlet sẽ tạo ra cơ hội tăng doanh thu cho cả hai ngành. Để thu hút du khách, Chính phủ cần phát triển cơ sở hạ tầng như đường giao thông, bãi đậu xe, và các tiện ích phục vụ khách hàng. Một ví dụ thành công về việc kết hợp trung tâm outlet và du lịch là thành phố Las Vegas, Mỹ. Las Vegas không chỉ nổi tiếng với các sòng bạc và nhà hàng sang trọng mà còn có trung tâm outlet lớn như Las Vegas Premium Outlets. Việc kết hợp giữa mua sắm và du lịch đã tạo ra một điểm đến hấp dẫn cho du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Thứ ba, Chính phủ có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng cửa hàng outlet

Nhận thức được những lợi ích kinh tế mà cửa hàng outlet mang lại cho khu vực như tăng thu nhập cũng như thay đổi thói quen mua sắm của người dân, Chính quyền địa phương của Trung Quốc đã đưa ra những chính sách mời gọi đầu tư như sau: (i) Khấu trừ giá thuê đất; (ii) Sử dụng các công cụ tài chính như ưu đãi vay vốn; (iii) Cung cấp dịch vụ công và hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng lân cận như bãi đỗ xe, dịch vụ vận tải công cộng…; (iv) Đưa ra một số quy định trực tiếp về doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ này được đánh giá là cần thiết và quan trọng để thu hút đầu tư và phát triển các cửa hàng outlet tại Trung Quốc.

Chính phủ Malaysia có những quy định minh bạch, rõ ràng về mở cửa cơ sở bán lẻ đối với nhà đầu tư nước ngoài, cũng như những hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính thông qua các quỹ và các sáng kiến của chính phủ, nhờ đó mà thu hút được nhiều nhà phát triển bất động sản lớn của nước ngoài đầu tư vào xây dựng trung tâm outlet. Các quỹ này được quản lý bởi nhiều cơ quan và có sẵn dưới hình thức các khoản vay, trợ cấp, tài trợ vốn chủ sở hữu và vốn mạo hiểm. Ngoài ra, những chính sách mới của Chính phủ Malaysia cũng giúp tăng thu nhập khả dụng của người tiêu dùng thông qua các sáng kiến như tăng lương tối thiểu cũng như bãi bỏ thuế GST. Nhờ đó kích thích nhu cầu mua sắm của người dân tại các trung tâm mua sắm nói chung và cửa hàng outlet nói riêng.

Thứ tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ đưa đón

Một trong những yếu tố quan trọng các nhà lập quy hoạch cần tập trung đó là quy hoạch về giao thông. Cần xác định làm thế nào để khách hàng đi đến cửa hàng outlet, họ đến từ đâu và đi mất bao xa. Nếu người tiêu dùng tự lái xe đến cửa hàng outlet thì các cửa hàng outlet cần đặt gần đường chính để thuận tiện cho quá trình đi lại. Ngoài ra cần tính đến quy định về chỗ đỗ xe cũng như số lượng chỗ đậu xe bên trong cửa hàng outlet. Ngoài ra là yếu tố về cơ sở hạ tầng, thông thường các cửa hàng outlet quy mô lớn đều cần có các tiện ích liên quan như hệ thống điện, thoát nước, hạ tầng internet…

Cơ sở hạ tầng giao thông và thói quen di chuyển của người dân cũng là một trong những yếu tố quan trọng cần xem xét trong quá trình lập quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nói chung và lựa chọn vị trí để xây dựng cửa hàng outlet. Ví dụ như tại Mỹ, người dân thường sống ở khu vực ngoại ô và làm việc ở khu vực trung tâm thành phố. Ngoài ra, hệ thống đường cao tốc ở Mỹ rất phát triển và tỷ lệ sở hữu ô tô cao của người dân cũng là một trong những lý do khiến việc di chuyển trở nên thuận tiện hơn. Do vậy, cửa hàng outlet quy mô lớn thường được đặt tại khu vực ngoại ô của thành phố.

Tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, những khu vực có dân số đông thường có nhiều cửa hàng outlet hơn. Tại Nhật Bản việc sử dụng các phương tiện công cộng trở nên phổ biến, do vậy các trung tâm outlet quy mô lớn tại khu vực ngoại ô thường có vị trí gần các ga tàu điện. Ngoài ra, việc phát triển dịch vụ xe đưa đón miễn phí từ các ga tàu điện đến trung tâm outlet cần được quan tâm phát triển.

Thứ năm, các trung tâm outlet phát triển thường được điều hành bởi các nhà phát triển outlet có tên tuổi trên thế giới

Với nhiều đặc điểm tương đồng với Việt Nam về quy mô kinh tế cũng như thói quen tiêu dùng của người dân, tuy nhiên tại Malaysia các trung tâm outlet rất phát triển, góp phần đáng kể vào việc thu hút khách du lịch quốc tế và tăng doanh thu cho ngành bán lẻ trong nước. Có được thành công này nhờ việc thu hút được những nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi và có kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển cửa hàng outlet. Hiện nay, cả 05 trung tâm outlet lớn của Malaysia đều liên doanh với các doanh nghiệp phát triển bất động sản của nước ngoài, như Genting Plantations Bhd với Simon Property Group (GPO) có trụ sở tại Hoa Kỳ; Malaysia Airport Holdings Bhd với Mitsui Fudosan Co, Nhật Bản (JPO); và Mainstay Holdings Sdn Bhd với Tập đoàn Horizon, Chicago (KLIO). Đặc biệt, các doanh nghiệp này chủ yếu thực hiện hoạt động cho thuê gian hàng chứ không tham gia vào hoạt động kinh doanh hàng hóa. Để lấp đầy các gian hàng tại trung tâm outlet, các doanh nghiệp bất động sản sẽ liên kết với các công ty cố vấn cho thuê và phát triển bán lẻ như Savills Malaysia.

Chính nhờ sự tham gia của các nhà phát triển bất động sản hàng đầu trên thế giới này mà các trung tâm outlet tại Malaysia có thể duy trì hoạt động hiệu quả với tỷ lệ lấp đầy các gian hàng luôn ở mức lớn hơn 90%, đồng thời đóng góp đáng kể vào doanh thu của ngành bán lẻ tại Malaysia. Việc thu hút đầu tư các nhà phát triển outlet lớn trên thế giới là một kinh nghiệm đáng để những nước đang phát triển như Việt Nam học tập, nhằm sử dụng quỹ đất và các nguồn lực khác một cách hiệu quả nhất.

Thứ sáu, thu hút khách hàng bởi những yếu tố đặc trưng của các cửa hàng outlet

Thông qua nghiên cứu mô hình các cửa hàng outlet điển hình cửa các quốc gia trên thế giới, có thể chỉ ra các nhân tố giúp các cửa hàng outlet trở nên nổi tiếng và thu hút khách hàng như sau: (i) Chất lượng và sự đa dạng của sản phẩm; (ii) Giá cả hấp dẫn và các chương trình khuyến mại; (iii) Thương hiệu và uy tín; (iv) Dịch vụ khách hàng; (v) Trải nghiệm và không gian mua sắm; (vi) Sự xuất hiện trực tuyến.

Vụ Thị trường trong nước

Theo: Báo Công Thương