Phát triển công trình xanh sẽ thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng

(Banker.vn) Theo Bộ Xây dựng, Việt Nam đang gặp phải nhiều rào cản và vì thế cần có giải pháp để phát triển công trình xanh nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng.
Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, cơ hội để xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp hiệu quả Lợi ích từ chuyển đổi xanh

Tăng trưởng xanh, phục hồi xanh là tất yếu

Chia sẻ về chiến lược tăng trưởng xanh tại Hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình” diễn ra sáng 22/11/2023, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho biết, cách tiếp cận xanh đối với phục hồi kinh tế, hướng tới mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang là lựa chọn hàng đầu được nhiều quốc gia lựa chọn. Và, Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh đó, để có thể hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần, lựa chọn phục hồi xanh là sự tất yếu.

Phát triển công trình xanh sẽ thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng
TS. Trần Đình Thiên chia sẻ về chiến lược tăng trưởng xanh trong phát triển kinh tế

TS. Trần Đình Thiên nhận định: “Tuy có nhiều khó khăn, thách thức, song việc theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng “0” sẽ tạo áp lực: Chuyển đổi (chuyển đổi xanh) các ngành, các doanh nghiệp theo hướng tăng cường áp dụng khoa học công nghệ mới và sạch; Đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, quy trình, tổ chức - mô hình quản lý, sản xuất; Mở thị trường mới, cấu trúc lại thị trường ngành, triển khai các hoạt động marketing mới”.

Có thể thấy, thời gian qua, không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà nhiều nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam đã lựa chọn cho mình chiến lược đầu tư, phát triển gắn với tăng trưởng xanh bền vững. Trên góc độ đơn vị phát triển du lịch, bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng giám đốc Sun Hospitality Group (thành viên Sun Group) cho rằng, du lịch phát triển đúng hướng sẽ giúp nền kinh tế từng bước dịch chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Đại diện Sun Group lấy dẫn chứng từ điển hình Quảng Ninh – tỉnh vẫn được ví là “Việt Nam thu nhỏ”, và là minh chứng tiêu biểu cho thành công trong chuyển dịch nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.

Cụ thể, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đưa ra mục tiêu chuyển dịch nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh, giảm dần khai khoáng, hướng mạnh sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tỉnh đã kêu gọi đầu tư hàng loạt công trình trọng điểm tạo lực đẩy cho ngành “công nghiệp không khói” tăng tốc. Nhờ những dự án động lực, chỉ trong vòng 5 năm từ năm 2013 tới 2018, Quảng Ninh thu hút 100 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 110.000 tỷ đồng. “Nhờ hướng đi đúng đắn, lựa chọn thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch làm 2 gọng kìm mạnh mẽ góp phần chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh đã hái trái ngọt với đà tăng trưởng du lịch ngoạn mục”, đại diện Sun Group nhấn mạnh.

Phát triển công trình xanh sẽ thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng
Đại diện nhà đầu tư nước ngoài đến từ Malaysia, ông James Lai Siaw Pin - Tổng Giám đốc Gamuda Land Việt Nam chia sẻ về hành trình xây dựng khu đô thị xanh tại Việt Nam

Bên cạnh các doanh nghiệp trong nước, một số nhà phát triển bất động sản nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như Gamuda Land đã có chiến lược đặc biệt khi cải tạo, biến những khu vực kém phát triển như "rốn nước thải" Yên Sở (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) thành khu đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Trong các dự án tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chủ đầu tư luôn áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến nhằm bảo tồn thiên nhiên như trồng cây trong vườn ươm, nhà máy xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế, bảng năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước mưa để sử dụng tưới tiêu cho khu vực cây trồng.

Vượt qua rào cản, chuyển đổi xanh ngành Xây dựng

Bày tỏ quan điểm về chủ đề Chuyển đổi Xanh ngành xây dựng, nhìn từ góc độ thúc đẩy phát triển công trình xanh, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) dẫn số liệu đáng chú ý, đó là các công trình xây dựng trên thế giới phát thải khoảng gần 40% tổng lượng khí thải carbon, trong đó lượng carbon vận hành công trình chiếm khoảng 28% và hơn 11% phát thải đến từ carbon hàm chứa từ quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và quá trình thi công xây dựng công trình. Ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon.

Ông Thịnh cho rằng, công trình xanh phát triển ở Việt Nam đến nay khoảng trên dưới 15 năm. Tính đến hết quý 3 năm 2023, số lượng công trình xanh ở Việt Nam là 305 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu mét vuông. Đại diện Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh rằng, việc phát triển công trình xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng.

Phát triển công trình xanh sẽ thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng
Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng)

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng chỉ ra thực tế, cùng với các kết quả mang lại về tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa, Việt Nam cũng đang gặp phải những rào cản, những áp lực và mặt trái của quá trình phát triển. Đó là các áp lực về gia tăng dân số, về suy thoái, ô nhiễm môi trường, về cạn kiệt tài nguyên, về thiếu hụt nguồn cung năng lượng.

Vì vậy, đại diện Bộ Xây dựng đã đưa ra giải pháp để tạo điều kiện cho việc phát triển công trình xanh góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng. Cụ thể, về cơ chế, chính sách cần chú trọng việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kinh trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng “0”, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa carbon…

Về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành mới để tích hợp, điều chỉnh, bổ sung các quy định, yêu cầu, chỉ tiêu kỹ thuật nhằm hướng dẫn, thúc đẩy, hỗ trợ các dự án, công trình xây dựng thiết kế, thi công xây dựng, vận hành đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, công trình xanh, phát thải thấp, trung hòa carbon.

Về nguồn nhân lực, cần tăng cường nhận thức, năng lực chuyên môn kỹ thuật cho các đối tượng liên quan đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, đánh giá, chứng nhận, quản lý vận hành các dự án, công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.

Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy phát triển tài chính xanh, tín dụng xanh và các cơ chế ưu đãi phi tài chính cho các dự án đô thị xanh, công trình xanh, sản xuất vật liệu xây dựng xanh… Đẩy mạnh việc tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển các công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính. Đưa các kiến thức chuyên môn về xanh vào đào tạo, giảng dạy trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề lĩnh vực xây dựng để giảng dạy cho sinh viên, học viên”, ông Nguyễn Công Thịnh đề xuất.

Ngọc Tiến

Theo: Báo Công Thương