Fesival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025: Hành trình mới cho nghề muối Không gian trưng bày, giới thiệu muối, gia vị, sản phẩm OCOP Bà Rịa - Vũng Tàu: Mưa trái mùa, diêm dân thất thu vụ muối |
Phát triển sản phẩm muối gắn với bảo tồn văn hoá làng nghề
Chia sẻ về tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm muối trên đia bàn, ông Phan Xuân Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên cho biết, diện tích đất làm muối của Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên năm 2024 là 172,6 ha (phường Xuân Yên: 19,74 ha; xã Xuân Bình: 118,05 ha; xã Xuân Cảnh: 3,25 ha; xã Xuân Phương: 31,56 ha). Trong đó, đồng muối Tuyết Diêm thuộc xã Xuân Bình, các hộ làm muối đang áp dụng 02 công nghệ: công nghệ sản xuất muối phơi nước phân tán truyền thống, và công nghệ sản xuất muối phơi nước trên nền ô kết tinh trải bạt.
![]() |
Đồng muối Tuyết Diêm thuộc xã Xuân Bình gặp khó trong công tác tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Đ.H |
Hàng năm trên địa bàn thị xã Sông Cầu có khoảng 172,6 ha muối được đưa vào sản xuất, sản lượng bình quân từ 2017-2023 đạt 9.703tấn/năm, với giá muối 1.600 đồng/kg muối thô và 2.000 đồng/kg muối sạch (giá năm 2023); thị trường tiêu thụ thông qua các thương lái tại địa phương, sau đó tiêu thụ tại một số ít tỉnh lân cận. Đối với thị trường địa phương, muối được tiêu thụ tại các chợ truyền thống và các cơ sở chế biến nước mắm.
Trong đó, muối hầm Tuyết Diêm là một sản phẩm độc đáo, duy chỉ có ở xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, đã có gần 300 năm. Muối hạt thu hoạch tại đồng muối, vận chuyển vào kho cất trữ để có muối hầm quanh năm, không theo mùa vụ, đây chính là điều khác biệt của muối hầm Tuyết Diêm so với muối các địa phương khác.
Mặc dù, đây là nghề truyền thống gắn bó bao đời với bà con địa phương, song thực tế, việc sản xuất muối hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ với Báo Công Thương một hộ nông dân tại xã Xuân Bình cho biết, để có được sản phẩm muối hầm thì những người thợ phải bắt đầu công việc từ 0h đến 8h sáng mới xong công đoạn hầm muối, sau khi đã được đốt đủ nhiệt và phủ than, muối hạt tự chín trong thời gian 24h.
"Công đoạn làm muối hầm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công rất vất vả nhưng hiện giá bán lại rất rẻ. Đó là trăn trở của bà con nông dân chúng tôi với mong muốn được sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành nâng cao chất lượng, tìm đầu ra cho sản phẩm" - một hộ nông dân tại xã Xuân Bình cho biết.
![]() |
Việc xây dựng và phát triển chuỗi sản phẩm mang thương hiệu Tuyết Diêm góp phần gỡ khó đầu ra cho bà con diêm dân Sông Cầu, Phú Yên. Ảnh: Đ.N |
Một trong những khó khăn nữa là dù sản phẩm đã gắn với giá trị lịch sử truyền thống gần 300 năm, song đồng muối Tuyết Diêm hiện chưa định vị được thương hiệu trên thị trường do sản xuất manh mún, chưa được quy hoạch hoàn thiện như những đồng muối khác, như đồng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cà Ná (Ninh Thuận), Hòn Khói (Khánh Hòa)… Đặc biệt, công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cũng đối diện nhiều thách thức.
Xây dựng chuỗi sản phẩm mang thương hiệu Tuyết Diêm
Để tìm đầu ra cho sản phẩm muối Tuyết Diêm, sáng 13/4, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện "Ra mắt không gian trưng bày sản phẩm muối Tuyết Diêm, Phú Yên tại Hà Nội". Chia sẻ tại sự kiện, ông Phan Xuân Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên cho biết: “Việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm muối Tuyết Diêm tại sự kiện không chỉ là câu chuyện đầy giá trị văn hoá mà còn mang theo hy vọng mở ra câu chuyện muối cho tương lai.
Chúng tôi không muốn hạt muối chỉ dừng lại ở sản phẩm mưu sinh, mà muốn nó trở thành một biểu tượng văn hóa – một thương hiệu bản địa – một lời mời gọi đến khám phá Phú Yên sâu sắc hơn qua từng hạt mặn. Với tinh thần đó, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đã cùng cộng đồng Tuyết Diêm khởi xướng một hành trình mới – phát triển chuỗi sản phẩm từ muối mang thương hiệu Tuyết Diêm” .
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tới tham dự sự kiện "Ra mắt không gian trưng bày sản phẩm muối Tuyết Diêm, Phú Yên tại Hà Nội". Ảnh: Đ.N |
Theo ông Hạnh, những hũ muối kiến vàng Sông Hinh, muối lá é Sơn Hòa, muối tỏi ớt... không chỉ ngon mà còn gắn với câu chuyện của vùng đất. Những dòng muối tâm linh, muối sức khỏe, những chai nước mắm được ủ từ muối Tuyết Diêm. Và cả những sản phẩm mới như café muối, combo quà tặng OCOP – thể hiện sức sống sáng tạo không ngừng từ một làng nghề cổ.
“Chúng tôi mong muốn xây dựng thương hiệu muối Tuyết Diêm, để thương hiệu ngày càng vươn xa – đến các hội chợ, siêu thị, quán cà phê, nhà hàng, spa và đến cả những gian bếp gia đình ở khắp mọi miền" - ông Hạnh nhấn mạnh.
Cùng chung sức với mong muốn lan toả những giá trị từ làng nghề muối truyền thống nơi đây, ông Đàm Đại Hữu - Chủ tịch Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp xanh Phú Yên chia sẻ: Để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm muối Phú Yên, chúng tôi đã mời bà con diêm dân tham gia hợp tác xã, mở rộng và khai thác tối đa diện tích muối mà bà con đang làm.
Đồng thời, cùng bà con làm ra những sản phẩm muối mới, cung cấp ra thị trường trong nước và quốc tế như muối thảo dược, muối tâm linh, muối kiến vàng, muối é và phối hợp với các đơn vị để tạo ra các loại nước mắm mang đặc trưng hương vị truyền thống nơi đây.
![]() |
Ông Đàm Đại Hữu - Chủ tịch Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp xanh Phú Yên (ngoài cùng bên phải) giới thiệu về muối Tuyết Diêm và các sản phẩm làng nghề đặc trưng nơi đây. Ảnh: Đ.N |
“Việc xây dựng câu chuyện thương hiệu gắn với lịch sử gần 300 năm và chất lượng muối sạch, tinh khiết sẽ tạo sức hút với người tiêu dùng. Đồng thời, việc tạo ra những sản phẩm mới không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con gắn bó với nghề, mà còn nâng cao thu nhập cho bà con trên địa bàn” – ông Hữu cho hay.
Hiện nay, nghề làm muối tại thị xã Sông Cầu vẫn là sinh kế quan trọng của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, bà con đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm do giá cả bấp bênh, thị trường đầu ra còn hạn chế. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, theo Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương triển khai một số giải pháp xúc tiến thương mại.
![]() |
Du khách được trải nghiệm các hoạt động văn hoá tại không gian trưng bày sản phẩm muối Tuyết Diêm, Phú Yên giữa phổ cổ Hà Nội. Ảnh: Đ.N |
Cụ thể, Sở sẽ hỗ trợ xây dựng thương hiệu muối sạch Sông Cầu, kết nối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến muối nhằm tạo chuỗi giá trị bền vững. Ngoài ra, Sở sẽ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, sàn thương mại điện tử và truyền thông số.
Đồng thời, Sở cũng khuyến khích bà con áp dụng kỹ thuật sản xuất muối sạch, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh. Các giải pháp này không chỉ thúc đẩy tiêu thụ muối Tuyết Diêm mà còn bảo tồn nghề truyền thống, tăng thu nhập cho diêm dân và quảng bá du lịch Phú Yên.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, theo ông Đàm Đại Hữu - Chủ tịch Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp xanh Phú Yên, hiện nay hợp tác xã đang kết nối với Hội nông dân tỉnh Phú Yên và Quỹ môi trường toàn cầu Liên Hiệp quốc, cùng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô Hà Nội để cùng xây dựng và khôi phục làng nghề muối truyền thống nhằm quảng bá du lịch, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm muối cho bà con trên địa bàn. Việc thúc đẩy các hoạt động này sẽ tạo ra sinh kế bền vững cho bà con cũng như góp phần phát triển kinh tế nông thôn của cộng đồng diêm dân nơi đây. |