Phát triển các dòng xe điện hóa cần phù hợp với lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia

(Banker.vn) Xe hybrid được xem như bước chuyển tiếp cần thiết trước khi chuyển sang ô tô thuần điện, hướng đến mục tiêu của Chính phủ vào năm 2050, phát thải ròng bằng "0".
Sức hút của xe Hybrid tại thị trường Việt Nam Xe Hybrid - Chiếc xe công nghệ và tiết kiệm nhiên liệu của thế hệ hiện đại
Tọa đàm: Xu thế phát triển xe hybrid tại Việt Nam
Tọa đàm: Xu thế phát triển xe hybrid tại Việt Nam

Sáng nay (12/3) tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm “Xu thế phát triển xe hybrid tại Việt Nam” do Báo Giao thông tổ chức nhằm cung cấp những thông tin về công nghệ, hiệu quả và xu hướng của dòng xe này tại Việt Nam.

Xe hybrid - phương án hỗ trợ tốt cho quá trình chuyển đổi điện hóa

Trong cuộc đua cắt giảm khí thải và tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid được xem như phương tiện phù hợp cho việc chuyển đổi lên xe thuần điện.

Trình bày tham luận với chủ đề "Xe hybrid trong bối cảnh điện hóa của ngành công nghiệp ô tô", ông Phan Lê Hoàng Linh, Trưởng phòng Công nghiệp chế tạo,Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, các cấp độ điện hóa của ô tô sẽ được phân loại theo mức độ phát thải khí CO2 ra môi trường và vai trò của động cơ điện.

Theo cách phân chia này, xe điện hóa (EV) gồm bốn dòng chính: Xe hybrid điện (HEV), Xe hybrid điện sạc ngoài (PHEV), Xe điện chạy pin (BEV) và Xe sử dụng pin nhiên liệu (FCEV). Trong đó, Hybrid là cấp độ cơ bản nhất của xe xanh, là loại xe sử dụng đồng thời động cơ đốt trong truyền thống kết hợp với mô tơ điện.

Xe PHEV có cấu tạo giống xe HEV (sử dụng đồng thời động cơ đốt trong truyền thống kết hợp với mô tơ điện), tuy nhiên, pin trên xe PHEV có dung lượng lớn hơn, động cơ điện có công suất cao hơn và có thêm cơ chế sạc điện từ bên ngoài thông qua một cổng sạc. Do đó, xe PHEV có thể đi được quãng đường dài hơn so với dòng xe HEV.

ông Phan Lê Hoàng Linh, Trưởng phòng Công nghiệp chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)
Ông Phan Lê Hoàng Linh, Trưởng phòng Công nghiệp chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) trình bày tham luận tại Toạ đàm

Xe sử dụng pin nhiên liệu (FCEV) là loại xe điện chạy hoàn toàn bằng điện năng được cung cấp từ một phản ứng hóa học của khí hydro ngay trên xe.

Theo ông Linh, xe hybrid được nhắc đến sẽ bao gồm cả dòng xe HEV và PHEV. Tại mỗi thị trường, chiến lược điện hóa ngành công nghiệp ô tô có sự khác nhau, tuy nhiên, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng ít nhất trong khoảng hơn 10 năm nữa (đến năm 2035 và có thể là xa hơn), hầu hết các thị trường lớn trên thế giới vẫn có kế hoạch phát triển các dòng xe HEV và PHEV, bởi phát triển các dòng xe hybrid là phương án hỗ trợ hữu hiệu cho quá trình chuyển đổi điện hóa và để bảo đảm tính tiện dụng cho người tiêu dùng trong quá trình điện hóa ngành công nghiệp ô tô.

Từ đó, ông Linh nhìn nhận, việc chuyển đổi điện hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần chú trọng lộ trình phát triển các dòng xe điện hóa cần phù hợp với lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia.

"Việt Nam đã có cam kết mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26, và đã thể chế hóa bởi Quy hoạch điện VIII cũng như Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sẽ cần phải có quyết tâm và nỗ lực rất lớn, cũng như các nguồn lực rất lớn (cả trong và ngoài nước) để hiện thực hóa tuyên bố chính trị này, cũng như nỗ lực để cân đối hệ thống điện cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Cho đến khi hệ thống năng lượng được chuyển đổi theo lộ trình, các dòng xe HEV, PHEV vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng để từng bước thực hiện lộ trình điện hóa phương tiện giao thông tiến tới phổ biến các dòng xe BEV, FCEV tại Việt Nam", ông Linh nêu cụ thể.

Về chiến lược điện hóa của các hãng xe có mặt tại Việt Nam, theo ông Linh, Việt Nam có sự hiện diện của nhiều hãng xe khác nhau, với các mục tiêu và lộ trình chuyển đổi điện hóa không giống nhau. Nhiều hãng xe vẫn tiếp tục có kế hoạch phân phối các dòng xe HEV, PHEV tại thị trường Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong một thời gian dài sắp tới do đặc thù về chiến lược cũng như cấu trúc chuỗi giá trị của các hãng đó tại khu vực. Vì vậy, chiến lược và lộ trình điện hóa phương tiện giao thông của Việt Nam cần cân đối được điều này.

Về tính tiện dụng, ông Linh cho biết, xe HEV nhìn chung phù hợp với thị hiếu và đặc điểm tiêu dùng mặt hàng ô tô của người Việt Nam. Việc phát triển thêm các dòng xe hybrid cũng giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn đa dạng nhiều loại xe với chi phí hợp lý nhất và phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của từng đối tượng tiêu dùng khác nhau.

Trên thực tế, nhiều hãng xe lớn cũng đã và đang phân phối các dòng xe hybrid (chủ yếu là HEV) tại Việt Nam và được sự đón nhận nhất định của người tiêu dùng. Công nghệ hybrid trên xe ô tô cũng đã được phát triển với thời gian khá dài, đáng tin cậy đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Xe hybrid đã được nghiên cứu và phát triển từ rất lâu nhưng gần đây mới được phổ biến trên toàn thế giới trong bối cảnh xu thế điện hóa phương tiện giao thông trở thành một yêu cầu cấp bách.

Nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam?

Tại toạ đàm một số diễn giả nêu, điểm đáng lưu ý là xe hybrid giờ đây đã được bình dân hoá thay vì chỉ được sử dụng cho các mẫu xe hạng sang như trước đây. Chỉ cần 700 - 800 triệu đồng là có thể sở hữu một mẫu xe hybrid với rất nhiều ưu điểm so với xe động cơ đốt trong. Như chúng ta đã thấy, trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường ô tô Việt Nam đã chứng kiến sự đột phá về doanh số của dòng xe hybrid, với rất nhiều các thương hiệu khác nhau.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Bộ môn Ô tô và Xe chuyên dùng, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, nói bùng nổ doanh số xe hybrid thì chưa hẳn, chỉ là con số ấn tượng về doanh số nhưng mức độ quan tâm của người dùng đã tăng lên. Theo khảo sát của Công ty công nghệ Cốc Cốc và hãng tư vấn kiểm toán Deloitt với người tiêu dùng, mức độ quan tâm đến xe hybrid có tăng lên do mức độ quan tâm đến môi trường và hiệu quả kinh tế.

Tọa đàm: Xu thế phát triển xe hybrid tại Việt Nam- Ảnh 2. PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Bộ môn Ô tô và Xe chuyên dùng, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Bộ môn Ô tô và Xe chuyên dùng, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ tại Toạ đàm.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng người tiêu dùng đang thiếu thông tin. Ví dụ mối quan tâm về giá của xe hybrid so với mức tiết kiệm nhiên liệu mà nó mang lại, liệu có phải người tiêu dùng đầu tư trước (về giá) và hưởng lợi sau (về nhiên liệu) khi mua và sử dụng loại xe này hay không, cần được cung cấp chia sẻ thông tin nhiều hơn với người tiêu dùng.

Là doanh nghiệp tiên phong và tích cực nhất trong việc tung ra thị trường các dòng xe hybrid, ông Đặng Minh Tuấn, Trưởng ban Kế hoạch sản phẩm, Truyền thông và thương hiệu (Toyota Việt Nam) cho biết, hiện nay, Toyota Việt Nam là nhà sản xuất tiên phong giới thiệu xe hybrid trong phân khúc xe phổ thông, mở đầu là xe Toyota Corolla Cross giới thiệu vào năm 2020, riêng trong năm 2023 giới thiệu 3 mẫu xe mới có phiên bản hybrid. Đến nay có tổng 6 mẫu xe hybrid tại thị trường Việt Nam trải dài trong nhiều phân khúc, từ phân khúc phổ thông nhất là Yaris Cross cho đến phân khúc xe sang là mẫu xe Toyota Alphard.

Trong năm 2023 doanh số xe hybrid đạt được trên 2.600 xe và tổng số xe hybrid Toyota bán ra tại Việt Nam đến nay là 8.600 xe.

"Hiện số xe bán ra của Toyota tại Việt Nam chưa thực sự là bùng nổ so với các nước khác trên thế giới, nhưng có xu hướng tăng rõ rệt tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng mẫu xe hybrid sẽ ngày càng phổ biến trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận", đại diện Toyota Việt Nam bày tỏ.

Việt Anh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục