Phát lộ sai phạm cho vay tại Sacombank: Nhóm DN "họ" Him Lam vay hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm 48,52% vốn tự có

(Banker.vn) Him Lam Thủ đô, Đầu tư Hồng Bàng, Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, Thương mại xây dựng Công Phúc... theo tìm hiểu đều là những doanh nghiệp có mối liên hệ mật thiết với Him Lam Group của Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh.
Phát lộ sai phạm cho vay tại Sacombank: Nhóm DN
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, nhà sáng lập Him Lam Group.

Loạt sai phạm về cho vay của Sacombank

Mới đây, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013 - 2017. Ngoài Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại và nhận thấy một số sai phạm về cho vay, nổi trội là trường hợp của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank, HOSE: STB).

Thanh tra Chính phủ cho biết, tại ngày 31/12/2017, tổng dư nợ tín dụng với 16 khách hàng của Sacombank là 15.372 tỷ đồng. Trong đó, Sacombank đã cho 9 doanh nghiệp vay với dư nợ lên tới 9.262 tỷ đồng, tương đương 48,52% vốn tự có của ngân hàng.

Danh sách 9 doanh nghiệp bao gồm: Công ty CP Him Lam Thủ đô, Công ty CP Đầu tư Hồng Bàng, Công ty CP Đầu tư xây dựng Bảo Lộc, Công ty CP Đầu tư TMDV Nam Thắng, Công ty CP Thương mại xây dựng Công Phúc, Công ty CP Hạ tầng Bảo Tín, Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Phú Mỹ, Công ty CP Việt Hà và Công ty CP Hiệp Ân.

Theo tìm hiểu của Kinhtechungkhoan.vn, đa số doanh nghiệp trên có liên hệ đến Chủ tịch Dương Công Minh - cựu Chủ tịch Him Lam Group, sẽ được phân tích ở phía dưới.

Được biết, các doanh nghiệp này vay vốn rồi nhận chuyển nhượng và đầu tư vào cùng một dự án, đó là dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư.

Theo quy định, một khách hàng chỉ được vay tối đa 15% vốn tự có của một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ xác định có tình trạng ngân hàng cho vay tập trung một khách hàng, một dự án thông qua các khách hàng độc lập để tránh vi phạm quy định.

Các ngân hàng, trong đó có Sacombank cũng cho vay để góp vốn vào các công ty con, mua lại phần vốn góp của các cổ đông công ty sở hữu dự án. Đồng thời, các ngân hàng có tình trạng cho vay để nhận chuyển nhượng, đầu tư cùng một dự án, nhưng khách hàng vay không trực tiếp thực hiện mà vay để chuyển cho chủ đầu tư qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng phân khu thuộc dự án.

Mặt khác, một số chậm trả gốc, lãi, phương án cơ cấu nợ không khả thi nhưng không bị chuyển nợ quá hạn, nợ xấu đúng quy định - Thanh tra Chính phủ nêu rõ trong kết luận vừa công bố.

Bên cạnh đó, vẫn theo kết luận thanh tra, 9 doanh nghiệp này không có mối quan hệ liên quan theo quy định Luật các Tổ chức tín dụng, không trực tiếp thực hiện dự án, mà vay vốn để chuyển cho bên thứ ba qua hình thức ký hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng các phân khu thuộc dự án.

Trong khi đó, ngân hàng chỉ thẩm định năng lực tài chính với khách hàng vay vốn thay vì đơn vị thực hiện dự án. Việc này dẫn tới tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng. Khi thanh tra, dự án đang khó khăn về pháp lý đất đai, làm tăng chi phí lãi vay, ảnh hưởng chất lượng tín dụng, kết quả kinh doanh của Sacombank.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều thiếu sót, vi phạm cũng được cơ quan thanh tra chỉ ra, như một số khách hàng cung cấp số liệu cho Sacombank sai lệch với số tại cơ quan thuế. Sacombank cũng chưa kiểm soát chặt chẽ việc một số khách hàng cùng vay vốn tại ngân hàng này và ngân hàng khác để giải ngân cho hợp đồng chuyển nhượng phân khu thuộc dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An của Công ty SDI.

Việc này cũng dẫn tới rủi ro về tài sản đảm bảo dùng thế chấp chung cho khoản vay của 9 khách hàng là toàn bộ các quyền tài sản, lợi ích từ dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An khi dự án chưa có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu.

Sacombank cũng thiếu sót trong thẩm định điều kiện cho vay vốn, như phương án vay vốn không đảm bảo khả thi với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Office 85; Công ty CP Đầu tư Long Biên, Công ty cổ phần Đồng Tâm.

Khả năng tài chính để trả nợ của một số khách hàng, như Công ty CP Đầu tư và phát triển Bất động sản Dấu ấn Sài Gòn, Công ty TNHH Vina Alliance, Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức, chưa được đảm bảo.

Sacombank cũng cho khách hàng là Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức vay vốn để mua 62% phần vốn góp và thế chấp bằng chính phần vốn góp của doanh nghiệp này trong 3 năm. Bản chất việc cấp tín dụng này tương tự việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.

Phát lộ sai phạm cho vay tại Sacombank: Nhóm DN
Theo SDI, những khoản nợ liên quan đến dự án SGBA đã thực hiện thanh lý hợp đồng 100% vào năm 2021, do vậy sẽ không có rủi ro về tài sản. HIện tại, dự án đã có đầy đủ hồ sơ pháp lý về quyền sở hữu.

Thân phận doanh nghiệp "hút" tín dụng từ Sacombank

Nổi bật trong danh sách 9 pháp nhân vay với dư nợ lên tới 9.262 tỷ đồng, tương đương 48,52% vốn tự có của Sacombank tại thời điểm cuối năm 2017 chính là Công ty CP Him Lam Thủ đô. Him Lam Thủ đô thành lập ngày 5/11/2010, địa chỉ đặt tại khu vực trung tâm thành phố Hà Nội.

Giống như tên gọi, Him Lam Thủ đô là đơn vị thành viên của Him Lam Group do ông Dương Công Minh là người sáng lập, và có nhiều năm giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Nhìn lại quá khứ, tháng 6/2017, ông Dương Công Minh chính thức tiếp quản cương vị Chủ tịch HĐQT Sacombank và sang năm 2018, khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, ông Minh mới từ chức tại Him Lam Group.

Cuối năm 2017, thời điểm Sacombank đang cho Him Lam Thủ đô vay tín dụng "khủng", cổ đông sở hữu 80% cổ phần Him Lam Thủ đô là ông Nông Đàm Thắng - thành viên Ban kiểm soát của Him Lam Group.

Tương tự, cái tên thứ hai trong danh sách 9 khách hàng lớn của Sacombank cũng là thành viên cốt cán của Him Lam Group - Công ty CP Đầu tư Hồng Bàng (hay thường gọi là Him Lam Hải Phòng). Người đứng tên tại Đầu tư Hồng Bàng là ông Nguyễn Thanh Khoa - Tổng giám đốc doanh nghiệp.

Đến nay, Đầu tư Hồng Bàng đã có gần 15 năm hoạt động, và được biết đến rộng rãi với tư cách là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Him Lam Hùng Vương tại quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng.

Tiếp nối, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Bảo Lộc cũng có tương tác tích cực đến Him Lam Group, trong đó, nổi bật là tham gia thương vụ góp vốn lập Công ty CP Đầu tư Long Biên (Lobico) - ông chủ của sân golf Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào năm 2006.

Phát lộ sai phạm cho vay tại Sacombank: Nhóm DN
Sân bay nhìn từ phía sân golf Tân Sơn Nhất.

Sau này, phần lớn cổ phần của Lobico đều thuộc về người nhà của ông Dương Công Minh, chẳng hạn ông Trần Văn Tĩnh (anh họ ông Minh, sở hữu 48,5% vốn điều lệ), và bà Dương Thị Liêm (em gái ruột ông Minh, sở hữu 36,5% vốn điều lệ), tại thời điểm 2014.

Về Công ty CP Thương mại xây dựng Công Phúc, mối liên hệ rõ ràng nhất thể hiện qua việc Him Lam Land - "sếu đầu đàn" của Him Lam Group đã thế chấp hơn 10 triệu cổ phiếu STB của Sacombank vào tháng 7/2020, để đảm bảo cho nghĩa vụ vay vốn của Thương mại Xây dựng Công Phúc (Công Phúc).

Đây là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2011, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại quận 10, TP.HCM. Cập nhật tới tháng 7/2016, Công Phúc có quy mô vốn điều lệ 180 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Dương Công Sáng (97,778% vốn điều lệ), ông Dương Công Thuyên (1,11% vốn điều lệ) và ông Nguyễn Văn Lương (1,111% vốn điều lệ)...

Nhìn chung, việc ông Dương Công Minh vừa về đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT vào giữa năm 2017, ngay lập tức Sacombank đã mạnh tay cho các doanh nghiệp liên quan đến ông vay số tiền rất lớn, có dấu hiệu sai phạm và bị Thanh tra Chính phủ "điểm mặt" đang gây xôn xao dư luận.

Hiện, dù ông Dương Công Minh đã rời khỏi Him Lam Group nhiều năm, và không còn trực tiếp nắm giữ cổ phần doanh nghiệp, song giới tài chính lâu nay vẫn đồn đoán về mối quan hệ kín đáo giữa ông Minh và sản nghiệp lừng danh của ông. Tuy nhiên, dựa trên những tài liệu được công bố công khai, chưa ai có thể đưa ra một bằng chứng xác đáng cho nghi vấn trên.

Bóc tách tài sản tỷ USD Him Lam Group và mối liên hệ với LPBank

"Sếu đầu đàn" của Him Lam Group - pháp nhân Him Lam Corp là nơi giữ nhiều của cải nhất với tổng tài sản tiến ...

Doanh nhân Lưu Quang Lãm: Đại gia kín tiếng xứ Kinh Bắc, người kiếm bộn tiền nhờ bán vốn SGN cho Him Lam Group

Thương vụ bạc tỷ giữa IMP Corp và Him Lam Land diễn ra âm thầm theo đúng cái cách mà trước giờ Chủ tịch Lưu ...

Him Lam Land "lướt sóng” cổ phiếu SGN

“Ngồi” ghế cổ đông lớn tại Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) mới hơn 1 tháng, Công ty CP Kinh ...

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán