Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế tại Nam bộ

(Banker.vn) Các tín đồ tôn giáo tại Nam bộ chiếm tỷ lệ lớn trên quy mô dân số, đây là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hạ tầng giao thông: Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam Hà Giang: Phát huy vai trò người có uy tín trong phát triển kinh tế, bảo vệ vùng biên Hà Nội: Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cùng chung sống hài hòa, cùng chung tay phát triển kinh tế

Việt Nam có khoảng hơn 26 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước. Trong đó, khu vực Nam bộ được đánh giá là nơi có nhiều tôn giáo, bởi sự du nhập từ ngoài do các đoàn lưu dân mang theo như Phật giáo, Công giáo, Islam, Tin lành…

Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế tại Nam bộ
TS. Dương Hoàng Lộc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Đạo đức: Các cộng đồng tôn giáo ở đây không có sự xung đột mà luôn gắn bó, tương trợ nhau cùng nhau hướng tới phát triển kinh tế vững mạnh.

“Nam bộ là một khu vực văn hóa đa dân tộc, đa tôn giáo. Khu vực này là nơi du nhập của Phật giáo, Công giáo, cùng nhiều tôn giáo khác vào rất sớm. Đồng thời, đây là vùng đất ra đời các tôn giáo nội sinh như Đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương… Các tôn giáo ở Nam bộ chịu ảnh hưởng bởi các đặc trưng của vùng đất Nam bộ, thể hiện những giá trị, cốt cách văn hóa, con người Nam bộ”- TS. Dương Hoàng Lộc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Đạo đức (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đánh giá.

Tuy có nhiều tôn giáo khác nhau nhưng các cộng đồng tôn giáo ở đây không có sự xung đột mà luôn gắn bó, tương trợ nhau cùng nhau hướng tới phát triển kinh tế vững mạnh. Đặc biệt, trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của các tôn giáo tại Nam bộ, các tín đồ tôn giáo đã đoàn kết, giúp đỡ nhau về vốn và kinh nghiệm, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất. Các tôn giáo nơi đây đã và đang góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào có đạo biết cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Kinh tế phát triển, đồng bào có đạo có điều kiện đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình công cộng khác.

Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế tại Nam bộ
Du lịch tâm linh là loại hình du lịch đang trở thành xu hướng, góp phần phát triển kinh tế cho các địa phương

Đóng góp nguồn lực quan trọng vào sự phát triển đất nước

Các chuyên gia đánh giá, ở Nam bộ vấn đề tôn giáo dân tộc, tôn giáo tín ngưỡng quyện chặt, gắn bó, dung hợp với nhau tạo ra những đường nét, những sắc thái rất đặc trưng. Qua đó các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng góp phần kiến tạo bản sắc dân tộc của vùng đất Nam bộ, kiến tạo đặc trưng văn hóa tộc người của vùng đất Nam bộ.

Ngoài ra, Nam bộ là vùng đất phía Nam của tổ quốc, nên nơi đây các hình thái tín ngưỡng từ miền Trung, đồng thời cũng có tín ngưỡng của người Trung Hoa mang vào. Những hình thái tín ngưỡng này hòa chung lại trở thành một vùng đất mà tín ngưỡng rất phong phú và đa dạng. Chính hình thái tín ngưỡng phong phú đa dạng đã đáp ứng nhu cầu tâm linh của cư dân vùng đất Nam Bộ từ thởi khẩn hoang cho đến nay.

Trong giai đoạn tới, để dung hòa tín ngưỡng, tôn giáo vùng Nam bộ, cùng nhau hướng tới phát triển kinh tế, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, các tôn giáo cần hoạch định vào một số giá trị chung cơ bản.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ chỉ ra một số giá trị mà các tôn giáo cần hướng tới như: Giá trị về tổ quốc thiêng liêng; giá trị về sự thiêng liêng của hạnh phúc gia đình; giá trị về tinh thần tập thể, nền tảng đạo đức, chuẩn mực chung trong cộng đồng xã hội… “Chính những giá trị này sẽ là những yếu tố trụ cột để có thể gom tất cả loại hình tín ngưỡng tôn giáo chung một chí hướng, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế, dung hợp, dung hòa với nhau”- PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ nhận định.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, có thể xem các đặc trưng riêng của mỗi tôn giáo Nam bộ là một nguồn lực để phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể như du lịch tâm linh. Đây là loại hình du lịch đang trở thành xu hướng. Chẳng hạn như du lịch tâm linh Bà Đen Tây Ninh hay là du lịch Bà Chúa xứ, thậm chí là lễ hội gắn liền với Bà Thái Hậu của Bình Dương, hay là lễ hội Ban đế ở Phan Thiết…

Tuy nhiên, ông cho rằng phải thật sự khéo léo, tinh tế, khi coi đức tin, thực hành tín ngưỡng tôn giáo như là một nguồn lực cho phát triển kinh tế du lịch. Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu bài bản, sử dụng những giá trị có thể chia sẻ được của các loại hình tín ngưỡng tôn giáo cho phát triển kinh tế du lịch. Bởi không phải tất cả mọi thứ đều đưa vào ứng dụng được.

Ngoài việc phát triển kinh tế, tôn giáo còn góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội; chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội, lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái” sâu sắc trong cộng đồng.

Cụ thể, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các tổ chức tôn giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân thông qua đóng góp to lớn về con người và vật chất, tiếp thêm sức mạnh để đất nước vượt qua cơn đại dịch.

Đức Hiếu

Theo: Báo Công Thương