Phát huy hiệu quả quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(Banker.vn) Năm 2023, công tác quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Phát huy hiệu quả quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Gia cố “tấm khiên” bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm: "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng- Nâng cao thương hiệu, uy tín doanh nghiệp”

Nhiều kết quả nổi bật

Thông tin tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Lê Triệu Dũng cho biết, triển khai Luật Cạnh tranh 2018 được Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương coi là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian qua. Được sự nhất trí của Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Công Thương đã 3 lần trình xin ý kiến Bộ Chính trị về việc kiện toàn mô hình tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Sự ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là sự kiện quan trọng để triển khai Luật Cạnh tranh 2018.

Theo Nghị định số 03/2023/NĐ-CP, từ ngày 1/4/2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chính thức đi vào hoạt động, triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm...

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã chủ động tổ chức thực hiện và hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023 đảm bảo hiệu quả, tiến độ.

Cụ thể, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã triển khai xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao, cụ thể như: Ngày 20/6/2023, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 với tỷ lệ 93,72% đại biểu tán thành. “Đây là khuôn khổ pháp luật quan trọng, tạo nền tảng cho việc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới”, ông Lê Triệu Dũng khẳng định.

Phát huy hiệu quả quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Lê Triệu Dũng phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương

Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, bao gồm Nghị định số 03/2023/NĐ-CP ngày 10/02/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Thông tư số 12/2023/TT-BCT ngày 24/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 10/2018/TT-BCT ngày 24/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;... Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tháng 12 năm 2023; xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung để trình Chính phủ trong nửa đầu năm 2024; xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng, trình Chính phủ trong năm 2024.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh, trong năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tăng cường giám sát cạnh tranh trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như: Vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, bưu chính, sữa trẻ em và sản phẩm dinh dưỡng công thức, điện máy, điện lạnh, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, hóa chất, sàn thương mại điện tử,... từ đó kịp thời phát hiện, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

“Tổ chức triển khai thẩm định trên 150 hồ sơ thông báo Tập trung kinh tế trong nhiều ngành/lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có nhiều giao dịch thực hiện ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam, nhiều giao dịch doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam... Thường xuyên rà soát các giao dịch tập trung kinh tế trên thị trường, cập nhật, thống kê và tổng hợp dữ liệu về tình hình tập trung kinh tế của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin.

Trong năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã xem xét 8 hồ sơ vụ việc cạnh tranh và xác minh, đánh giá 29 vụ việc tiền tố dụng có dấu hiệu hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Trong đó, chủ động phát hiện và xác minh 11 vụ việc có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh và 18 phản ánh về vụ việc có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

“Hiện nay, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đang tiếp tục xác minh, làm rõ thông tin các vụ việc nêu trên theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, để có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch và thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”, ông Lê Triệu Dũng chia sẻ.

Đối với lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong năm 2023, tiếp tục được triển khai một cách chặt chẽ, góp phần ngăn chặn, không để xảy ra các vấn đề phức tạp trong lĩnh vực bán hàng đa cấp do Bộ Công Thương quản lý.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; đã chuyển thông tin cho Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an về 5 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời; phối hợp trả lời, cung cấp thông tin cho cơ quan công an các địa phương như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Hà Nam, Quảng Bình, Đà Nẵng trong việc xác định, xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp có dấu hiệu bất hợp pháp.

Đồng thời, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông, cảnh báo các mô hình kinh doanh đa cấp bất chính nhằm hạn chế nguy cơ người dân tham gia cũng như nâng cao nhận thức của người dân về một số sàn thương mại điện tử, các ứng dụng đầu tư trực tuyến.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp được triển khai tích cực, hiệu quả, đã hoàn thành kiểm tra đối với 6 doanh nghiệp bán hàng đa cấp và ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 6 doanh nghiệp và 1 người tham gia vi phạm với số tiền phạt 1 tỷ 490 triệu đồng.

Phát huy hiệu quả quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được triển khai hiệu quả

Trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã triển khai đồng bộ các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chỉ đạo triển khai có hiệu quả các Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng; Đề án Phát triển Hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại Bộ Công Thương giai đoạn 2021-2025; Đề án Xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025; đề án tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho người tiêu dùng yếu thế giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển hệ sinh thái số, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã thực hiện tốt công tác công tác thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với khoảng trên 150 hồ sơ; hoàn thiện quy trình, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng trên hệ thống tổng đài tư vấn miễn phí và các phương thức khác.

Trong năm 2023, đơn vị đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với 5 doanh nghiệp, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt 600 triệu đồng.

Đảm bảo nguồn lực, cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ

Dù đạt được nhiều kết quả xong Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng nhìn nhận, việc quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, còn gặp phải một số hạn chế, khó khăn.

Cụ thể, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chính thức đi vào hoạt động từ 1/4/2023, do đó, cần có thời gian để ổn định, kiện toàn về tổ chức, nhân sự, đây cũng là khó khăn cho việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban.

Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia với các Sở Công Thương, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng chưa thực sự hiệu quả trong một số hoạt động, cụ thể: Công tác tiếp nhận, giải quyết phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng; trong cung cấp, cập nhật và chia sẻ dữ liệu thông tin quản lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... do nguồn lực của Ủy ban và các cơ quan liên quan tại địa phương cũng đều bị hạn chế.

Khắc phục những hạn chế, khó khăn Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, năm 2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tập trung thực hiện các nhiệm vụ:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể là trình Chính phủ ký ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Thứ hai, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tăng cường năng lực thực thi để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế, các doanh nghiệp; tập trung xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, tổ chức điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, đặc biệt là một số lĩnh vực mang tính chất nổi cộm; tăng cường hiệu quả phối hợp, tham vấn, trao đổi giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và các cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế.

Thứ ba, tập trung thực hiện kế hoạch triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2024 đồng thời tiếp tục quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Để đảm bảo nguồn lực, cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý được giao, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia mong muốn tiếp tục được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp để triển khai các lĩnh vực quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Đồng thời, tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện phối hợp của UBND các tỉnh, thành phố để đẩy mạnh hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương.

“Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia mong muốn Ban cán sự đảng Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để đơn vị hoàn thiện tổ chức, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao”, ông Lê Triệu Dũng đề đạt ý kiến.

Nhóm PV

Theo: Báo Công Thương