Phát huy hiệu quả Nghị định số 78 của Chính phủ về chính sách tín dụng

(Banker.vn) Sáng 29/12, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo.
Hoàn thiện chính sách tín dụng với nông nghiệp

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đồng chí Dương Quyết Thắng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội.

Phát huy hiệu quả Nghị định số 78 của Chính phủ về chính sách tín dụng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP

Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Trong 20 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao, trực tiếp, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị-xã hội và sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong cả nước.

Phát huy hiệu quả Nghị định số 78 của Chính phủ về chính sách tín dụng
Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị

Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78, Ngân hàng chính sách xã hội đã huy động nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn tín dụng tăng trưởng ổn định, đến ngày 30/11/2022, đạt 297.738 tỷ đồng, tăng 290.633 tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tăng trưởng bình quân 21,4%/năm. Hiện 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quản lý 99,1% dư nợ tín dụng, với 277.284 tỷ đồng; trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ 106.372 tỷ đồng, chiếm 38,4%; Hội Nông dân 83.397 tỷ đồng, chiếm 30,1%; Hội Cựu chiến binh 47.268 tỷ đồng, chiếm 17%; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quản lý 40.247 tỷ đồng, chiếm 14,5%.

Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt tạo điều kiện cho trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn, doanh số cho vay gần 830.087 tỷ đồng. Hiện có gần 6,5 triệu hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ; dư nợ các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, gần 590.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Trong 20 năm qua, gần 28,7 triệu lượt khách hàng được vay vốn, doanh số cho vay 611.556 tỷ đồng (chiếm 73,7% tổng doanh số cho vay). Về chính sách tín dụng giải ngân 198.008 tỷ đồng (chiếm 23,9% tổng doanh số cho vay) hơn 13,8 triệu lượt khách hàng được vay vốn. Chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, doanh số cho vay 17.960 tỷ đồng, gần 280.000 lượt khách hàng.

Triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi

Ngân hàng chính sách xã hội đã tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng nhu cầu cho vay của trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, hải đảo.

Kết quả đó đã góp phần quan trọng tạo sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%.

"Đây là một kết quả hết sức đáng khích lệ", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá và nhấn mạnh: Đặc biệt, trong giai đoạn từ đầu năm 2020 cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động triển khai các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

"Tổng gói cho vay 2 năm là 38.000 tỷ hiện đã giải ngân được 17.000 tỷ. Đây là kết quả rất quan trọng. Cùng với chương trình miễn, giảm thuế, thì đây là 2 chương trình thành công nhất của gói hỗ trợ", Phó Thủ tướng đánh giá.

Hội nghị thống nhất đề ra một số mục năm 2023, tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của Ngân hàng chính sách xã hội. Tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; trong đó, tăng trưởng bình quân 10%/năm...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đạt được. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn để phát huy vai trò của Ngân hàng chính sách xã hội là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách.

Các cấp ủy Đảng; bộ, ngành, các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Ngân hàng chính sách xã hội là “Nhà cung cấp tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và châu Á”...

Phương Cúc

Theo: Báo Công Thương