Phát huy giá trị tự nhiên để phát triển du lịch phía Tây Quảng Trị

(Banker.vn) Là vùng có tài nguyên khí hậu đa dạng, cảnh vật thiên nhiên phong phú, Hướng Hóa đã tận dụng lợi thế phát triển du lịch phù hợp và hiệu quả.
Huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang): Sản phẩm OCOP góp phần phát triển du lịch Quảng Nam–Đà Nẵng–Thừa Thiên Huế : Cần lựa chọn lễ hội tiêu biểu để hình thành tour du lịch

Tiềm năng du lịch phía Tây Quảng Trị

Hướng Hóa là huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị. Địa thế núi rừng H­ướng Hoá rất đa dạng. Núi và sông xen kẽ nhau, tạo thành địa hình chia cắt, sông suối đều bắt nguồn từ núi cao. Khí hậu mang những nét điển hình của khí hậu nhiệt đới - gió mùa, quanh năm nóng ẩm. Các tiểu vùng khí hậu đã tạo cho huyện Hướng Hoá là vùng có tài nguyên khí hậu đa dạng

Về cảnh quan tự nhiên, Hướng Hóa cũng có lợi thế rất riêng, đó chính là sự phong phú đa dạng và đa phần còn giữ nguyên nét hoang sơ. Thêm vào đó, Hướng Hóa cũng có sức hấp dẫn lớn từ bề dày truyền thống lịch sử và truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Những năm gần đây, huyện Hướng Hóa đã xây dựng các công trình tâm linh độc đáo, như Bảo tháp, nhà thờ tại Khu văn hóa tâm linh huyện, Cao điểm 689… Qua đó, đã góp phần tăng cường sự thu hút đối với du khách tìm đến với huyện Hướng Hóa.

Phát huy giá trị tự nhiên để phát triển du lịch phía Tây Quảng Trị
Thác Tà Puồng- Hướng Hoá, Quảng Trị

Trong thời gian qua, huyện Hướng Hoá đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch mới do các doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn thực hiện nhằm phục vụ khách du lịch. Các mô hình du lịch này tập trung vào các nhóm sau: Sản phẩm dựa trên khai thác giá trị cảnh quan sinh thái, rừng, sông, suối như điểm sinh thái thác Tà Puồng, xã Hướng Việt, Chênh Vênh, xã Hướng Phùng ...; sản phẩm dựa trên khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp như mô hình nông trại Khe Sanh Valley Farm, Miền Viên Thảo, khối 1, thị trấn Khe Sanh; sản phẩm dựa trên khai thác giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô gắn với giá trị văn hoá, di tích lịch sử, lễ hội, phong tục tập quán của cộng đồng như điểm du lịch tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng; sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng như: Mô hình du lịch tại điểm Năm mùa Bungalows tại xã Hướng Phùng, điểm du lịch Rose farm, Bảo Nguyên Xanh tại xã Hướng Tân… Các mô hình này bước đầu đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2023, Hướng Hoá đón trên 80 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Phát huy giá trị tự nhiên để phát triển du lịch phía Tây Quảng Trị
Cánh đồng điện gió tại Hướng Hoá

Ông Phạm Trọng Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị cho hay, định hướng phát triển du lịch nông nghiệp; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, đảm bảo chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ; sản phẩm du lịch đặc trưng được lãnh đạo địa phương, các cấp ngành thời gian qua đặc biệt quan tâm. Khai thác tốt các tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp sẽ giúp người dân tại huyện Hướng Hóa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giảm nghèo bền vững.

Các mô hình du lịch chưa xứng tầm với tiềm năng

Theo đó, các mô hình du lịch cộng đồng hiện nay ở Hướng Hóa vẫn chưa nhiều. Đồng thời, các mô hình đa số mới dừng ở mức độ manh nha ý tưởng và thử nghiệm. Để du lịch cộng đồng phát triển có chiều sâu, đem lại hiệu quả bền vững và lâu dài, cần đưa ra các giải pháp có tính căn cơ.

Ông Phạm Trọng Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị cũng thừa nhận, việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện chưa thực sự xứng tầm so với những tiềm năng sẵn có. Từ những hạn chế như vậy, huyện Hướng Hoá rất mong có sự chung tay của cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà đầu tư, nhà tham vấn, cá nhân trực tiếp làm du lịch có những chia sẻ, hướng dẫn, đóng góp ý kiến về những giải pháp, kinh nghiệm để có thể áp dụng vào việc phát triển các mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.

Phát huy giá trị tự nhiên để phát triển du lịch phía Tây Quảng Trị
Hội thảo về kinh tế du lịch nông nghiệp tổ chức tại Hướng Hoá- Quảng Trị vào ngày 6/10

Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh:“ Để du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp phát triển có chiều sâu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa thì cần phải có những cơ sở lý luận về định hướng phát triển, chính sách cơ chế của Nhà nước, trình độ hoạch định phát triển du lịch nông thôn, trình độ quản lý và nghiệp vụ trong hoạt động du lịch của doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn. Các tổ chức, cá nhân quản lý khai thác các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn cần có những kiến thức cơ bản nhất định về khai thác các dịch vụ du lịch gắn với quản lý, bảo tồn, phát triển văn hóa, tài nguyên thiên nhiên”.

Kiều Anh

Theo: Báo Công Thương