I. Mục đích:
1. Nhìn lại chặng đường hình thành, phát triển trong suốt 30 năm qua của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Những mặt đạt được của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong việc đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên.
2. Quảng bá về quá trình hoạt động, phát triển của ngành Ngân hàng nói chung, các tổ chức hội viên của Hiệp hội Ngân hàng nói riêng; những đóng góp thiết thực trong hoạt động của các tổ chức hội viên đối với nền kinh tế nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng trong thời gian qua.
3. Xây dựng, tôn vinh và đề cao hình ảnh chuẩn mực của người cán bộ ngân hàng. Đồng thời lan toả những hình ảnh tốt đẹp của ngành Ngân hàng ra xã hội, để xã hội thêm hiểu hơn về hoạt động ngân hàng.
4. Tạo động lực, khí thế mới để các tổ chức hội viên hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024.
II. Yêu cầu
1. Thủ trưởng các đơn vị tổ chức hội viên quán triệt các nội dung thi đua để phát động thi đua phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của đơn vị, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.
2. Phong trào thi đua, nội dung thi đua gắn với tiêu chí cụ thể và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, của tổ chức hội viên. Các tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua được xây dựng, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến tại đơn vị, nhằm lan tỏa rộng hơn trong hệ thống và ngành Ngân hàng.
3. Coi trọng yêu cầu và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử là nhiệm vụ thường xuyên để đáp ứng các yêu cầu phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.
III. Nội dung thi đua
Đây là đợt thi đua được phát động nhằm hướng đến Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hiệp hội Ngân hàng (14/5/1994-14/5/2024), vì vậy, các nội dung thi đua tập trung chủ yếu vào các nhiệm vụ sau:
1. Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn quý I và nửa đầu quý II năm 2024:
- Phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch hoạt động kinh doanh quý I và nửa đầu quý II năm 2024.
- Thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng nhất là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
- Tích cực tham gia có trách nhiệm vào các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như: Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản... Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
- Đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh, xây dựng phương án xử lý nợ xấu phù hợp. Phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%.
- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
- Tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
- Tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành của tổ chức hội viên.
- Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ quản lý, năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và người lao động.
2. Phát huy truyền thống ngành Ngân hàng Việt Nam và 30 năm ngày thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cán bộ, viên chức và người lao động thi đua rèn đức, luyện tài; đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao, gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực thi Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng.
- Tăng cường công tác giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt. Chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế làm việc của cơ quan; tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện.
- Nâng cao kỷ cương, kỷ luật, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử của cán bộ theo Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng (Bộ chuẩn mực) do Hiệp hội Ngân hàng ban hành. Tích cực tham gia cuộc thi về Bộ chuẩn mực do Hiệp hội Ngân hàng phát động.
- Tích cực tham gia vào các hoạt động do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát động, chủ động nghiên cứu, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động phong phú hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Căn cứ nội dung thi đua năm 2024 và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, lãnh đạo các tổ chức hội viên phát động phong trào thi đua, ký giao ước thi đua và tổ chức thực hiện hiệu quả. Có văn bản phát động thi đua gửi về Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trước ngày 30/1/2024 để theo dõi và làm căn cứ xem xét khen thưởng.
2. Lãnh đạo các tổ chức hội viên đánh giá kết quả phong trào thi đua, thực hiện tốt công tác xây dựng nhân vật điển hình tiên tiến và gửi kết quả về Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trước ngày 1/5/2024.
3. Công đoàn và Đoàn thanh niên các tổ chức hội viên cụ thể hóa các nội dung thi đua, vận động đoàn viên hăng hái tham gia thực hiện tốt phong trào thi đua.
V. Khen thưởng
Căn cứ kết quả thi đua và thành tích đạt được của tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua, các tổ chức hội viên xem xét khen thưởng trực tiếp cho các tập thể, cá nhân lập được nhiều thành tích xuất sắc.
Trên đây là nội dung phát động thi đua của tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng năm 2024. Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các tổ chức hội viên tích cực tham gia các nội dung thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng để được hướng dẫn cụ thể.
Văn bản phát động thi đua và Kết quả thi đua xin gửi về Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam theo địa chỉ:
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – 193 Bà Triệu, P. Lê Đại Hành, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Người nhận: Bà Ngô Kiều Lan, chuyên viên Văn phòng Cơ quan thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Điện thoại: (024) 38.218.679
P.V
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|