Phát động Cuộc thi viết ‘Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân’

(Banker.vn) Cuộc thi viết “Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân” chính thức nhận tác phẩm dự thi từ ngày 15/8/2024 đến ngày 31/10/2024.
Tuyên Quang: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội Bạc Liêu: Giảm nghèo nhờ tín dụng chính sách xã hội Hơn 99% dư nợ tín dụng chính sách được ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội

Sáng 12/8, Thời báo Ngân hàng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Họp báo phát động Cuộc thi viết “Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”.

Cuộc thi là một trong những sự kiện trong chuỗi hoạt động Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Phát động Cuộc thi viết ‘Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân’
Họp báo phát động Cuộc thi viết “Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”.

21,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn

Sau gần 22 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, ngân hàng đã huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Đến 31/7/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 373.010 tỷ đồng, tăng 238.338 tỷ đồng (gấp gần 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40CT/TW, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,8%. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 47.350 tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn, tăng 43.542 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện giúp trên 21,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tính đến 31/7/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 350.822 tỷ đồng, tăng 221.365 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,5%. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 124.020 tỷ đồng, chiếm 35,3%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo 34.309 tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng dư nợ, với hơn 556 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 86.900 tỷ đồng, chiếm 24,8%/tổng dư nợ với trên 1,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

Từ kết quả sau gần 22 năm triển khai tín dụng chính sách xã hội và nhất là sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Phát động Cuộc thi viết ‘Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân’
Bà Hoàng Thanh Nhàn - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, phát biểu khai mạc lễ phát động

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp của tín dụng chính sách xã hội đến với người dân

Cuộc thi viết “Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân” có ý nghĩa tuyên truyền, cổ vũ tín dụng ưu đãi vì sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội hiện nay của Đảng và Nhà nước, hướng tới Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, biểu dương những điển hình tiên tiến, cách làm hay, những mô hình cần nhân rộng trong công tác quản lý và sử dụng vốn vay ưu đãi. Động viên, khuyến khích các tổ chức tín dụng nói chung, Ngân hàng Chính sách xã hội nói riêng vì người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Phát biểu khai mạc lễ phát động, bà Hoàng Thanh Nhàn - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi - nhấn mạnh: “Những bài viết tham gia cuộc thi sẽ là những câu chuyện sống động, thể hiện tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của toàn xã hội trong việc chung tay vì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững. Qua đó, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của tín dụng chính sách xã hội đến với người dân”.

Ông Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi - khẳng định: “Cùng với nhiều hoạt động Tổng kết 10 năm thực hiện triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, cuộc thi là dịp để chúng ta tôn vinh những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, nhân rộng những mô hình hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng vốn vay ưu đãi. Đồng thời, cuộc thi cũng là động lực động viên, khuyến khích các tổ chức tín dụng, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội, tích cực hoạt động vì người nghèo và các đối tượng chính sách khác”.

Tác phẩm dự thi là những bài báo phản ánh sự việc, hiện tượng có thật, người thật, việc thật (không hư cấu) trong triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, công tác xóa đói, giảm nghèo nông và xây dựng nông thôn mới; phản ánh rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện cơ chế về tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 40. Đồng thời, bài viết nên truyền tải hiệu quả sự vào cuộc của các cấp Đảng ủy và chính quyền địa phương, nêu bật kết quả các chương trình tín dụng chính sách như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng thôn mới.

Đại diện Ban Tổ chức cho biết, mọi công dân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, thông tin viên các cơ quan báo chí... đều có thể tham gia dự thi. Ngoài ra, cuộc thi còn mong đợi các bài viết phản ánh ý kiến đánh giá, phản biện và trao đổi của các chuyên gia kinh tế, ngân hàng, các nhà nghiên cứu khoa học nhằm đưa ra những giải pháp hoàn thiện, nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi.

Về hình thức thể hiện, tác phẩm báo chí dự thi là bài hoặc chùm bài viết của một hoặc đồng tác giả, thuộc các thể loại báo chí: Bài phản ánh, phóng sự, bút ký, ghi chép, phóng sự ảnh. Các tác phẩm không thuộc các thể loại báo chí khác như: Tin tức, tin ảnh, lời bình các tác phẩm báo phát thanh, truyền hình, báo mạng, các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, truyện ngắn, tiểu phẩm văn nghệ, tranh vẽ...) sẽ không được chấp nhận. Các tác phẩm dự thi chưa được đăng tải trên bất kỳ ấn phẩm báo chí nào trước đây. Mỗi bài viết không quá 1.800 chữ, cỡ chữ 14 và kiểu chữ Times New Roman, một tác phẩm báo chí dự thi có thể chia thành nhiều kỳ đăng tải, nhưng không quá 3 kỳ (mỗi kỳ không quá 1.800 chữ); mỗi phóng sự ảnh tối đa không quá 10 ảnh.

Bản quyền các tác phẩm dự thi thuộc về Ban Tổ chức. Các tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo được đăng tải trên Thời báo Ngân hàng, các tác phẩm không được vào Chung khảo, tác giả có thể sử dụng để đăng tải trên các phương tiện truyền thông khác.

Ban Tổ chức nhận tác phẩm dự thi từ ngày 15/8/2024 đến ngày 31/10/2024. Thời gian tổng kết và trao giải dự kiến diễn ra vào tháng 12/2024.

Giải thưởng cuộc thi viết “Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”:

- 1 Giải Đặc biệt trị giá 30 triệu đồng.

- 1 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng.

- 2 Giải Nhì trị giá 15 triệu đồng mỗi giải.

- 3 Giải Ba trị giá 5 triệu đồng mỗi giải.

- 10 Giải Khuyến khích trị giá 3 triệu đồng mỗi giải.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương