Phát Đạt (PDR) nói gì khi cổ phiếu tăng trần liên tiếp 5 phiên?

(Banker.vn) Trên thị trường, sau 5 phiên trần liên tiếp, cổ phiếu PDR đang ghi nhận nhịp điều chỉnh trong phiên 6/12, tại thời điểm kết phiên, cổ phiếu PDR giảm sàn 6,91% xuống còn 16.150 đồng/cp.

Mới đây, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã chứng khoán: PDR) đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giải trình về việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 29/11 đến 5/12. Theo đó, Phát Đạt cho biết giá cổ phiếu tăng mạnh là do thị trường quyết định. Phát Đạt cam kết luôn tuân thủ các quy định của pháp luật với công ty đại chúng niêm yết.

Phát Đạt (PDR) nói gì khi cổ phiếu tăng trần liên tiếp 5 phiên?

Trên thị trường, sau 5 phiên trần liên tiếp, cổ phiếu PDR đang ghi nhận nhịp điều chỉnh trong phiên 6/12, tại thời điểm kết phiên, cổ phiếu PDR giảm sàn 6,91% xuống còn 16.150 đồng/cp. So với đáy, thị giá PDR đã tăng gần 35% sau vài phiên nhưng vẫn giảm gần 80% từ thời điểm đạt đỉnh hồi giữa cuối tháng 10/2021.

Mặc dù bối cảnh cổ phiếu đang hồi mạnh sau 17 phiên giảm sàn liên tiếp, song hoạt động bán giải chấp của các công ty chứng khoán vẫn đang diễn ra đối với tài khoản chứng khoán của ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT PDR.

Theo báo cáo đã công bố, riêng trong 5 phiên PDR tăng trần, ông Đạt đã bị 8 công ty chứng khoán bán giải chấp tới hơn 30,2 triệu cổ phiếu. Đến hết phiên 2/12, tỷ lệ sở hữu của vị Chủ tịch này tại Phát Đạt giảm xuống còn 43,48% vốn (292 triệu đơn vị) và vẫn là cổ đông lớn nhất tại Phát Đạt.

Ngoài ông Đạt, Công ty TNHH Phát Đạt Holding cũng bị bán giải chấp 6 triệu cổ phiếu cổ phiếu PDR để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 10,07% vốn trong phiên 29/11.

Phát Đạt (PDR) nói gì khi cổ phiếu tăng trần liên tiếp 5 phiên?
Diễn biến giá cổ phiếu PDR thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Về hoạt động kinh doanh, Phát Đạt vừa công bố mua lại trước hạn lô trái phiếu phát hành lần 7 năm 2021 (PDRH2123007). Khối lượng mua lại theo mệnh giá là 188,7 tỷ đồng. Khối lượng còn lại sau khi mua lại là 286,3 tỷ đồng.

Lô trái phiếu PDRH2123007 được phát hành ngày 2/12/2021, có kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm. Số tiền huy động được Phát Đạt dùng để tài trợ vốn cho 3 dự án gồm: Phân khu 2, Phân khu 4, Phân khu 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định; dự án Astral City (tỉnh Bình Dương) và dự án hạ tầng kỹ Nội khu I (Khu Cổ Đại), TP.HCM. Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu này là 13,7 triệu cổ phiếu PDR.

Như vậy, tính từ cuối tháng 10/2022 đến nay, Phát Đạt đã tất toán tổng cộng 558,7 tỷ đồng các khoản nợ, trong đó có 338,7 tỷ tất toán trước hạn trái phiếu.

So với báo cáo tài chính quý III, hiện tại tổng nợ vay của Phát Đạt giảm từ mức 5.265 tỷ đồng xuống khoảng 4.700 tỷ đồng. Số dư nợ trái phiếu giảm xuống còn 2.500 tỷ đồng.

Cùng ngày, Phát Đạt cũng thông tin đã hoàn tất chuyển nhượng hơn 28,4 triệu cổ phần (tương đương 88,99% vốn điều lệ) của Công ty CP Địa ốc Hoà Bình (Địa ốc Hoà Bình).

Được biết, Địa ốc Hoà Bình (từng là thành viên thuộc Công ty CP Thanh Yến - là đơn vị sở hữu dự án 197 Điện Biên Phủ, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, diện tích 4.200m2. Dự án này có tên gọi khác là Khu phức hợp Hòa Bình - Thanh Yến, quy mô 28 tầng nổi và 2 tầng hầm. TP.HCM cấp phép xây dựng dự án này từ năm 2017.

Hồi tháng 6 năm nay, Phát Đạt có chủ trương mua lại cổ phần Địa ốc Hoà Bình. Tính tới ngày 30/9/2022, theo báo cáo tài chính hợp nhất, Phát Đạt sở hữu 26,7% vốn tại Địa ốc Hòa Bình, tương ứng khoản đầu tư 387 tỷ đồng. Như vậy, trong tháng 10 và tháng 11, Phát Đạt đã tiếp tục chi thêm tiền để gia tăng tỷ lệ nắm giữ từ 26,7% lên 88,99% như thời điểm công bố chủ trương chuyển nhượng.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng năm 2022, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần 1.490 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 1.290 tỷ đồng, giảm 22%; song biên lợi nhuận gộp lại tăng mạnh từ 68,8% lên tới 86,5%. Công ty có lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, tăng 26%; trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 1.412 tỷ đồng, tăng 27%.

Với kết quả này, doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành 14% kế hoạch doanh thu (10.700 tỷ đồng) và 38% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Về dòng tiền, quý III, Phát Đạt lâm vào cảnh âm nặng dòng tiền kinh doanh 1.758 tỷ đồng (cùng kỳ âm 62 tỷ đồng). Nguyên do là hoạt động cốt lõi không hiệu quả và phát sinh tăng các khoản phải thu thêm 1.887 tỷ đồng…

Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 548 tỷ đồng, khiến lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm 92%, còn 51 tỷ đồng.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục