Cuối năm 2020, quy mô tổng tài sản Phan Vũ Group đạt 3.602 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm. |
Mới đây, ngày 30/1/2023, Công ty CP Đầu tư Phan Vũ (Phan Vũ Group) đã công bố thông tin kết quả chào bán trái phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX.
Theo đó, Phan Vũ Group vừa huy động thành công 110 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, với lãi suất 10,5%/năm. Các trái phiếu được phát hành và hoàn tất trong một ngày (30/1/2023), có kỳ hạn 5 năm, tương ứng đáo hạn ngày 30/1/2028.
Tại một nghị quyết ĐHĐCĐ hồi tháng 11/2022, Phan Vũ Group cho biết, thương vụ chào bán 110 tỷ đồng trái phiếu nhằm mục đích cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp, cụ thể là thanh toán khoản nợ đến hạn cho Công ty TNHH MTV Phan Vũ Long An (hạn thanh toán chậm nhất vào ngày 31/1/2023).
Ngoài ra, Phan Vũ Group cho hay đây là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, và không có tài sản bảo đảm. Vẫn theo Phan Vũ Group, trái chủ duy nhất là Asia Pile Holdings, tập đoàn cọc bê tông ly tâm dẫn đầu Nhật Bản, đã có mối quan hệ hợp tác bền chặt với Phan Vũ Group hơn 10 năm qua.
Phan Vũ Group, 'ông trùm' thâu tóm FCM năm 2018
Theo tìm hiểu, tiền thân của Phan Vũ Group là Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Phan Vũ, thành lập tháng 6/1996, tới nay đã có trên 26 năm kinh nghiệm. Doanh nghiệp đặt trụ sở chính tại quận Phú Nhuận, TP.HCM; hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây dựng, bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng với sản phẩm cốt lõi là cọc tròn bê tông...
Hiện nay, Chủ tịch HĐQT của Phan Vũ là ông Phan Khắc Long; Tổng giám đốc mới được bổ nhiệm là ông Trần Vũ Anh Tuấn.
Trong số công ty con trực thuộc Phan Vũ Group, Công ty CP Khoáng sản Fecon có lẽ là cái tên nổi trội nhất. Đây là doanh nghiệp đang niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên sàn HOSE với mã FCM, một cựu thành viên của Tập đoàn Fecon.
Phan Vũ Group trở thành công ty mẹ của FCM từ tháng 9/2018, sau khi được chọn là nhà đầu tư chiến lược và được phép thực hiện các giao dịch nhận chuyển nhượng hơn 20 triệu cổ phiếu FCM, tương đương 51% vốn điều mà không phải thực hiện chào mua công khai theo quy định.
Cuộc giao dịch với Phan Vũ Group khi đó thúc đẩy cổ phiếu FCM tăng giá "phi mã", bỗng nhiên là tâm điểm của thị trường với hàng loạt phiên tăng trần liên tiếp. Lúc này, đại diện FCM chia sẻ, việc hợp tác với Phan Vũ Group sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Asia Pile Holding, đồng thời được hỗ trợ về công nghệ, vốn, quản trị tài chính, phát triển nguồn lực cũng như mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh FCM giai đoạn phía sau đã không đáp ứng được các kỳ vọng của cổ đông. 2019, năm đầu tiên FCM gia nhập hệ thống Phan Vũ Group, doanh thu chỉ ghi nhận 750 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước; nếu không tiết giảm tốt khoản chi phí khác (giảm hơn 10 tỷ đồng), FCM khó có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương trong năm.
Giai đoạn 2020-2022, doanh thu FCM "thăng giáng" liên tục, nhưng chưa năm nào vượt qua mốc 600 tỷ đồng và đều thấp hơn đáng kể các năm 2016-2018. Diễn biến tương tự cũng xảy ra với chỉ tiêu lợi nhuận ròng.
Trái ngược với đó, gần đây Phan Vũ Group kinh doanh khá thuận lợi, doanh thu và lợi nhuận thường xuyên tăng trưởng qua từng năm. Cá biệt năm 2020, chịu ảnh hưởng chung từ đại dịch Covid-19, Phan Vũ mới chứng kiến doanh thu chững lại ở mức 4.095 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm đến 60% cùng kỳ, xuống còn 77 tỷ đồng.
Cuối năm 2020, tổng tài sản Phan Vũ Group đạt 3.602 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm. Doanh nghiệp có nợ phải trả ở mức 2.850 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay ngắn hạn 1.280 tỷ đồng, dư nợ vay dài hạn 590 tỷ đồng. So với vốn chủ sở hữu, riêng tổng nợ vay đã gấp 2,5 lần (752 tỷ đồng).
Vân Oanh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|