Phân tích yếu tố khiến cho ngành bán lẻ Mỹ thu hẹp mạnh về quy mô

(Banker.vn) Việc không điều chỉnh chiến lược bán hàng phù hợp và bắt kịp các xu thế mới đã khiến cho nhiều hãng bán lẻ Mỹ phải trả giá đắt.
mybanlewsj1.jpg
Ảnh: WSJ

Mới đây, ngành bán lẻ Mỹ đón nhận thông tin gây sốc. Macy's – doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu nước Mỹ công bố đóng khoảng 150 cửa hàng tức tương đương khoảng 1/3 hệ thống của hãng, đây là đợt tái cơ cấu quy mô lớn nhất sau nhiều thập kỷ suy giảm của Macy's.

Việc hoạt động của Macy's thu hẹp có nhiều nguyên nhân: sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp bán lẻ lớn, việc nhiều doanh nghiệp dịch chuyển trọng tâm sang bán hàng trực tuyến, cùng lúc đó nhiều cổ đông đang gây xáo trộn công việc điều hành Macy's.

Ngành bán lẻ Mỹ đang có những sự chia rẽ bởi chịu ảnh hưởng từ lạm phát cao. Điều đó đồng nghĩa những thương hiệu như Walmart, vốn tập trung vào các loại mặt hàng giá thấp đang thành công, cùng lúc đó những thương hiệu xa xỉ với tệp khách hàng giàu có vẫn tiếp tục làm ăn được. Tuy nhiên, quy mô của nhóm các trung tâm mua sắm, siêu thị dành cho tầng lớp trung lưu đang suy giảm mạnh về quy mô.

Theo chuyên gia bán lẻ Neil Saunders của GlobalData, vấn đề then chốt mà Macy's và nhiều chuỗi trung tâm mua sắm khác cùng phân khúc đang đối mặt dễ lý giải hơn rất nhiều: ban lãnh đạo công ty đã không kịp cập nhật chiến lược để cạnh tranh với các đối thủ khác trong suốt nhiều năm.

“Nhìn chung, phần lớn trong số họ ngừng quan tâm đến khách hàng. Họ ngừng lắng nghe khách hàng. Không thể phủ nhận ảnh hưởng của bán hàng trực tuyến đến doanh số, tuy nhiên nhìn tổng quan, đó thực sự là một thất bại của quá trình tự điều chỉnh để phát triển”, ông Saunders phân tích.

Các cửa hàng bách hóa từng là trụ cột quan trọng của ngành bán lẻ Mỹ. Các cửa hàng của Macy’s, Sears, và JC Penney cung cấp nhiều loại sản phẩm và tiện ích cho những người mua sắm, những chủng loại mặt hàng này định hình cách thứ và địa điểm mua sắm của người Mỹ với đủ loại sản phẩm, từ quần áo cho đến thiết bị, đồ chơi và hàng điện tử.

Trong mảng kinh doanh này, dần dần có sự thay đổi về thị phần khi mà nhiều doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính mạnh như Walmart và Target bán đủ chủng loại sản phẩm với giá rẻ hơn mặt bằng chung của thị trường. Ngoài ra cũng phải kể đến việc nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trực tuyến.

Khắp ngành bán lẻ Mỹ chứng kiến sự đóng cửa của hàng loạt trung tâm mua sắm, chính vì vậy việc Macy's thông báo đóng cửa 150 trung tâm mua sắm tức khoảng 30% hệ thống diễn ra như một điều tất yếu phải đến. Chắc chắn đây không phải là đợt đóng cửa đầu tiên và cũng không phải đợt thu hẹp quy mô cuối cùng.

“Trong khoảng thời gian 10 năm nữa, chúng ta sẽ vẫn nói chuyện về xu thế này bởi chắc chắn sẽ có ít cửa hàng bách hóa hơn bây giờ rất nhiều”, chuyên gia phân tích về ngành bán lẻ tại GlobalData – ông Neil Saunders phân tích.

Theo số liệu của Saunders, tỷ trọng của các cửa hàng bách hóa trong tổng doanh thu bán lẻ của Mỹ đã giảm từ mức 14,1% vào năm 1993 xuống còn chỉ 9,8% vào năm 2013 và đến năm ngoái còn 2,6%. Tổng doanh thu của các cửa hàng bách hóa tại Mỹ được dự báo giảm từ 103 tỷ USD vào năm 2018 xuống còn chỉ 81 tỷ USD vào năm 2026, tính toán của Coresight Research – công ty chuyên phân tích dữ liệu ngành cho thấy.

Tuy nhiên ông Saunders khẳng định, sự suy giảm quy mô của các cửa hàng bách hóa khó tránh khỏi, nhưng loại hình kinh doanh này sẽ không biến mất.

Đại dịch COVID-19 cũng tạo ra cú sốc với các cửa hàng bách hóa. Trong đại dịch COVID-19, theo quy định phòng chống dịch từng được áp dụng nhiều lần, các cửa hàng bách hóa phải đóng cửa vì bị coi như bán hàng không thiết yếu.

Trong khi đó, các siêu thị bán lẻ bán buôn của những doanh nghiệp lớn vẫn được duy trì hoạt động trong suốt thời gian dịch bởi có bán thực phẩm, loại hàng hóa được coi là thiết yếu. Chính vì vậy, các siêu thị bán lẻ vốn đã đông khách lại đón thêm lượng khách mới mà họ chưa từng có trước đó.

Không chỉ vậy, các siêu thị bán lẻ bán buôn tại Mỹ từng mở ra nhiều điểm chuyên phục vụ cho việc khách mua hàng online nhận hàng, chính những điểm bán đó đã trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng ngay cả khi đại dịch đã qua đi.

Khánh Ly

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục