Phân tích lý do Chủ tịch FED nói đến cú sốc kinh tế có thể xảy ra với Mỹ trong những tháng tới

(Banker.vn) Trong suốt lịch sử nước Mỹ, các cú sốc giá dầu đã không ngừng gây ra suy thoái kinh tế. Giá dầu cao làm tăng chí phí của hàng loạt doanh nghiệp, đồng thời gây tổn hại đến túi tiền của người tiêu dùng.

Trong cuộc họp báo của Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) vào tháng 9/2023, chủ tịch FED – ông Jerome Powell đã được hỏi liệu ông có định hướng về khả năng kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” trong kịch bản của ông hay không, ông đã trả lời khá ngắn gọn: “Không, tôi sẽ không làm điều đó”.

Kịch bản “hạ cánh mềm” - khi mà lạm phát được kiềm chế nhưng không làm mất đi việc làm của người dân đã được rất nhiều chuyên gia dự báo, thế nhưng không phải ông Powell.

Vị chủ tịch FED thậm chí nói đến việc có nhiều cú sốc kinh tế có thể xảy ra, gây ra hậu quả lớn trong những tháng tới.

Tạp chí Fortune mới đây đã tổng hợp về một số yếu tố có thể gây nhiều cú sốc về kinh tế, trong đó có việc nối lại chương trình cho vay sinh viên, lãi suất tăng cao cho đến nhiều rủi ro địa chính trị hay khả năng chính phủ đóng cửa, giá dầu tăng nóng…

Chuyên gia kinh tế cao cấp tại công ty MorningConsult, ông Jesse Wheeler, cảnh báo: “Hiện tại đang có những cơn bão hình thành mà chúng ta cần phải dè chừng theo dõi”.

Giá dầu đang hướng đến ngưỡng 100 USD/thùng


Trong suốt lịch sử nước Mỹ, các cú sốc giá dầu đã không ngừng gây ra suy thoái kinh tế. Giá dầu cao làm tăng chí phí của hàng loạt doanh nghiệp, đồng thời gây tổn hại đến túi tiền của người tiêu dùng, kết quả nó dẫn đến lạm phát leo thang và chi tiêu người tiêu dùng giảm xuống.

Đó là công thức của thảm họa kinh tế mà nước Mỹ hiện đang đương đầu. Từ tháng 6/2023, giá dầu đã tăng vọt trong bối cảnh các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong OPEC+ cắt giảm sản lượng, nổi bật nhất phải kể đến Nga và Saudi Arabia. Giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai trên thị trường quốc tế tăng 28% so với mức thấp 74 USD/thùng vào ngày 11/6/2023 lên ngưỡng gần 95 USD/thùng.

Các chuyên gia hàng hóa tại một số ngân hàng đầu tư bao gồm Goldman Sachs và Wells Fargo trong khi đó cho rằng, việc giá dầu tăng chỉ là khởi đầu cho siêu chu kỳ có thể khiến cho lạm phát leo thang.

Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại công ty Neuberger Berman hiện đang quản lý tổng tài sản ước tính 440 tỷ USD, ông Erik Knutzen, nói với Fortune rằng thông tin tốt chính là siêu chu kỳ này cũng có những lúc thăng trầm.

“Một khi người ta cảm thấy lo lắng về suy thoái kinh tế và trên thực tế có thể nó đã bắt đầu rồi, sẽ có những áp lực ngắn hạn lên giá hàng hóa”, ông Knutzen nói.

Tuy nhiên trong dài hạn, nhiều người tiêu dùng có thể sẽ cần phải quen với giá dầu và xăng cao bởi giờ đây động lực đầu tư mở rộng sản xuất dầu của các nước không cao trong những năm gần đây và chính điều đó đã tạo ra các yếu tố mất cân bằng cung cầu.

“Đầu tư vào dầu và khí đốt đang giảm đi. Hiện tại, chúng ta vẫn cần năng lượng xanh trong quá trình chuyển dịch dần sang nền kinh tế không phát thải các-bon. Chính vì vậy, bạn sẽ bắt đầu chứng kiến nhiều vấn đề liên quan đến cung và cầu, đặc biệt với các đợt cắt giảm sản lượng mà Saudi Arabia, Nga và OPEC+ đã thực hiện”, ông Knutzen giải thích.

Cuộc đình công Liên đoàn Lao động ôtô Mỹ (UAW)


Từ ngày 15/9/2023, cho đến nay đã khoảng hơn 3 tuần, cuộc đình công của UAW đã diễn ra tại "thủ phủ" sản xuất ôtô Mỹ - Detroit, nơi đặt nhà máy của "Big Three" ngành xe hơi gồm General Motors (GM), Ford Motor và Stellantis (trước đây là Fiat Chrysler Automobiles). Tình hình leo thang khi một số công nhân phá hoại các công cụ sản xuất tại hai nhà máy thuộc sở hữu của GM và Ford.

Chỉ trong vòng 1 tuần, kinh tế Mỹ đã thiệt hại đến 1,6 tỷ USD, theo tính toán của tập đoàn Anderson. Dù rằng ban đầu cuộc đình công chỉ có khoảng 15.000 người lao động tham gia, nó đang dần có quy mô lớn hơn, chính vì vậy đây có thể coi như rủi ro quan trọng với mục tiêu kiềm chế lạm phát của FED. Ước tính khoảng 7.000 người lao động đã nghỉ việc tại nhà máy của Ford tại Chicago cũng như cơ sở lắp ráp ô tô của General Motors tại Michigan.

UAW hiện đang kêu gọi tăng lương cho các thành viên. Thực tế của ngành ô tô có thể kéo thêm nhiều đợt đình công của người lao động trong các ngành khác tại Mỹ, làm tăng rủi ro lạm phát và khiến cho FED nâng lãi suất lên ngưỡng cao hơn nữa.

“Khi mà lạm phát ở ngưỡng thấp và tình trạng thiếu lao động tăng cao, đợt đình công lần này sẽ có thể coi như phép thử của việc lao động có quyền lực như thế nào. Việc tăng lương do áp lực từ UAW sẽ khiến cho kinh tế tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng”, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ Commonwealth Financial Network – ông Brad McMillan nói với phóng viên.

Ngoài ra, còn có thêm nhiều hiệu ứng địa phương. Khi mà những người lao động đang đình công chỉ nhận được một phần tiền lương, chắc chắn sẽ có những suy giảm trong tiêu dùng người dân. Kinh tế Michigan sẽ chịu tác động nặng nề, tuy nhiên sau này sẽ có những tác động tích cực khi mức lương của người lao động thực sự được cải thiện.

“Khả năng đình công kéo dài và những rủi ro liên quan đến vấn đề của liên bang đang tạo ra rủi ro lớn kinh tế Mỹ, tăng trưởng việc làm tương lai và “sức khỏe” tài khóa của nước Mỹ”, một quan chức tại bang Michigan khẳng định.

Chuyên gia kinh tế cao cấp tại ngân hàng đầu tư Nomura, ông Aichi Amemiya, khẳng định cuộc đình công càng kéo dài, tác động của nó lên các hãng xe, người lao động, nhà cung cấp, nhà kinh doanh và người tiêu dùng sẽ ngày một tệ hại hơn. Hiện tại, đang có những bằng chứng cho thấy giá các loại xe mới và cũ đều tăng lên bởi dự báo về khả năng tồn kho giảm do vụ đình công này, chuyên gia kinh tế cao cấp tại ngân hàng Nomura – ông Aichi Amemiya giải thích.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia khác có tên Mark Zandi tại Moody Analytics, nhóm ba hãng xe hàng đầu nước Mỹ hiện không còn lớn như trước đây. Nếu các cuộc đình công kéo dài 6 tuần, nó có thể khiến cho tăng trưởng GDP quý IV/2023 giảm chỉ khoảng 0,2%.
Trong cuộc họp báo vào tháng 9/2023, ông Powell khẳng định rằng ảnh hưởng từ các vụ đình công trong ngành ô tô Mỹ lên nền kinh tế hiện vẫn chưa rõ ràng.

“Nhìn vào các tiền lệ trước đây, các vụ đình công của ngành ô tô ảnh hưởng đến sản lượng kinh tế, tuyển dụng và lạm phát. Thế nhưng điều đó còn tùy thuộc vào việc nó có quy mô lớn và kéo dài đến thế nào”, ông Powell nói.

Gần 44 triệu sinh viên vay tiền sẽ sớm phải trả nợ trở lại


Các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích đã nói đến việc sinh viên chuẩn bị phải trả nợ trở lại như một “cú sốc” với kinh tế Mỹ trong những tháng tới. Ước tính gần 44 triệu người vay tiền sẽ bắt đầu trả trung bình 393 USD/tháng cho các khoản vay của họ sau khoảng 3 năm rưỡi không cần thanh toán. Như vậy, điều đó cũng đồng nghĩa chi tiêu của họ vào các loại hình dịch vụ, hàng hóa khác cũng sẽ giảm đi.

Các chuyên gia kinh tế đã chia rẽ quan điểm về tác động kinh tế tiềm năng. Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ có thể giảm ước tính khoảng 9 tỷ USD/tháng, theo báo cáo công bố vào tháng 7/2023 bởi Oxford Economics.

Tăng trưởng GDP năm 2023 và 2024 được dự báo hạ ước tính lần lượt 0,1% và 0,3%. Trong khi đó, chuyên gia thuộc ngân hàng đầu tư Jefferies ước tính cú sốc với thu nhập ước tính khoảng 18 tỷ USD/tháng.

Ông Jefferies khẳng định, việc sinh viên phải trả nợ chắc chắn ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng bởi trước khi quy định trả nợ được áp dụng trở lại, các hộ gia đình chưa tính toán về ngân sách cho khoản chi hàng tháng này. Việc nhiều người dân phải dành tiền trả nợ chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến diễn biến cổ phiếu các doanh nghiệp tiêu dùng trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm.

Lãi suất thế chấp gần 8% đe dọa khiến cho thị trường nhà đất đóng băng


FED đã không ngừng nâng lãi suất để giúp kiềm chế lạm phát bằng việc hãm đà phục hồi của nền kinh tế, điều này tiềm ẩn tạo ra nhiều thách thức với nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt với người mua nhà hiện đang gặp khó với lãi suất cao nhất trong hơn hai thập kỷ. Lãi suất của khoản vay 30 năm gần 7,5%, cao hơn rất nhiều so với ngưỡng dưới 3% ở thời điểm đầu đại dịch COVID-19.

Lãi suất cao khiến cho việc mua nhà ngày một ở ngoài tầm với sau nhiều năm giá nhà tăng nóng. Tổng số tiền gốc lãi của người mua nhà trong tháng 7/2023 ở mức 2.306 USD, cao chưa từng có trong lịch sử, theo tính toán của công ty dữ liệu nhà đất Black Knight, mức này hiện đã cao hơn đến 60% so với hai năm trước đó.

Trong tháng 7/2023, ước tính khoảng 25% chủ sở hữu nhà phải chi trả khoản tiền hàng tháng ước tính khoảng 3.000 USD, cao hơn so với ngưỡng chỉ 5% trong năm 2021. Hơn 50% chủ sở hữu nhà phải chi trả ước tính 2.000 USD/tháng.

Ngọc Diệp

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ