Phấn đấu đưa các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long về đích đúng và trước tiến độ

(Banker.vn) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu đưa các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long về đích đúng và trước tiến độ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tuyến cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long Thủ tướng chủ trì cuộc họp thúc đẩy hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông chiến lược tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiều ngày 13/7.

Phấn đấu đưa các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long về đích đúng và trước tiến độ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông chiến lược tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP

Theo báo cáo, hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, gồm: Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau; cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; cao tốc Cao Lãnh-An Hữu; cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận. Đến nay, 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công; dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cùng với chủ trì các hội nghị, ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc triển khai các dự án cao tốc, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp 5 lần kiểm tra công trường, đôn đốc, thăm, động viên cán bộ, công nhân, nhà thầu thi công, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công; chỉ đạo Phó Thủ tướng và các bộ trưởng 3 lần trực tiếp làm việc tháo gỡ khó khăn về vật liệu để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Nhờ đó, hiện công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công, khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại không nhiều, tuy nhiên nếu không được giải quyết dứt điểm trong tháng 7/2024 sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức thi công hoàn thành toàn bộ các dự án.

Phấn đấu đưa các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long về đích đúng và trước tiến độ
Thủ tướng Phạm Minh Chính Thủ nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2025 Đồng bằng sông Cửu Long phải có 600 km và đến năm 2030 có 1.200 km đường bộ cao tốc. Ảnh: VGP

Báo cáo nêu, các dự án đang được tập trung thi công, tuy nhiên, tiến độ các dự án chưa đáp ứng kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu do trước đây thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp. Song, đáng mừng là về vật liệu, đến nay đã cân đối, bố trí đủ nhu cầu khoảng 65 triệu m3; các cơ quan cũng khẳng định cát biển được đưa vào san lấp cũng là cát bắt nguồn từ sông, được quản lý khai thác, xử lý nghiêm ngặt khi đến công trình có độ mặn cho phép, thậm chí thấp hơn so với đồng ruộng trong khu vực.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của Quốc hội, Chính phủ, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế.

Đồng thời, Thủ tướng đánh giá các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể liên quan đã biến quyết tâm chính trị và thống nhất nhận thức rất cao thành hành động quyết liệt, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tháo gỡ đến cùng các vướng mắc, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, qua việc triển khai các dự án đường bộ cao tốc thời gian qua, tất cả các chủ thể đều học hỏi lẫn nhau, có kinh nghiệm, trưởng thành và tự tin hơn để triển khai các dự án cao tốc tiếp theo, các sân bay, cảng biển, cảng thủy nội địa… để biến cái không thể thành có thể, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên.

Phấn đấu đưa các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long về đích đúng và trước tiến độ

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Theo đó, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, làm hết trách nhiệm của mình, cán bộ phải có tâm, có đức, có tài, có trách nhiệm, hiệu quả. Công tác quản lý phải thường xuyên được hoàn thiện, phù hợp thực tiễn theo hướng thông minh, số hóa, giảm phiền hà, giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, phải tìm ra các giải pháp, vận dụng tối đa cơ chế, chính sách, phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Làm tốt công tác truyền thông chính sách với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng". Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, đặt mình vào địa vị của người khác để giải quyết các công việc.

Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2025 Đồng bằng sông Cửu Long phải có 600 km và đến năm 2030 có 1.200 km đường bộ cao tốc và giao mục tiêu tiến độ đối với từng dự án, trong đó, tập trung cho 2 tuyến cao tốc Bắc-Nam và Đông-Tây.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt và tập trung thực hiện quan điểm "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phấn đấu đưa công trình về đích đúng và trước tiến độ; tổ chức thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "3 ca 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ"; huy động cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc, tích cực tham gia hưởng ứng phong trào 500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành 3.000 km đường cao tốc để chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm Quốc khánh và Đại hội XIV của Đảng.

Phấn đấu đưa các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long về đích đúng và trước tiến độ

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Về vốn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các địa phương tính toán kỹ để báo cáo cấp thẩm quyền. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu, điều tiết vốn hợp lý và Chính phủ sẽ giải quyết theo thẩm quyền.

Về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các bí thư, chủ tịch địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay hỗ trợ triển khai dự án, đặc biệt là việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; tập trung giải quyết dứt điểm để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để có đất cho thi công các dự án.

Về vật liệu, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm cung cấp, hoàn thành đúng tiến độ. Trong đó, về cát đắp nền, các địa phương phải chủ động theo thẩm quyền để nâng công suất khai thác mỏ vật liệu; điều chuyển nguồn vật liệu giữa các dự án để phù hợp với yêu cầu tiến độ; thực hiện đúng cam kết, trong tháng 7 phải hoàn thành thủ tục để cấp mỏ. Các tỉnh miền Tây hỗ trợ các tỉnh miền Đông về cát; các tỉnh miền Đông hỗ trợ các tỉnh miền Tây về đá sỏi.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công "3 ca 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ các dự án; thường xuyên làm việc với các địa phương có nguồn vật liệu để kiểm soát tình hình cung ứng, chủ động giải quyết ngay tại cơ sở đối những vướng mắc phát sinh nếu có.

Các địa phương phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu để tham gia thực hiện các dự án, huy động lực lượng tại chỗ, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. "Các địa phương không để ban quản lý dự án, nhà thầu, các kỹ sư, công nhân cô đơn trên các công trường, trên đồng ruộng mênh mông hiện nay nhưng sẽ trở thành những công trình hiện đại ngày mai", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương