Phân bón Bình Điền (BFC) ước lãi tăng bằng lần trong năm 2024

(Banker.vn) Phân bón Bình Điền (BFC) dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2024 ước đạt hơn 531 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 2,7 lần so với năm 2023.

Hội đồng Quản trị Công ty CP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) vừa công bố kết quả kinh doanh ước đạt quý 4 và cả năm 2024. Theo đó, trong quý 4/2024 BFC ghi nhận tổng doanh thu hơn 2.500 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng sản xuất đạt gần 220.000 tấn, trong khi sản lượng tiêu thụ vượt 203.000 tấn, tăng trưởng lần lượt gần 40% và hơn 37%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 125 tỷ đồng, tăng tới 85% so với cùng kỳ.

Phân bón Bình Điền (BFC) ước lãi tăng bằng lần trong năm 2024
Quý 1/2025, Phân bón Bình Điền kỳ vọng sản xuất 110.300 tấn, tiêu thụ 100.300 tấn, đạt doanh thu 1.330 tỷ đồng, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm trước

Tính lũy kế cả năm 2024, doanh thu của BFC đạt gần 9.500 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước và vượt 33% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 531 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2023 và vượt 150% mục tiêu năm. Về sản lượng, doanh nghiệp sản xuất 731.000 tấn, tiêu thụ 729.000 tấn, tăng 26% so với năm trước và đều vượt kế hoạch năm từ 28-29%.

Dù năm 2024 khép lại với kết quả khả quan, BFC lại đặt mục tiêu thận trọng cho quý 1/2025. Doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất 110.300 tấn, tiêu thụ 100.300 tấn, đạt doanh thu 1.330 tỷ đồng, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 32%, xuống còn 45,5 tỷ đồng.

Về cổ tức, trong quý 4/2024, BFC đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 5% (500 đồng/cổ phiếu), tổng giá trị khoảng 28,6 tỷ đồng. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2024, mức chia cổ tức tối thiểu không dưới 15%. Điều này đồng nghĩa cổ đông có thể kỳ vọng nhận thêm ít nhất một đợt chia cổ tức nữa trong thời gian tới.

Công ty CP phân bón Bình Điền là một doanh nghiệp nhà nước, nhà sản xuất chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân hỗn hợp NPK. Đặc biệt ở khu vực Miền Nam, vựa lương thực chính của cả nước.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón mỗi năm, bao gồm các loại phổ biến như urê, DAP, NPK và kali. Trong đó, urê chiếm tỷ trọng lớn nhất với công suất sản xuất đạt khoảng 3 triệu tấn/năm. Phần lớn nguyên liệu đầu vào được khai thác từ các mỏ khí trong nước như Bạch Hổ và Nam Côn Sơn, riêng kali vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.

Chứng khoán Mirae Asset dự báo giá phân bón trong nước có thể phục hồi trong thời gian tới, chủ yếu do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đẩy giá khí tự nhiên tăng mạnh, khiến chi phí sản xuất phân bón leo thang. Tình trạng này buộc nhiều nhà máy tại châu Âu phải ngừng hoạt động, dẫn đến gián đoạn nguồn cung. Đồng thời, xung đột Nga - Ukraine cũng làm trầm trọng thêm vấn đề, bởi Nga là một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới. Các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón mà còn gây biến động lớn trên thị trường dầu mỏ.

Tuy nhiên, nhu cầu phân bón vô cơ có xu hướng giảm do giá cao và sự chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp bền vững, với ưu tiên sử dụng phân hữu cơ. Ngoài ra, một số quốc gia hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước, góp phần giữ giá thế giới ở mức thấp trong năm qua.

Một tín hiệu tích cực đến từ Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), cho phép áp thuế VAT đầu vào đối với phân bón thay vì miễn thuế. Theo Chứng khoán BSC, chính sách này sẽ mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là những nhà sản xuất phân đơn như urê, lân và DAP. Giá thành sản xuất các loại phân bón nội địa như urê và DAP được kỳ vọng giảm từ 0,87 - 2%, góp phần ổn định giá cả thị trường và mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân.

Tuy vậy, lợi ích từ chính sách VAT sẽ không đồng đều. Các nhà sản xuất phân NPK ít được hưởng lợi do nguyên liệu đầu vào đã chịu thuế, trong khi các nhà nhập khẩu gần như không bị ảnh hưởng do cơ chế thuế VAT áp dụng đồng bộ 5% cho cả đầu vào và đầu ra. Điều này giúp họ duy trì biên lợi nhuận ổn định nhưng khó tạo đột phá trên thị trường.

Petrolimex ước lãi 3.500 tỷ đồng năm 2024, đẩy mạnh thoái vốn và tinh gọn bộ máy

Petrolimex ghi nhận lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.500 tỷ đồng trong năm 2024, vượt 21% chỉ tiêu. Năm 2025, tập đoàn đặt mục ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục