Cần có cơ chế giám sát để ngăn chặn doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội Phát hiện nhiều doanh nghiệp khai báo thuế nhưng trốn đóng bảo hiểm xã hội qua chia sẻ dữ liệu |
Đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Tuy nhiên nợ, trốn đóng BHXH vẫn là thực trạng nhức nhối từ năm này qua năm khác. Do vậy, cần có cần phải có chế tài mạnh tay xử lý dứt điểm, kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng - Công ty Luật Chính pháp Đồng Tâm trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Công Thương.
Cần có chế tài mạnh tay để xử lý tính trạng trốn đóng BHXH, bảo vệ quyền lợi của người lao động. (Ảnh: TTXVN) |
Thời gian qua, tình trạng các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn có xu hướng tăng nhanh… kéo theo vấn đề nợ BHXH xử lý chưa hiệu quả, gây nhiều bức xúc cho người lao động khi nghỉ việc. Ông đánh giá gì về thực tế này?
Như chúng ta thấy, hơn hai năm qua, do ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự, phá sản, ngừng hoạt động. Chủ doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp FDI bỏ về nước, bỏ trốn... dẫn đến tình trạng nợ BHXH không có cách giải quyết, hoặc không thể giải quyết. Nguyên nhân, theo tôi một phần là do bất cập về các chế tài xử lý chưa kịp thời, hay có nhiều lỗ hổng trong chính sách để các doanh nghiệp vẫn hoạt động, vẫn sử dụng người lao động, vẫn tạo ra doanh thu, sản lượng, lợi nhuận nhưng lại trốn đóng BHXH.
Thực tế, phía cơ quan chức cũng đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, tuy nhiên vẫn chưa đạt hiệu quả. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Điều 216, Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Theo đó, người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT mà gian dối, hoặc sử dụng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm, hoặc trốn đóng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, Công ty Luật Chính pháp Đồng Tâm |
Như vậy, mẫu chốt ở đây là mặt khách quan của tội phạm, là hành vi. Điều luật quy định là hành vi gian dối hoặc thủ đoạn khác, nhưng cụ thể gian dối như thế nào, hành vi nào bị coi là gian dối lại chưa có hướng dẫn cụ thể nào. Vì vậy, để xác định được cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 216 là rất khó cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Mặt khác, Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Toá án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215, Điều 216 của Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định: “Đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự…”.
Thực tế, các doanh nghiệp trốn đóng BHXH, nợ đóng BHXH, BHYT thường lại kéo dài nhiều năm trước thời điểm từ 01/01/2018. Còn thời điểm này trở về sau, các doanh nghiệp lại chấp hành, nên điều này cũng gây khó khăn rất lớn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xác định và xử lý hình sự theo Điều 216, Bộ Luật hình sự.
Thời gian tới, để đảm bảo lợi ích cho người lao động, theo ông, cơ quan quản lý cần có chế tài xử phạt như thế nào để hạn chế tình trạng này?
Để xử lý dứt điểm tình trạng này, ngăn chặn những hành vi có thể xảy ra trong tương lai, cần thiết phải có chế tài mạnh tay hơn nữa, không chỉ về mặt hình sự, mà cả các chế tài về hành chính, thuế, thuê đất, thuê lao động, đảm bảo các doanh nghiệp phải thực hiện việc đóng BHXH tháng nào dứt được tháng đó khi doanh nghiệp đang hoạt động.
Phải coi hành vi trốn đóng BHXH là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người lao động, qua đó nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, cũng như đấu tranh có hiệu quả hơn với tội phạm này. Về bản chất, trốn đóng BHXH tức là xâm phạm đến quyền được sở hữu tài sản của người lao động mà theo quy định của pháp luật, họ phải được sở hữu quyền tài sản đó.
Hiện nay, tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được quy định tại Mục 2, phần các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Tức là khách thể của tội phạm mà pháp luật bảo vệ rất rộng. Hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp lại liên quan đến rất nhiều người lao động, cũng gây khó khăn cho cơ quan tố tụng khi xác định tội phạm.
Khi coi khách thể của tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là quyền sở hữu tài sản thì việc xử lý tội phạm này sẽ nhanh chóng, kịp thời và có sức răn đe hơn. Mặt khác, gắn với quyền sở hữu tài sản của từng cá nhân cụ thể, nên pháp luật sẽ có những chế tài cụ thể hơn để bảo vệ, và người lao động cũng sẽ tích cực hơn trong quá trình hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết vấn đề.
Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) cũng đề xuất bổ sung các biện pháp, trong đó bổ sung trách nhiệm của người sử dụng phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động? Ông có ý kiến gì về quy định này?
Ở đây phải phân biệt rõ trách nhiệm dân sự và hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH. Về phần hình sự, như Luật sư đã phân tích ở trên, cần phải cá thể hoá hình phạt hơn nữa, để giúp cơ quan tiến hành tố tụng đấu tranh có hiệu quả với loại hình tội phạm này.
Về trách nhiệm dân sự, cần phải xác định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan trong đó Tổ chức Công đoàn – là cơ quan bảo vệ quyền lợi của người lao động có trách nhiệm đại diện cho người lao động tham gia các giai đoạn tố tụng, kể cả tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, có quyền tố giác tội phạm trong lĩnh vực BHXH, có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án buộc người trốn đóng BHXH phải thực hiện nghĩa vụ.
Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải tích cực vào cuộc và coi kiến nghị khởi tố của cơ quan BHXH, đơn tố giác tội phạm của Tổ chức Công đoàn, hay đơn của người lao động là nguồn tin đáng tin cậy để tiến hành xác minh, điều tra, truy tố, xét xử.
Xin cảm ơn ông!
Bảo Thoa - Đỗ Nga (thực hiện)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|