Phác họa Pearl City - đối tác kín tiếng của NBB tại dự án DeLagi Bình Thuận

(Banker.vn) Trong năm đầu thành lập, với số vốn điều lệ 200 triệu đồng, Công ty CP Đầu tư Pearl City bất ngờ "cõng" món nợ gần chạm ngưỡng 290 tỷ đồng...
Phác họa Pearl City - đối tác kín tiếng của NBB tại dự án DeLagi Bình Thuận
Phối cảnh dự án DeLagi Bình Thuận.

Công ty CP Đầu tư Pearl City là một trong số đối tác tin cậy của Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB). Cuối năm 2021, Pearl City phát hành lô trái phiếu "3 không" trị giá 100 tỷ đồng với mục đích hợp tác đầu tư cùng NBB thực hiện Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư DeLagi.

Dự án DeLagi có tổng vốn đầu tư 1.330 tỷ đồng, diện tích đất quy hoạch lên đến 124 ha, nằm trong khu vực trung tâm xã Tân Phước, sát Quốc lộ 55, tỉnh Bình Thuận. Dự án được chính quyền tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 8/2009, tức đã trên 13 năm nằm trên giấy.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III, NBB ghi nhận số tiền đã rót vào Dự án DeLagi là 644 tỷ đồng (bao gồm chi phí đầu tư và phát triển), chiếm hơn một nửa tổng giá trị hàng tồn kho cả tập đoàn. Con số này đã tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm (325 tỷ đồng), cho thấy NBB đang dốc sức tập trung nguồn lực nhằm xây dựng phát triển dự án DeLagi sau nhiều năm bê trễ, chậm tiến độ.

Theo tìm hiểu, được biết Pearl City vốn là doanh nghiệp không mấy tiếng tăm trên thị trường. Thành lập ngày 21/5/2019, vốn điều lệ trong năm đầu tiên hoạt động của Pearl City chỉ vẻn vẹn 200 triệu đồng. Ông Phạm Vương Tâm, doanh nhân sinh năm 1990 nắm giữ 50% cổ phần; nửa cổ phần còn lại chia đều cho ông Nguyễn Tâm Trình (SN 1988) và ông Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1994).

Ông Tâm lúc đó cũng đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên ngay trong năm 2019, chiếc ghế lãnh đạo này liên tục được đổi chủ, lần lượt sang nhượng cho ông Trần Nguyên Trường (SN 1983), ông Lê Văn Minh (SN 1976). Từ tháng 6/2021, bà Nguyễn Thị Bích Biên (SN 1983) - đương kim Tổng giám đốc chính thức thay thế người tiền nhiệm Lê Văn Minh.

Biến động nhân sự dữ dội là vậy, song vốn điều lệ của Pearl City không vì thế mà thay đổi theo. Đến cuối năm 2019, Pearl City vẫn nằm trong nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ có vốn 200 triệu đồng. Vậy nhưng, doanh nghiệp lúc đó đã bất ngờ phải gánh khoản nợ rất lớn.

Theo tài liệu của phóng viên, tính từ ngày thành lập đến thời điểm chốt năm 2019, trong vòng 6 tháng ngắn ngủi Pearl City đã "cõng" ngay món nợ vay tài chính ngắn hạn lên đến 287,9 tỷ đồng, áp đảo hoàn toàn vốn tự có.

Theo lẽ thông thường, một doanh nghiệp hoàn toàn mới toanh, chưa có lịch sử kinh doanh, sức khỏe tài chính yếu như Pearl City thì quá khó để có được khoản vay từ tổ chức tín dụng, đối tác lên đến gần 300 tỷ đồng.

Do đó, không có gì bất ngờ nếu Pearl City thực chất là công ty phục vụ mục đích đặc biệt ngoài bảng cân đối kế toán (Special Porpose Vehicle - SPV) của một tập đoàn lớn nào đó.

Sang tháng 6/2020, Pearl City mới thực hiện tăng vốn điều lệ từ 200 triệu đồng lên 110 tỷ đồng và duy trì cho đến thời điểm hiện tại. Theo số liệu ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Pearl City tăng lên 131 tỷ đồng, nợ phải trả cũng tăng theo lên 490 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay chiếm 435 tỷ đồng.

Cuối năm 2021, Pearl City hoàn tất thương vụ phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ "3 không" (không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm) để hợp tác đầu tư cùng NBB làm Dự án DeLagi như đề cập phía trên. Phản ánh lên bảng cân đối kế toán, Pearl City xếp món nợ này vào khoản mục nợ vay tài chính dài hạn tại ngày 31/12/2021.

Lô trái phiếu của Pearl City có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 24/11/2024, với lãi suất cố định 12%/năm. Tổ chức tư vấn, kiêm tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu là CTCK HD (HDSecurities).

Ngoài ra, HDBank cũng là ngân hàng cấp vốn lớn nhất cho Pearl City. Chẳng hạn năm ngoái, Pearl City phát sinh khoản vay tại HDBank với tài sản bảo đảm là các quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 763A ký giữa Pearl City và NBB...

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán