Phác họa lộ trình nâng hạng thị trường theo chuẩn FTSE Russell

(Banker.vn) Quyết định của Bộ Tài chính mới đây về giao dịch mua cổ phiếu đã thổi một làn gió mới vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Liệu đây có phải là tín hiệu cho thấy thị trường sắp được nâng hạng và 28 mã cổ phiếu nào sẽ trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư?

Ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã phê duyệt Thông tư 68/2024/TT-BTC, cho phép giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua chứng khoán ngay trong ngày (T+0) và thanh toán vào các ngày sau (T+1/T+2). Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11/2024. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí tài chính và tăng tính linh hoạt cho nhà đầu tư mà còn là tiêu chí quan trọng để nâng cấp thị trường Việt Nam lên trạng thái Thị trường Mới nổi theo chuẩn FTSE Russell.

Phác họa lộ trình nâng hạng thị trường theo chuẩn FTSE Russell
Sơ đồ ước tính thời gian nâng hạng. Nguồn Chứng khoán Mirae Asset

FTSE Russell chia làm 4 phân hạng: Developed, Advanced Emerging, Secondary Emerging và Frontier.

Theo đánh giá tháng 3/2024 của FTSE, Việt Nam hiện nằm trong danh sách theo dõi nhằm nâng hạng lên Secondary Emerging từ tháng 9/2018. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng như một vài tiêu chí còn bất cập nên mục tiêu chưa hoàn thành. Hiện Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi với vai trò cận biên và được kỳ vọng phân loại lại lên Secondary Emerging. Hoạt động đánh giá lại sẽ được FTSE thực hiện tiếp tục vào đầu tháng 10/2024, và 2 kỳ năm 2025: tháng 3 và tháng 9.

Cũng theo đợt đánh giá này, Việt Nam vẫn còn tiêu chí hạn chế để nâng hạng thị trường, việc tháo gỡ vướng mắc từ việc yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, cũng như cải thiện quy trình mở mới tài khoản sẽ kỳ vọng nhiều chuyển biến tích cực, là nhân tố hỗ trợ để hiện thực hóa lên thị trường mới nổi.

Phác họa lộ trình nâng hạng thị trường theo chuẩn FTSE Russell
Tiêu chí thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE

Theo Chứng khoán Mirae Asset, quy mô vốn hóa của VN-Index đạt hơn 213 tỷ USD, khá tương đồng với vài quốc gia được phân bổ tỷ trọng thấp trong danh mục FTSE Emerging markets Index. Tiêu biểu như quy mô vốn hóa thị trường Chile đạt 170 tỷ USD (T6/2024). Công ty Chứng khoán này ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong rổ sẽ ở mức khoảng 0,6% khi được thêm vào chính thức.

Tiêu biểu, Vanguard FTSE Emerging Markets ETF với quy mô gần 79 tỷ USD. Với tỷ trọng phân bổ 0,6%, Việt Nam có thể được giải ngân ở khoảng 474 triệu USD. Dòng tiền ngoại chảy vào Việt Nam không những đến từ những quỹ sử dụng chỉ số FTSE Emerging markets Index làm tham chiếu, mà còn những quỹ khác khi thị trường được nâng hạng.

Phác họa lộ trình nâng hạng thị trường theo chuẩn FTSE Russell
Tổng hợp một số quỹ ETF sử dụng FTSE Emerging markets Index làm tham chiếu. Ước tính Việt Nam có thể nhận đầu tư khoảng 516 triệu USD.

Nhóm chuyên gia Mirae Asset đánh giá, đa phần các thị trường trước thời điểm nâng hạng chính thức 1- 2 năm, thị trường chứng khoán đều có dấu hiệu bật tăng. Cụ thể: Qatar tăng hơn 45% từ (T9/2013-T9/2014), Saudi Arabia tăng hơn 23% (T3/2017-T3/2018), Romania tăng hơn 18% từ (T9/2018-T9/2019).

Phác họa lộ trình nâng hạng thị trường theo chuẩn FTSE Russell
Đa phần các thị trường trước thời điểm nâng hạng chính thức 1- 2 năm

Với kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng thành công trong thời gian tới, các chuyên gia cũng “điểm tên” một vài mã cổ phiếu được cho là tiềm năng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điển hình như: HPG, VIC, VHM, VNM, MSN, VCB, SSI, VRE, VJC, KBC, SHB, EIB… và nhiều công ty lớn khác.

Chứng khoán SSI đã dự đoán rằng Việt Nam sẽ được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025. Khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi, ước tính sơ bộ dòng vốn từ các quỹ ETF có thể đạt khoảng 1,7 tỷ USD, chưa kể đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ này gấp 5 lần so với quỹ ETF).

Theo nhận định của SSI, các cổ phiếu VNM, VHM, VIC, HPG, VCB, SSI, MSN, VND, DGC, VRE, VCI có thể thu hút dòng tiền lớn Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Đây đều là những cổ phiếu Bluechips đầu ngành nhưng chưa kín room ngoại.

Việc tháo gỡ những khó khăn chính trong quá trình nâng hạng dự kiến sẽ là chất xúc tác quan trọng, giúp đảo ngược tình trạng rút ròng của vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam 1 năm. Dòng vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư và NĐTNN lớn trên thế giới. Đồng thời, cải thiện khả năng định giá cổ phiếu nhờ có sự đánh giá của nhiều NĐT nước ngoài chuyên nghiệp, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp.

Việc cải thiện định giá này sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hoá, giúp cho việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có thể thu được nguồn thu cao hơn cho Ngân sách Nhà nước.

Nhờ đó, TTCK không chỉ gia tăng số lượng nhà đầu tư mà chất lượng của nhà đầu tư cũng sẽ được nâng cao với sự tham gia của các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn. Đi kèm theo đó là nội tại các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước chịu áp lực buộc phải nâng cao chất lượng doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của NĐTNN theo chuẩn mực quốc tế.

Long Nguyễn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán