“Phá băng” xử lý nợ

(Banker.vn) Cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế thuận lợi cho việc tiến hành các thủ tục pháp lý trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để nợ xấu được xử lý có hiệu quả hơn, từ đó đưa hệ thống ngân hàng phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn.

Ngày 30/3, Câu lạc bộ xử lý nợ (AMC) thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức hội nghị quý I/2021. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Đoàn Văn Thắng - thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), Chủ nhiệm Câu lạc bộ xử lý nợ (AMC) cùng đông đảo các thành viên của Câu lạc bộ.

Quy định pháp luật về xử lý nợ còn chưa phù hợp, thiếu đồng bộ

Bà Đặng Thị Thu Phương - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc VietinBank AMC chi nhánh Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ AMC - cho biết, sau khi Câu lạc bộ gửi phiếu khảo sát ý kiến đóng góp đối với các quy định pháp luật hiện hành về xử lý nợ tới các hội viên đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đơn vị như ABBank AMC, Agribank AMC, VietinBank AMC…. Các ý kiến đã nêu bật một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xử lý nợ cũng như kiến nghị những giải pháp phù hợp.

Cụ thể, theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42 - PV) quy định tại Khoản 2 Điều 7 về một trong các điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm, trong đó có điều kiện: “Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo quy định trên, trong hợp đồng bảo đảm phải ghi nhận điều khoản về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đa số các Hợp đồng thế chấp lập trước ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực thi hành thì đều không có thỏa thuận điều khoản này, do đó phần lớn các tổ chức tín dụng hiện nay căn cứ vào điều khoản thỏa thuận tại Hợp đồng thế chấp là “Quyền xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật” để thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Bên cạnh đó, nếu Hợp đồng bảo đảm không thỏa thuận cụ thể về quyền thu giữ hoặc có thỏa thuận những nội dung không rõ ràng thì có thể gây bất lợi cho các tổ chức tín dụng trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện quyền lợi của mình. Nghị quyết 42 cũng không quy định Quyền thu giữ tài sản bảo đảm sau khi các AMC của tổ chức tín dụng/khách hàng mua nợ từ tổ chức tín dụng khác hoặc khách hàng mua lại nợ từ các AMC của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, theo quy định Khoản 5 Điều 323 Bộ luật Dân sự hiện hành về việc bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Tuy nhiên, quy định tại Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015 cho thấy: nếu như người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm chỉ có quyền yêu cầu toà án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Như vậy, bên nhận bảo đảm không còn quyền thu giữ tài sản bảo đảm như quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm trước đây, mà phải khởi kiện ra tòa, khi có bản án của tòa có hiệu lực thi hành mới được quyền thu giữ tài sản để xử lý. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc thực hiện quyền xử lý tài sản bảo đảm.

Bà Phương cho rằng, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể để giải quyết triệt để các vướng mắc liên quan đến hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42. Trước mắt cần ban hành nghị định về thị trường mua bán nợ. Theo đó, Chính phủ cần cho phép các tổ chức, cá nhân, định chế tài chính phi ngân hàng… tham gia vào thị trường này.

Bên cạnh đó, để đảm bảo thị trường mua bán nợ vận hành hiệu quả hơn, cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát chặt chẽ thị trường mua bán nợ trên cơ sở hệ thống văn bản pháp lý hoàn thiện về hoạt động mua bán nợ, trong đó có tài sản bảo đảm. Đó là xây dựng cơ chế thuận lợi cho việc tiến hành các thủ tục pháp lý trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm như: hợp thức hóa các tài sản chưa rõ ràng về pháp lý để xử lý, chuyển nhượng; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tố tụng, thi hành án theo hướng rút ngắn thời gian, thủ tục giải quyết các vụ kiện dân sự liên quan đến đòi nợ; khuyến khích mọi đối tượng tham gia vào thị trường để tối đa hóa nguồn vốn nhàn rỗi; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động mua bán nợ xấu nhằm gia tăng nguồn vốn nước ngoài trên thị trường mua bán nợ.

Bà Đặng Thị Thu Phương - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc VietinBank AMC chi nhánh Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ AMC phát biểu

Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ AMC cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần hướng dẫn việc thực hiện thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân trong trường hợp chuyển nhượng tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu, bảo đảm tính thực thi cho quy định về "thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm", đảm bảo quyền lợi của bên mua. Đồng thời, Bộ Tài chính cần nghiên cứu sửa đổi quy định tại Thông tư 27/2002/TT-BTC phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về ủy thác/ủy quyền xử lý nợ giữa ngân hàng thương mại và các AMC trực thuộc.

Để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các AMC và hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực xử lý nợ, nhà nước cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động này trong thời gian tới. Cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế thuận lợi cho việc tiến hành các thủ tục pháp lý trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để nợ xấu được xử lý có hiệu quả hơn, từ đó đưa hệ thống ngân hàng phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - đánh giá cao hoạt động của Câu lạc bộ AMC dù mới được thành lập khoảng 6 tháng, trong bối cảnh hoạt động xử lý nợ gặp vô cùng khó khăn. Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng như là “thượng phương bảo kiếm” để cho VAMC và AMC của các tổ chức tín dụng có được hành lang pháp lý thực hiện.

Theo ông Hùng, sau 4 năm VAMC thành lập và hoạt động thì Nghị quyết 42 mới được ban hành. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, tổng nợ gốc VAMC đã mua là rất lớn, hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức tín dụng. Thống kê đến hết năm 2020, VAMC đã mua tổng nợ khoảng 363.000 tỷ đồng, trong đó, số nợ xử lý theo Nghị quyết 42 là 283.000 tỷ đồng, chiếm 85% tổng số nợ đã xử lý. 

Ngoài Nghị quyết 42 của Quốc hội thì hành lang pháp lý còn có Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai 2013…, nhưng công tác mua bán và xử lý nợ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do các quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp.

“Việc xử lý nợ thế nào, thu nợ tài sản ra làm sao, phát mãi tài sản thế nào cũng là vấn đề khó khăn. Chính vì thế việc ra đời Câu lạc bộ AMC là hết sức quan trọng, tập hợp các hội viên để nêu lên những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước ban hành các quy định phù hợp”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng cho biết thêm, Câu lạc bộ AMC trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên trên cơ sở các quy định của pháp luật, đồng thời nắm bắt để phản ánh kịp thời tới các cơ quan quản lý nhà nước, tới các bộ, ngành và Chính phủ thông qua Hiệp hội với vai trò trung gian.

Cũng theo ông Hùng, vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo liên quan vấn đề hợp đồng tín dụng và xử lý tài sản bảo đảm. Đây là hội thảo rất có ý nghĩa bởi nhiều vấn đề vướng mắc đã được làm rõ. Sắp tới, Câu lạc bộ AMC cần tổ chức thêm nhiều hội thảo, tọa đàm về xử lý nợ xấu, về thi hành án… để giải quyết tốt vấn đề xử lý nợ cho các tổ chức tín dụng.

Sàn giao dịch mua bán nợ góp phần tạo dựng thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp

Để đảm bảo xác định chính xác mức giá giao dịch trên thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước cần thúc đẩy việc xây dựng hệ thống cơ sở xác định giá trị khoản nợ, quy định cụ thể phương thức mua bán nợ. Cùng với đó, phải hình thành và phát triển các công ty định giá độc lập để tiến hành xác định giá trị các khoản nợ và tiến tới xem xét tổ chức thị trường tập trung dưới dạng một sàn giao dịch trực tuyến. Việc mua bán được thực hiện thông qua đấu giá công khai. Sau khi đấu giá thành công, các bên sẽ tiến hành các thủ tục theo trình tự để chuyển quyền sở hữu theo luật định.

Ông Đoàn Văn Thắng - thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC), Chủ nhiệm Câu lạc bộ xử lý nợ (AMC) phát biểu

Ông Đoàn Văn Thắng - thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC), Chủ nhiệm Câu lạc bộ xử lý nợ (AMC) - cho biết, sàn giao dịch mua bán nợ là bước đột phá và sau khi trao đổi với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều nhận được sự tư vấn ủng hộ. Sàn giao dịch dù đang còn sơ khai nhưng đó là một cái “chợ” giao dịch, VAMC với vai trò là người tổ chức phải xây dựng được "chợ” với khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh hoạt động và bản thân VAMC phải tạo ra được những “hàng hóa” chuẩn.

“Thị trường mua bán nợ ở Việt Nam chưa phải thị trường minh bạch. Chính vì thế, sàn giao dịch nợ là hướng tới sự minh bạch. Để đi vào hoạt động sẽ không dễ dàng, nhưng đó là việc phải làm”, ông Thắng bày tỏ.

Được biết, do Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, số lượng đơn vị tham gia mua bán nợ còn hạn chế, chủ yếu là công ty xử lý nợ của các ngân hàng thương mại (AMC), VAMC, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC)… nhiều khoản nợ không dễ xử lý. Việc tạo lập khung pháp lý hoàn chỉnh là vấn đề cốt lõi nhằm phải tạo điều kiện để nhiều đối tượng, thành phần cùng tham gia.

Ngày 19/10/2020, Câu lạc bộ xử lý nợ (Câu lạc bộ AMC), trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chính thức được thành lập, gồm 22 hội viên.

Mục tiêu hoạt động của Câu lạc bộ AMC là tạo môi trường để các hội viên đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động mua bán xử lý nợ; góp phần tích cực vào việc tháo gỡ các nút thắt trong vấn đề xử lý nợ xấu; hình thành cầu nối quan trọng giữa cơ quan Nhà nước với các cá nhân tổ chức hoạt động trong lĩnh vực mua, bán và xử lý nợ và là cơ sở cho việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường mua, bán nợ tại Việt Nam trong tương lai.

Minh Hoàng 

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: