PGBank biến động nhân sự thượng tầng trước thềm thoái vốn

(Banker.vn) Việc biến động nhân sự ở thượng tầng của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) khiến nhà đầu tư quan tâm khi mà ngân hàng này đang trong tình trạng cổ đông lớn Petrolimex muốn thoái vốn và mối duyên với những "ông lớn" ngân hàng đều khép lại.
PGBank tiếp tục có biến động nhân sự thượng tầng trước thềm thoái vốn (Ảnh minh họa)

PGBank tiếp tục có biến động nhân sự thượng tầng trước thềm thoái vốn

(Ảnh minh họa)

Theo đó, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank - Mã: PGB) vừa thông báo thay đổi nhân sự cấp cao. Cụ thể, Ngân hàng đã chấp thuận nguyện vọng thôi đảm nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc của ông Nguyễn Mạnh Hải kể từ ngày 16/9/2022.

Hội đồng quản trị (HĐQT) PGBank cũng miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc của bà Đỗ Thị Đức Minh kể từ ngày 19/9. Bà Minh cũng sẽ không còn đảm nhiệm chức danh Người phụ trách Quản trị Ngân hàng; Thư ký HĐQT; Chánh Văn phòng HĐQT, Thành viên Uỷ ban quản lý rủi ro. Lý do miễn nhiệm là bà đã có đơn xin nghỉ việc.

Trước đó, ngày 10/8, HĐQT PGBank cũng nhận được đơn xin từ nhiệm của bà Trần Vân Hương - Thành viên Ban kiểm soát. Trong đơn, bà Hương bày tỏ vì lý do cá nhân nên xin phép không thực hiện nhiệm vụ Thành viên BKS từ ngày 1/9.

Biến động nhân sự tại PGBank khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm khi cổ đông lớn của ngân hàng là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang chuẩn bị thoái vốn. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến trong quý III, tuy nhiên đã gần hết tháng 9 nhưng kế hoạch này chưa được tiến hành.

Trên thực tế, kế hoạch thoái vốn tại PGBank đã được Petrolimex công bố từ lâu. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, thương vụ này vẫn chưa thể hoàn tất. Hiện Tập đoàn này sở hữu 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% cổ phần của PGBank.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của PGBank, Petrolimex cho biết sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại ngân hàng thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

PGBank từng được rất nhiều ngân hàng lớn quan tâm như VietinBank, MB, HDBank đều và thậm chí đã có kế hoạch sáp nhập PGBank. Tuy nhiên, những “mối duyên” này đến cuối cùng đều không thành công.

Hồi tháng 5/2015, PGBank và VietinBank đã tổ chức lễ ký kết hồ sơ sáp nhập. Song đến đầu tháng 4/2018, VietinBank bất ngờ thông báo hai bên đã có thỏa thuận tạm dừng giao dịch sáp nhập.

Năm 2018, kế hoạch sáp nhập giữa HDBank và PGBank được công bố và cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc. Dù vậy, đến năm 2021, việc sáp nhập PGBank lần nữa thất bại.

Trong trạng thái chờ sáp nhập, chờ Petrolimex thoái vốn những năm qua, kết quả kinh doanh của PGBank không có bứt phá và còn ảnh hưởng tới đội ngũ nhân sự của nhà băng này.

Năm 2022, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 430 tỷ đồng, tăng 33,1% so với mức thực hiện năm 2021. PGBank dự kiến tổng tài sản tăng trưởng 7,7% đạt 43.659 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng kế hoạch đến 31/12/2022 đạt 29.885 tỷ đồng, tăng trưởng 8,7%. Tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì dư nợ tín dụng chỉ tăng 7% do ngân hàng dự kiến thu hồi toàn bộ 430 tỷ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Mục tiêu huy động vốn (thị trường 1 và thị trường 2) đến 31/12/2022 đạt 38.453 tỷ đồng, tăng 7,8%; trong đó, huy động thị trường 1 dự kiến tăng 6% đạt 30.848 tỷ đồng, tăng 9,9%.

Trong khi đó, tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 245,2 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước và đạt 57% kế hoạch năm.

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản ngân hàng đạt 39.636,9 tỷ đồng, giảm 2,1% so với đầu năm. Cho vay khách hàng cũng giảm 4,4% xuống còn 26.271,7 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 2,52% lên 2,67%.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục