PG Bank: Loạt nhân sự cấp cao gửi đơn từ nhiệm

(Banker.vn) Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, UPCoM: PGB), ngân hàng đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ của nhiều nhân sự cấp cao gồm ông Oliver Schwarzhaupt - Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT); ông Nilesh Banglorewala - Thành viên HĐQT độc lập và bà Dương Ánh Tuyết - Thành viên Ban Kiểm soát.

Được biết, cách đây không lâu PG Bank cũng đã nhận được đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Tuấn Vinh khỏi vị trí Trưởng Ban và xin rút khỏi vị trí thành viên của Ban Kiểm soát. Ngân hàng cho biết thời điểm có hiệu lực với việc từ nhiệm khỏi vị trí Trưởng Ban Kiểm soát là ngày 31/7/2023 còn việc rút khỏi Ban Kiểm soát cần sự thông qua của Đại hội đồng cổ đông thường niên.

PG Bank: Loạt nhân sự cấp cao gửi đơn từ nhiệm
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, UPCoM: PGB). Ảnh: Internet

Việc phê duyệt các đơn từ nhiệm này sẽ được đại hội đồng cổ đông bất thường xem xét thông qua vào ngày 23/10/2023.

Tại ĐHĐCĐ bất thường lần này, ngoài việc kiện toàn bộ máy nhân sự của HĐQT và Ban Kiểm soát, PG Bank sẽ xem xét các vấn đề về tăng vốn điều lệ, thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính của ngân hàng. Đồng thời, xem xét thông qua về phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Danh sách cổ đông tham gia đại hội đã được chốt vào ngày 15/8/2023.

Được biết, sau đợt thoái vốn của Petrolimex, PG Bank đã có loạt thay đổi ở dàn lãnh đạo cấp cao. Ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Tổng Giám đốc PG Bank, sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ngân hàng từ ngày 3/7/2023 thay cho Chủ tịch ngoại Oliver Schwarzhaupt vừa được bổ nhiệm cách đó hai tháng.

Cùng với đó, ông Phạm Mạnh Thắng, sếp cũ của Vietcombank, chính thức giữ vị trí Quyền Tổng Giám đốc kể từ ngày 2/7/2023 thay cho ông Nguyễn Phi Hùng.

Số cổ phần của Petrolimex được ba cổ đông tổ chức nắm giữ chiếm khoảng 40% vốn của PG Bank. Ba cái tên được nhắc đến trong thương vụ thoái vốn này là Công ty CP Quốc Tế Cường Phát (mua 40,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 13,54%); Công ty CP Thương Mại Vũ Anh Đức (hơn 40 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 13,36%); Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Và Phát Triển Thương Mại Gia Linh (39,3 triệu cổ phiếu, sở hữu 13,1%).

Về tình hình kinh doanh của PG Bank, theo dữ liệu tài chính hợp nhất quý 2/2023, PG Bank ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 341 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Các nguồn thu ngoài lãi đều giảm so cùng kỳ, như lãi từ dịch vụ giảm 7% về mức gần 16 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 25% về mức 8,3 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác giảm 24% về mức 11,8 tỷ đồng. Trong kỳ, Ngân hàng không ghi nhận thu nhập từ mua bán chứng khoán, đầu tư và chứng khoán kinh doanh. Chi phí hoạt động ghi nhận hơn 179 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, PG Bank chỉ trích hơn 48 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 35% so với cùng kỳ, do đó PG Bank lãi trước thuế hơn 150 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, nguồn thu chính tăng 25% so với cùng kỳ, đạt gần 681 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Trong khi đó, các nguồn thu ngoài lãi biến động không đáng kể.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận của PG Bank chủ yếu đến từ việc cắt giảm chi phí dự phòng, PG Bank trích gần 87 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm, giảm 39%. Do đó, lợi nhuận trước thuế tăng 24% lên mức 303 tỷ đồng.

Như vậy, so với kế hoạch lãi trước thuế 530 tỷ đồng đặt ra cho cả năm 2023, PG Bank đã hoàn thành được 57% mục tiêu sau 6 tháng đầu năm.

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản Ngân hàng thu hẹp 4% so với đầu năm, chỉ còn gần 46.987 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt còn 193 tỷ đồng, giảm 42% so với thời điểm đầu năm.

Tiền gửi các tổ chức tín dụng khác giảm 3% còn 10.804 tỷ đồng, cho vay khách hàng ghi nhận 30.249 tỷ đồng, không biến động nhiều so với con số 29.050 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm.

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tại thời điểm ngày 30/6/2023 ghi nhận hơn 839 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 66% tương ứng 551 tỷ đồng dù có giảm, nợ dưới tiêu chuẩn là nhóm tăng mạnh nhất (2,4 lần). Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,56% đầu năm lên 2,77%.

Trên thị trường chứng khoán, trong tháng 7, cổ phiếu PGB của PG Bank gây chú ý khi có phiên giao dịch lịch sử với thanh khoản lớn nhất từ trước đến nay, gần 52% vốn PGB được “sang tay” thoả thuận trong phiên ngày 11/7.

Trong số 155 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng này, chỉ mới có gần 8 triệu cổ phiếu được công bố thông tin do là giao dịch của người nhà Phó Tổng Giám đốc, Ủy viên HĐQT ông Đinh Thành Nghiệp, người đang sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu PGB, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,03%.

Tại thời điểm 9h50 ngày 28/8/2023, hiện cổ phiếu PGB của PG Bank đang được giao dịch ở mức 29.000 đồng/cp, tăng khoảng 79% so với thời điểm đầu năm (16.200 đồng/cp).

Đình Đức

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán