Petrolimex thoái toàn bộ vốn và câu chuyện "lỡ dở" của PG Bank

(Banker.vn) Việc thoái vốn của Petrolimex khỏi PG Bank có lẽ phải bắt nguồn từ chính câu chuyện sáp nhập của nhà băng này. Thương vụ kéo dài và liên tục thất bại khiến Petrolimex tỏ ra sốt ruột vì doanh nghiệp này đang chịu áp lực phải thoái phần vốn góp tại PG Bank do vượt quá tỷ lệ theo quy định.

Mới đây, ngày 18/7, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, UPCoM: PGB) nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của cổ đông lớn Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) tại PG Bank thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến trong quý 3/2022.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2022 của PG Bank đã thông qua việc điều chỉnh tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên UPCoM từ 30% về 2% vốn điều lệ PG Bank. Mục đích của việc điều chỉnh nhằm đảm bảo đợt chào bán ra công chúng của cổ đông lớn là Petrolimex không vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Mức room này sẽ được áp dụng đến khi Petrolimex nhận được công văn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời về kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng của Tập đoàn. Thời điểm cuối năm 2021, khoản đầu tư vào PG Bank của Petrolimex có giá trị gần 1.673 tỷ đồng, ứng với tỷ lệ sở hữu 40,57%.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/7, cổ phiếu PGB bất ngờ tăng trần lên mức 21.000đ/cp. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 12 nghìn đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu PGB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Câu chuyện "lỡ dở" của PG Bank

Việc thoái vốn của Petrolimex khỏi PG Bank có lẽ phải bắt nguồn từ chính câu chuyện sáp nhập của nhà băng này. Thương vụ kéo dài và liên tục thất bại khiến Petrolimex tỏ ra sốt ruột vì doanh nghiệp này đang chịu áp lực phải thoái phần vốn góp tại PG Bank do vượt quá tỷ lệ theo quy định. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, VietinBank đã thông qua phương án sáp nhập PG Bank qua phương thức hoán đối cổ phiếu theo tỷ lệ 1:0.9 (tức 1 cổ phiếu PGB đổi 0,9 cổ phiếu CTG). Thời điểm đó, lãnh đạo VietinBank cho biết đã hoàn thành hợp đồng sáp nhập trong 3 tháng đầu năm 2015, dự kiến NHNN sẽ đưa ra chấp thuận về mặt cơ bản vào tháng 6/2015. Tuy nhiên, đến năm 2017, việc sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa thể hoàn tất. Đến đầu tháng 4/2018, VietinBank bất ngờ thông báo hai bên đã có thỏa thuận tạm dừng giao dịch sáp nhập.

Đến kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2018, HDBank bổ sung tờ trình phương án sáp nhập PG Bank vào chương trình đại hội. Theo đề án, tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1:0.621 (1 cổ phiếu PG Bank hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDB). Sau sáp nhập, toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của PG Bank sẽ được chuyển đổi sang HDBank, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của PGBank. Theo kế hoạch đề ra, việc bàn giao, sáp nhập sẽ được hoàn tất trong tháng 8/2018.

Đến ĐHĐCĐ 2021 của HDBank, việc sáp nhập của PG Bank lần nữa thất bại khi ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, lý giải việc chấm dứt sáp nhập PGBank vào HDBank.

Trước đó, ngày 07/09/2018, NHNN đã có chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập PGBank vào HDBank. Sau đó, HDBank trình tiếp hồ sơ xin chấp thuận chính thức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, NHNN vẫn chưa có chấp thuận chính thức sau đó.

Ngày 02/06/2020, Petrolimex đã gửi công văn đến HDBank thông báo sẽ thực hiện thoái vốn tại PG Bank theo quy định, trong trường hợp phương án sáp nhập không được chấp thuận trước ngày 31/08/2020. Đồng thời, PG Bank đã đề nghị chấm dứt việc sáp nhập theo công văn ngày 22/02/2021. Do vậy, chiến lược sáp nhập HDBank và PG Bank không còn phù hợp, phải dừng lại việc sáp nhập.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán