PAN Group lần đầu báo lãi nghìn tỷ, còn đó không ít thách thức

(Banker.vn) PAN Group vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với doanh thu đạt 16.184 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 40,5%. Đây là mức kỷ lục và là lần đầu doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận vượt mốc 1.000 tỷ đồng, vượt xa kỳ vọng nhờ biên lợi nhuận cao trong mảng thủy sản và thực phẩm.

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc đáng chú ý trong hành trình phát triển của Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN Group, HOSE: PAN) khi tập đoàn này tiếp tục khẳng định vị thế trong ngành nông nghiệp và thực phẩm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 chưa qua kiểm toán, PAN Group ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.267 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong quý đạt 427 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 18%. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 231 tỷ đồng, tăng 13% và là mức cao nhất kể từ khi tập đoàn đi vào hoạt động.

PAN Group lần đầu báo lãi nghìn tỷ, còn đó không ít thách thức
Nhiều công ty thành viên của PAN Group cũng ghi nhận kết quả ấn tượng trong năm 2024

Theo PAN Group, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các mảng kinh doanh trọng điểm. Đặc biệt, lĩnh vực thủy sản với các sản phẩm tôm và cá tra xuất khẩu ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ. Biên lợi nhuận gộp của ngành này đạt từ 30% đến 40%, nhờ vào chiến lược tích trữ nguyên liệu giá rẻ từ giữa năm, kết hợp với việc hoàn thành các đơn hàng giá trị gia tăng cao. Doanh số trong mảng thủy sản quý IV tăng trưởng 8%, nhưng lợi nhuận trước thuế lại tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Ngoài ra, mảng thực phẩm đóng gói ghi nhận mức tăng trưởng doanh số 13%, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế lại giảm nhẹ 2%.

Xét tổng thể cả năm, PAN Group đạt doanh thu thuần 16.184 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023 và vượt 9% kế hoạch đặt ra. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn lần đầu tiên vượt mốc nghìn tỷ, đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 40,5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 594 tỷ đồng, tăng 46% và vượt 33% mục tiêu.

PAN Group lần đầu báo lãi nghìn tỷ, còn đó không ít thách thức
Nguồn: BCTC PAN Group

Trong năm 2024, bên cạnh hoạt động kinh doanh chính, PAN Group cũng thu về hơn 430 tỷ đồng lãi từ tiền gửi ngân hàng. Tính đến cuối năm, quy mô tài sản của tập đoàn đạt 23.853 tỷ đồng, trong đó 2.974 tỷ đồng là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Khoản chứng khoán kinh doanh của PAN tăng mạnh 48% so với đầu năm, đạt gần 9.900 tỷ đồng. Đây chủ yếu là các khoản đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn ngắn, mang lại mức lãi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, chi phí tài chính của tập đoàn cũng không hề nhỏ, lên tới 591 tỷ đồng, bao gồm chi phí lãi vay, lỗ tỷ giá và các chi phí khác. Tổng dư nợ vay cuối kỳ của PAN là 11.700 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nguồn vốn.

Dù dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2024 âm hơn 1.600 tỷ đồng, đây vẫn là một cải thiện đáng kể so với mức âm 4.268 tỷ đồng của năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu là do PAN tiếp tục đầu tư mạnh vào chứng khoán kinh doanh, chiến lược được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn trong tương lai.

Giải thích cho thành công này, PAN Group cho biết, năm 2024 là thời điểm các yếu tố đầu vào như chi phí vận tải, nguyên vật liệu và thức ăn chăn nuôi giảm nhiệt đáng kể so với năm trước. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để các công ty thành viên tận dụng, tích trữ và thu mua nguyên liệu giá thấp, cải thiện biên lợi nhuận. Ngoài ra, việc mở rộng thị trường và phát triển các sản phẩm mới cũng góp phần không nhỏ vào kết quả kinh doanh khả quan của tập đoàn.

Một số công ty thành viên của PAN Group cũng ghi nhận kết quả nổi bật trong năm 2024. Trong đó, Công ty CP Khử trùng Việt Nam (VFC) đạt tăng trưởng doanh số 7%, nhưng lợi nhuận trước thuế tăng tới 52%. Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) tăng doanh số 36% và lợi nhuận trước thuế 39%. Tương tự, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) đạt tăng trưởng 8% doanh số và 30% lợi nhuận trước thuế. Trong mảng thực phẩm, Công ty CP Bibica (BBC) và Công ty CP Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (Lafooco) cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt đạt 24% và 57% về lợi nhuận trước thuế.

Bước sang năm 2025, PAN Group kỳ vọng các mảng kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tập đoàn dự báo các thị trường mới và sản phẩm mới sẽ tạo động lực mạnh mẽ, trong khi những nhiễu động của thị trường vào cuối năm 2024 sẽ dần lắng xuống. Các giống lúa mới của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, một thành viên chủ chốt, dự kiến sẽ chính thức được đưa ra thị trường, tạo thêm giá trị gia tăng. Trong lĩnh vực thủy sản, giá bán tôm được kỳ vọng phục hồi, trong khi tỷ trọng các sản phẩm cao cấp sẽ tiếp tục tăng, giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Dù vậy, PAN Group cũng đối mặt với không ít thách thức. Các chính sách thương mại và thuế quan của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, sẽ trở nên rõ ràng hơn sau quý I/2025. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng nội địa phục hồi sau giai đoạn khó khăn năm 2024 sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong mảng thực phẩm đóng gói. Các thương hiệu như Bibica, Lafooco và SHIN Cà phê đang nỗ lực khai thác thêm các kênh phân phối mới để tối ưu hóa tiềm năng thị trường.

Công ty bất động sản của Hoàng Huy Group báo lãi giảm mạnh, tồn kho vượt mức 6.000 tỷ đồng

Công ty Bất động sản CRV, thành viên của Hoàng Huy Group, ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3 năm tài chính 2024 giảm ...

SSI báo lãi vượt kế hoạch, vốn điều lệ trở lại top đầu ngành chứng khoán

Chứng khoán SSI báo doanh thu hợp nhất 8.704 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.536 tỷ đồng trong năm 2024, hoàn thành vượt ...

Thu Hà

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục