Ông Trump trở lại Nhà Trắng có “phá vỡ bế tắc” ở Trung Đông?

(Banker.vn) Ông Trump khi còn là Tổng thống từng muốn rút quân đội Mỹ khỏi Trung Đông, viễn cảnh ông tái đắc cử khiến các đồng minh cũ vui mừng nhưng cũng gây bất ổn.
Thăm dò bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ tin ông Trump sẽ thắng ông Biden Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Ông Donald Trump hé lộ ''chiến lược mới'' với Tổng thống Joe Biden Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Ẩn ý đằng sau lời khen của ông Trump dành cho Tổng thống Biden

Israel - đồng minh thân cận nhưng nhiều bất ổn

Trong thời gian ở Nhà Trắng, cựu Tổng thống Trump được coi là một tổng thống đặc biệt thân thiện với Israel. Năm 2020, cùng với Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã trình bày “kế hoạch thế kỷ” vì hòa bình ở Trung Đông, một thỏa thuận rõ ràng có lợi cho Israel và công nhận các khu định cư ở Bờ Tây là hợp pháp. Nhưng 4 năm sau, giữa chiến dịch tái tranh cử, những tuyên bố của ông Trump về Israel và cuộc chiến ở Dải Gaza đã gây hoang mang. Một mặt, ông chỉ trích gay gắt Tổng thống Biden vì đã từ chối chuyển vũ khí do chiến dịch quân sự của Israel ở Rafah. Mặt khác, khi trao đổi với tờ Israel Hayom vào cuối tháng 3, ông Trump nói Israel đã mất phần lớn sự hỗ trợ quốc tế.

Ông Trump trở lại Nhà Trắng có “phá vỡ bế tắc” ở Trung Đông?
Các cuộc khảo sát cho thấy ông Trump đang chiếm ưu thế trước Tổng thống Biden ở nhiều bang chiến trường có khả năng định đoạt kết quả bầu cử Mỹ. Ảnh: AP

Phe cánh hữu chính trị của Israel vẫn hy vọng vào sự trở lại của ông Trump bởi họ cho rằng ông sẽ trao quyền tự do cho Nhà nước Do Thái trong cuộc chiến với Hamas và sẽ không nhất quyết đòi thành lập Nhà nước Palestine. Ít nhất thì hi vọng thứ 2 có vẻ chắc chắn. Vào tháng 2, con rể của ông Trump, Jared Kushner, đã bình luận về cuộc chiến ở Dải Gaza. Kushner cho rằng, việc thành lập Nhà nước Palestine là “một ý tưởng hết sức tồi tệ” và đồng nghĩa với việc tưởng thưởng cho hành động khủng bố. Bất chấp những tuyên bố mâu thuẫn của ông Trump, có thể giả định nội các của ông và Quốc hội do đảng Cộng hòa lãnh đạo sẽ ít nhấn mạnh hơn vào quyền của người Palestine và sẽ không đặt câu hỏi về viện trợ quân sự cho Israel.

Vùng Vịnh và những thử thách mới

Khi ông Trump trở thành tổng thống vào năm 2016, nơi đầu tiên ông đặt chân đến là Saudi Arabia. Ở Riyadh, ông được chào đón “như một vị vua” với những tấm áp phích hoành tráng. Người ta đặt câu hỏi liệu điều này có xảy ra lần nữa nếu ông tái đắc cử hay không.

Nhiều người cho rằng ông Trump được hưởng lợi từ mối quan hệ thân thiết mà ông và gia tộc đã thiết lập với Thái tử Mohammed bin Salman. Ở Riyadh, được ghi nhận vì đã không ruồng bỏ bin Salman khi ông bị chỉ trích nặng nề sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Đổi lại, Thái tử sau đó đã cứu công ty đầu tư của con rể ông Trump. Jared Kushner và bin Salman vẫn là bạn bè cho đến ngày nay.

Ngoài đồng minh chính trị, còn có những lý do chính đáng khiến các quốc gia vùng Vịnh hi vọng vào một kỷ nguyên ông Trump mới. Họ vẫn coi Iran là kẻ thù số một và lập trường cứng rắn hơn đối với Tehran sẽ được hoan nghênh. Việc Israel phòng thủ thành công trước cuộc tấn công tên lửa của Iran vào giữa tháng 4 vừa qua cũng chứng tỏ chỉ Mỹ mới có thể cung cấp sự bảo vệ trước tên lửa và thiết bị bay không người lái của Iran. Trên hết, các nhà độc tài vùng Vịnh đánh giá cao ông Trump, coi ông là một chính trị gia tập trung vào kinh doanh.

Nếu ông Trump đắc cử, ông sẽ đối mặt với sự thay đổi về bối cảnh chung ở vùng Vịnh. Các quốc gia vùng Vịnh không còn chỉ hướng về phương Tây. Họ tự coi mình là những chủ thể độc lập trong một thế giới đa cực. Ông Trump được cho cũng góp phần vào xu hướng này khi còn tại nhiệm vào năm 2019, ông đã từ chối hỗ trợ đồng minh Saudi Arabia khi Iran tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia.

Cứng rắn với Iran

Trên cương vị Tổng thống, ông Trump theo đuổi chính sách “gây sức ép tối đa” đối với Iran. Mọi chuyện bắt đầu khi ông đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018 và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Việc rút khỏi thỏa thuận được đàm phán kỹ lưỡng đã khiến Tehran tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân và hiện nay bom nguyên tử đã nằm trong tầm tay của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Nếu ông Trump trở thành Tổng thống một lần nữa, ông có thể sẽ lại cứng rắn hơn với Iran.

Theo đó, nhiều khả năng ông sẽ lại áp dụng cách tiếp cận mang tính kìm hãm hơn đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ đã cho phép Iran xuất khẩu nhiều dầu hơn đáng kể. Mặt khác, ông Biden đưa ra ít thay đổi hơn nhiều so với những gì ông đã hứa. Ông duy trì hầu hết các biện pháp trừng phạt do người tiền nhiệm đưa ra và không quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, mặc dù đã hứa trước cuộc bầu cử.

Ông Trump trở lại Nhà Trắng có “phá vỡ bế tắc” ở Trung Đông?
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Ngày nay, thỏa thuận này không thể hồi sinh. Một thỏa thuận mới, tốt hơn, giống như thỏa thuận mà Trump đã hứa sau khi ông rời nhiệm sở vào năm 2018, hiện còn ít có khả năng xuất hiện hơn so với trước đó. Sức ép dù lớn đến đâu cũng sẽ không thể dẫn tới việc đạt được thỏa thuận với những người theo đường lối cứng rắn, vốn đã kiểm soát mọi trung tâm quyền lực ở Tehran kể từ năm 2021. Ngay cả các nước châu Âu cũng có rất ít thiện chí đàm phán - đặc biệt là sau vụ tấn công tên lửa của Iran vào Israel.

Các biện pháp trừng phạt mới chắc chắn sẽ làm hài lòng các đối thủ của Iran. Nhưng trên thực tế, Mỹ có rất ít đòn bẩy vì đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hầu hết cá nhân, tổ chức và khu vực cần phải bị trừng phạt ở Iran. Do đó, ông Trump chủ yếu có thể gây áp lực lên các nước khác, đặc biệt là ở châu Âu, để cắt đứt các mối quan hệ thương mại còn lại của Iran.

“Vòng luẩn quẩn” Iraq - Syria

Kể từ khi bắt đầu chiến sự ở Dải Gaza, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq và Syria đã một lần nữa thu hút sự chú ý. Lực lượng dân quân thân Iran đã phát động hơn 160 cuộc tấn công vào các căn cứ của Mỹ trong khu vực. Một trong những cuộc tấn công này xảy ra vào cuối tháng 1 vừa qua, khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng. Sau đó, Mỹ đã thực hiện một số cuộc không kích nhằm vào lực lượng dân quân. Kết quả là, các cuộc tranh luận lại nổ ra ở Mỹ về tác dụng của quân đội đồn trú Mỹ hiện diện ở hai nước.

Điều này từ lâu đã trở thành cái gai trong mắt ông Trump và nhiều cử tri. Một trong những lời hứa trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là đưa binh lính Mỹ về nước. Tháng 10/2019, ông thậm chí còn phàn nàn việc đưa quân tới Trung Đông là “quyết định tồi tệ nhất mọi thời đại”. Từ đó đến nay, thái độ của ông khó có thể thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu việc rút quân có phải là một trong những ưu tiên hay không.

Hiện nay có khoảng 900 lính Mỹ ở Syria và 2.500 ở Iraq. Lực lượng này được cử đi chiến đấu với lực lượng dân quân khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Căn cứ al-Tanf ở biên giới Syria-Jordan-Iraq cũng đóng vai trò giám sát một hành lang quan trọng giữa Iran và Liban. Và ở miền Bắc Syria, sự hiện diện của họ nhằm mục đích duy trì sự cân bằng mong manh giữa một bên là người Thổ Nhĩ Kỳ và bên khác là chế độ của Assad ở Syria.

Tuy nhiên, giữa mớ hỗn độn này, ông Trump đã mắc sai lầm về chính sách đối ngoại vào tháng 10/2019. Ông bất ngờ ra lệnh rút quân Mỹ khỏi Đông Bắc Syria. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công chống lại người Kurd mà còn củng cố vị thế của Syria.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương