Vẫn còn quá sớm để xác định liệu việc ông Trump bị kết tội có ảnh hưởng kết quả chung cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 hay không, thế nhưng lịch sử luôn ưu ái người chiến thắng. Trong khi đoàn luật sư biện hộ chuẩn bị kháng án và chờ phán quyết dự kiến vào phiên tòa ngày 11/7 mà trên lý thuyết có thể bao gồm án tù và khoản tiền phạt lớn, giới quan sát đang tìm cách dự báo mức độ ảnh hưởng của phiên tòa đối với chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump.
Ông Trump bị kết tội và tác động đến cuộc bầu cử
Cựu Tổng thống Donald Trump mới đây đã bị kết tội với 34 tội danh liên quan đến việc làm giả hồ sơ kinh doanh, trở thành cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị kết án hình sự. Điều này cũng hứa hẹn mang đến những biến số mới cho cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, việc kết tội có thể khiến ông Trump mất đi sự ủng hộ của một số cử tri, nhưng ngược lại cũng có thể khiến những người ủng hộ cuồng nhiệt hơn.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP |
Tổng thống đương nhiệm Joe Biden tuyên bố, thành tích của ông trong nhiệm kỳ là lý tưởng với các chỉ số thị trường chứng khoán tăng mạnh và tăng trưởng kinh tế tốt. Tuy nhiên, cảm nhận của công chúng lại là một vấn đề khác.
Ông Trump đã trở lại đường đua trong cuộc bầu cử năm nay với chủ trương mở rộng đáng kể quyền lực của tổng thống. Dù vướng vào các vụ kiện tụng nhưng ông vẫn đang dẫn trước Tổng thống Biden.
Vụ án của ông Trump được gọi là "chi tiền bịt miệng" vì trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông đã trả cho một nữ diễn viên “phim người lớn” 130.000 USD thông qua luật sư để yêu cầu cô không đề cập đến vụ ngoại tình năm 2006. Các công tố viên đã đệ trình tổng cộng 34 cáo buộc dựa trên 11 danh sách hóa đơn, 12 chứng từ biên nhận và 11 tờ séc, cáo buộc ông biển thủ quỹ tranh cử và làm sai lệch hồ sơ kinh doanh để chi trả tiền nhằm che đậy vụ việc. Sau đó, vụ án đã được xét xử tại Tòa án quận bang New York.
Bồi thẩm đoàn tuyên bố ông Trump có tội đối với tất cả 34 tội danh vào ngày 30/5 và bản án dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 11/7 tới, tức vài ngày trước khi Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa chính thức đề cử ông Trump làm ứng cử viên tổng thống. Vì vụ án được bang New York, chứ không phải chính phủ liên bang, thụ lý nên chỉ thống đốc mới có quyền ra lệnh ân xá. Ngay cả khi ông Trump trở thành tổng thống thì về mặt lý thuyết, ông không thể tự ân xá cho mình.
Tại Mỹ, người phạm trọng tội có thể bị tử hình hoặc phạt tù trên 1 năm. Theo luật của bang New York, làm giả hồ sơ kinh doanh là trọng tội ở mức độ thấp hơn, với mỗi tội danh có thể bị phạt tới 4 năm tù. Tuy nhiên, vì ông Trump không có tiền án tiền sự nên dư luận bên ngoài cho rằng ít có khả năng ông bị kết án. So với các vụ án ở địa phương, mức hình phạt tương đối phổ biến là phạt tiền hoặc án treo, ngay cả khi bị phạt tù ông chắc chắn sẽ kháng cáo trong nhiều tháng và sẽ không có phán quyết cuối cùng nào được đưa ra trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Ngoài ra, Hiến pháp Mỹ quy định công dân Mỹ từ 35 tuổi trở lên đã sinh sống ở nước này từ 14 năm đều có thể giữ chức tổng thống; chỉ những người bị kết tội nổi dậy mới không được phép tranh cử và hiện không có vụ kiện nào mà ông Trump phải đối mặt liên quan đến cáo buộc nổi dậy. Nói cách khác, việc có bị kết án hình sự hay án tù hay không không ảnh hưởng đến việc ông tranh cử hay giữ chức tổng thống. Tuy nhiên, điều mà dư luận bên ngoài quan tâm nhất trong lúc này là tác động của phán quyết đối với cuộc bầu cử sắp tới.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay là bản sao của năm 2020, với ông Biden của đảng Dân chủ đấu với ông Trump của đảng Cộng hòa. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy ông Trump đang dẫn trước ông Biden về tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc và có một chút lợi thế ở hầu hết các bang dao động.
Theo cuộc thăm dò được thực hiện trước khi phán quyết vụ "chi tiền bịt miệng" được công bố, 67% số người được hỏi cho biết việc ông Trump có bị kết án hay không sẽ không ảnh hưởng đến ý định bỏ phiếu của họ. Trong khi khoảng 17% cho rằng, nếu ông Trump bị kết án, họ khó có thể bỏ phiếu cho ông, nhưng cũng có 15% số người được hỏi cho biết nhiều khả năng họ sẽ bỏ phiếu cho ông.
Việc ông Trump bị kết án sẽ khiến ông mất một số phiếu bầu, nhưng cũng có thể khiến các “fan cứng” của ông được huy động tích cực hơn. Do đó, hiện rất khó phán đoán phán quyết tác động như thế nào đến cuộc bầu cử của ông Trump.
Màn tái đấu “không khoan nhượng”
Giới chức Mỹ đang bị phân cực và xã hội bị chia rẽ nghiêm trọng, đã có lúc các ứng cử viên tổng thống của cả hai đảng cố gắng giành phiếu của các cử tri trung lập. Tuy nhiên, trong các cuộc bầu cử gần đây, các ứng cử viên dựa nhiều vào việc huy động những người ủng hộ cơ bản đi bỏ phiếu hơn là giành phiếu từ các cử tri trung lập.
Những người theo chủ nghĩa tự do và những người bảo thủ có quan điểm hoàn toàn khác nhau về vụ "chi tiền bịt miệng" của ông Trump. Những người theo chủ nghĩa tự do phần lớn cho rằng, phán quyết thể hiện nhà nước pháp quyền và không ai có thể đứng trên luật pháp, trong khi nhiều cử tri bảo thủ cho hay, vụ án là một "cuộc cạnh tranh chính trị".
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden. Ảnh: AP |
Màn tái đấu của ông Trump với ông Biden là một vở kịch cũ, nhưng lại nảy sinh nhiều vấn đề mới. Nhìn lại lịch sử nước Mỹ, hiếm có tổng thống nào tái đắc cử sau khi thất cử. Việc ông Trump bị kết tội không phải là chủ đề mới và ngay cả những người ủng hộ ông cũng biết điều đó. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Biden đã đưa nước Mỹ thoát khỏi đại dịch và dưới sự điều hành của ông, thị trường chứng khoán Mỹ đã đạt những đỉnh cao mới và tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đã vượt 7 nước công nghiệp lớn.
Tuy nhiên, ông thường bị đồn thổi vì vấn đề tuổi tác và đây chắc chắn là yếu tố ảnh hưởng đến nỗ lực tái tranh cử của ông. Triển vọng bầu cử của Tổng thống đương nhiệm không sáng sủa chủ yếu là do dù chỉ số thị trường chứng khoán và dữ liệu kinh tế tươi sáng, nhưng điều này không lại mang lại lợi ích cho những người thuộc tầng lớp thấp hơn vốn đang phải gánh chịu rất nhiều vì lạm phát. Nhiều người làm việc bán thời gian để kiếm sống.
Các cuộc thăm dò cho thấy, nhập cư bất hợp pháp tại biên giới là vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm nhất hiện nay. Điều này thực sự phản ánh tâm trạng lo lắng, bất an mạnh mẽ trong xã hội Mỹ. Người dân đang phải chật vật kiếm sống và lo lắng về việc cạnh tranh việc làm và sự suy giảm an ninh công cộng, do đó họ đặc biệt lo ngại về tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Trump nhiều lần tuyên bố, “nhà nước ngầm” đang kiểm soát đất nước, chính phủ và không ngừng muốn hạ bệ ông. Từ Bộ Ngoại giao đến Bộ Tư pháp, thế lực ngầm xâm nhập khắp nơi.
Đồng thời, ông luôn khẳng định Điều II của Hiến pháp Mỹ trao cho tổng thống “quyền hành pháp tối cao” và không chịu sự ràng buộc của các cơ quan lập pháp và tư pháp. Ngay từ năm 2023, khi chuẩn bị cho cuộc bầu cử, ông Trump đã đe dọa nếu đắc cử, ông sẽ mở rộng đáng kể quyền hành pháp của tổng thống, kể cả việc tăng cường kiểm soát các cơ quan bán độc lập như Cục Dự trữ Liên bang, theo đó ngay cả nhân viên tư pháp và công tố viên cũng sẽ bị trừng phạt.