"Ông lớn" Tôn Đông Á "sửa soạn" lên HNX, dự chi 7.000 tỷ đồng làm nhà máy thứ 3 chuyên sản xuất thép lá mạ

(Banker.vn) Sau nhiều năm trì hoãn vì thị trường không thuận lợi, sự chấp thuận của HNX đã đánh dấu bước tiến lớn cho Tôn Đông Á trong nỗ lực niêm yết lên sàn của "ông lớn" ngành tôn mạ này.

"Ông lớn" Tôn Đông Á "sửa soạn" lên HNX, dự chi 7.000 tỷ đồng làm nhà máy thứ 3 chuyên sản xuất thép lá mạ.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố quyết định chấp thuận Công ty CP Tôn Đông Á được giao dịch cổ phiếu tại HNX, với mã chứng khoán GDA. Với vốn điều lệ gần 1.150 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu GDA đăng ký niêm yết là gần 115 triệu đơn vị.

Điều đó đánh dấu bước tiến lớn trong nỗ lực niêm yết lên sàn của "ông lớn" ngành tôn mạ này. Tháng 11/2021, Tôn Đông Á đã tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với hơn 12 triệu cổ phiếu sơ cấp và gần 3 triệu cổ phiếu thứ cấp, tương đương 12% và 3% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Khi hoàn tất thương vụ IPO, tổng số cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp tăng từ trên 102 triệu cổ phiếu lên gần 115 triệu cổ phiếu như hiện tại. Trước đó, Tôn Đông Á đã chia sẻ kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE từ quý II/2022, tuy nhiên do diễn biến thị trường không thuận lợi, kế hoạch bị trì hoãn đến nay.

Theo tìm hiểu, Tôn Đông Á tiền thân là Công ty TNHH Đông Á được thành lập vào tháng 11/1998, sau đó được đổi tên thành Công ty TNHH Tôn Đông Á vào tháng 6/2005. Năm 2009, Tôn Đông Á chuyển từ hình thức công ty TNHH sang công ty cổ phần, với số vốn điều lệ 120 tỷ đồng.

Kể từ khi trở thành công ty cổ phần đến nay, Tôn Đông Á đã thực hiện 13 đợt tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng năm 2009 lên 1.147 tỷ đồng năm 2022. Trong đó, lần tăng vốn mạnh nhất là năm 2017, vốn điều lệ của Tôn Đông Á tăng gấp đôi, từ 362 tỷ lên 724,8 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2023, cơ cấu cổ đông của công ty gồm có 262 cổ đông trong nước và 7 cổ đông nước ngoài (có 6 cổ đông nước ngoài là tổ chức nước ngoài, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ).

Tôn Đông Á có 4 cổ đông lớn gồm ông Nguyễn Thanh Trung (32,6%), bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh (6,57%), bà Lê Thị Phương Loan (10,73%) và Công ty TNHH Thương mại JFE Shoji Việt Nam (7,44%).

Theo giới thiệu trên website, Tôn Đông Á hiện tại đang hoạt động trong ngành thép, chuyên sản xuất các sản phẩm thuộc lĩnh vực trung đến hạ nguồn. Với nguyên liệu đầu vào chính là thép cuộn cán nóng (HRC), doanh nghiệp tập trung sản xuất các sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao như tôn mạ kẽm, tôn kẽm mạ màu, tôn mạ lạnh và tôn lạnh mạ màu.

Hiện tại, doanh nghiệp đang sở hữu hai nhà máy Thủ Dầu Một và Sóng Thần 1 với tổng công suất sản phẩm tôn đạt 800.000 tấn/năm.

Năm 2023, Tôn Đông Á cho biết sẽ tiếp tục lập kế hoạch, nghiên cứu và triển khai đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba với công suất 1,2 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn, với sản phẩm cuối cùng là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô.

Cụ thể, dự án đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba được chia làm 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng và triển khai từ 6 đến 8 năm kể từ thời điểm được duyệt Giấy phép đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến triển khai trong 2 năm với công suất khoảng 350.000 tấn/năm.

Về tình hình kinh doanh của Tôn Đông Á, 6 tháng đầu năm 2023, Tôn Đông Á ghi nhận doanh thu thuần 8.726 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 210 tỷ đồng, thấp hơn 33% và 49% so với cùng kỳ năm ngoái; nhưng so với 6 tháng cuối năm 2022 tăng lần lượt là 2% và 130%.

Giải trình về kết quả kinh doanh, Tôn Đông Á cho biết nguyên nhân Em cải thiện do giá vốn bán hàng và tồn kho đã giảm và giá bán đã phục hồi. Bên cạnh đó lãi vay và tỷ giá ổn định, ít những biến động đột ngột hơn. Nhờ đó, biên lợi nhuận của công ty đã phục hồi.

Năm 2023, Tôn Đông Á đặt kế hoạch tổng doanh thu 17.000 tỷ đồng, bằng 78% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 200 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 277 tỷ đồng trong năm 2022. Trong đó, tổng sản lượng dự kiến 760.000 tấn, tương đương 98,7% so với thực hiện trong năm 2022.

Trước đó, trong năm 2022, Tôn Đông Á đã sản xuất được hơn 767.000 tấn, đạt trên 90% hiệu suất. Trong đó, sản lượng thực bán hơn 770.000 tấn.

Đáng chú ý, thị phần của Tôn Đông Á đã tăng lên 17,11% (cùng kỳ 13,84%), giữ thị phần top hai tại thị trường Việt Nam, rút ngắn khoảng cách so với công ty đầu ngành và là doanh nghiệp top ba có quy mô sản lượng trong ngành thép lá mạ. Trong đó, thị phần nội địa đạt 13,83% (cùng kỳ 13,31%) và xuất khẩu chiếm 20,43% (cùng kỳ 14,15%).

Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, Tôn Đông Á có tổng tài sản 10.339 tỷ đồng, không có nhiều thay đổi so với đầu năm. Doanh nghiệp có hơn 2.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi; gần 3.400 tỷ đồng hàng tồn kho. Nợ vay ở mức 5.318 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn tại các ngân hàng.

Do đâu Tôn Đông Á lên kế hoạch kinh doanh “đi lùi” trong năm 2022?

Ngày 24/6, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (mã: TDA) đã tổ chức ĐHĐCĐ năm 2022 để thông qua kế hoạch kinh doanh với ...

Tôn Đông Á bất ngờ báo lãi bán niên tăng thêm 41,5 tỷ đồng sau soát xét

Sau soát xét, Công ty CP Tôn Đông Á (mã: TDA) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 tăng hơn 41,5 ...

Tôn Đông Á lỡ hẹn lên sàn HOSE

Theo chia sẻ của đại diện Tôn Đông Á, Công ty rút hồ sơ niêm yết trên sàn HoSE và đang chuẩn bị nộp hồ ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán