"Ông lớn" ngành điện thu về hơn 2.000 tỷ đồng tiền bán điện trong tháng 7

(Banker.vn) Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power, HOSE: POW) mới đây đã có thông báo về tình hình kinh doanh trong tháng 7/2024.

Theo đó, trong tháng 7 vừa qua, tổng sản lượng phát điện của PV Power ở mức 1.041,7 triệu kWh, giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, doanh thu bán điện của toàn Công ty ước đạt hơn 2.064 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với tháng 7/2023.

Luỹ kế 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện tại các nhà máy điện của PV Power đạt khoảng 9.412 triệu kWh, doanh thu ước đạt 17.997 tỷ đồng.

PV Power cho biết, trong tháng 7 vừa qua tình hình nắng nóng vẫn tiếp diễn trên cả nước, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1,0°C so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 7 xảy ra mưa lớn gây lũ lụt ở các tỉnh miền Bắc làm giá điện giảm thấp, giá FMP bình quân tháng 7 dự kiến chỉ đạt khoảng 1.135 đồng/kWh.

Hình minh họa.

Tại Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, giá điện thị trường thấp, đồng thời hạn chế về nguồn khí vùng Đông Nam Bộ nên Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 không được huy động vận hành. Trong khi đó, Nhơn Trạch 2 chào giá vận hành bám sát Qc được giao để đảm bảo hiệu quả.

Tại Nhà máy điện Hủa Na, tháng 7 là thời điểm bước sang mùa mưa tại lưu vực hồ chứa thủy điện Hủa Na. Mực nước hồ chứa đang ở xấp xỉ mực nước chết, nhà máy chào giá vận hành tối đa sản lượng có thể phát để tận dụng lượng nước về trước/đầu mùa lũ để chuẩn bị tích nước cho năm vận hành tiếp theo.

Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 được giao Qc (điều chỉnh) là 470,3 triệu kWh, khả năng cấp khí thực tế của PV Gas hiện tại đáp ứng yêu cầu vận hành. Nhà máy điện Cà Mau chào giá vận hành bám sát Qc, và xem xét vận hành sản lượng ngoài Qc với mục tiêu giảm khả năng phát sinh nghĩa vụ Khí Trả Trước.

Tại Nhà máy điện Vũng Áng 1, do giá thị trường thấp, Vũng Áng 1 chào giá với mục tiêu vận hành bám sát Qc và tăng sản lượng vào các thời điểm giá thị trường cao để tối ưu hiệu quả. Tuy nhiên, Nhà máy điện VA1 không được A0 huy động vận hành hết sản lượng Qc được giao.

Còn Nhà máy điện Đakđrinh được giao Qc 52,4 triệu kWh. Đakđrinh đã chào giá để vận hành tối đa sản lượng để đưa hồ chứa về mực nước chết, tận dụng tối đa hiệu quả hồ chứa cuối mùa khô.

Về tình hình đầu tư nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, tính đến cuối tháng 7/2024, tiến độ tổng thể của gói thầu EPC đã hoàn thành ước đạt 90%. PV Power sẽ tiếp tục thực hiện công tác thu xếp vốn, đàm phán hợp đồng mua bán khí và hợp đồng mua bán điện cho dự án theo đúng tiến độ.

Sang tháng 8, PV Power đặt mục tiêu sản lượng điện đạt 1.012 triệu kWh và 2.193 tỷ đồng doanh thu.

Trước đó, PV Power cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 với khoản lợi nhuận cao nhất 5 quý kinh doanh trở lại đây. Cụ thể, trong quý 2/2024, PV Power ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.407 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức doanh thu cao nhất kể từ quý IV/2019 (9.182 tỷ đồng) tới nay. Lợi nhuận gộp tương ứng tăng 54%, đạt 724 tỷ đồng. Biên lãi gộp theo đó được cải thiện từ 6% lên 8%.

Trong kỳ, mặc dù chi phí quản lý giảm nhẹ còn 181 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính lại tăng vọt 68% so với cùng kỳ, lên đến 229 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, "ông lớn" ngành điện báo lãi sau thuế đạt 450 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, PV Power ghi nhận doanh thu đạt 15.650 tỷ đồng và 666,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 1,2% và 19,7% so với cùng kỳ. So với kế hoạch đầu năm đặt ra, doanh nghiệp thực hiện được 49% mục tiêu doanh thu và 81% mục tiêu lãi sau thuế.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của PV Power mở rộng thêm 15% so với đầu năm, đạt 80.919 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là tài sản cố định với 25.015 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Đáng chú ý, chi phí xây dựng dở dang bất ngờ trở thành danh mục lớn thứ hai với 16.582 tỷ đồng, tăng 83%. Trong đó, việc Đại tu Cà Mau 2 đã hoàn tất, còn dự án Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3, 4 được PV Power mạnh tay rót thêm 7.889 tỷ đồng, lên mức 15.985 tỷ đồng.

Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 là công trình trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. PV Power đã ký hợp đồng tín dụng trung dài hạn trị giá 4.000 tỷ đồng (khoảng 173 triệu USD) với Vietcombank và huy động lên tới 900 triệu USD từ Ngân hàng Citi (Mỹ), Ngân hàng ING (Hà Lan) và Ngân hàng SMBC (Nhật Bản) để thực hiện dự án

PV Power đang chạy đua mục tiêu đưa Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 đi vào vận hành thương mại (COD) kể từ giữa tháng 11/2024 và Nhà máy Điện Nhơn Trạch 4 vào giữa năm 2025.

Trở lại với cơ cấu tài sản, PV Power đang nắm giữ 12.533 tỷ đồng tiền mặt và gửi ngân hàng, ghi nhận tăng 14% so với thời điểm đầu năm (tương ứng mở rộng khoảng 1.700 tỷ đồng). Bên cạnh đó, công ty còn phải thu ngắn hạn từ khách hàng đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 14%, hầu hết là tiền điện phải thu từ Công ty Mua bán Điện thuộc EVN. Hàng tồn kho tăng không đáng kể, ghi nhận 2.300 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả ghi nhận 46.774 tỷ đồng, tăng 29% so với hồi đầu năm. Nợ ngắn hạn chiếm phần lớn trong danh mục, đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 32%, chủ yếu bắt nguồn từ phải trả người bán với 18.230 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính từ các ngân hàng 11.195 tỷ đồng.

Cổ phiếu POW "sáng nắng chiều mưa"

Nếu như trong phiên sáng, POW mang đến nhiều hi vọng cho các nhà đầu tư khi sớm phủ sắc xanh thì tới phiên chiều, ...

"Nội soi" năng lực ông lớn muốn tham gia dự án gần 60.000 tỷ tại Thanh Hóa, cạnh tranh cùng hàng loạt nhà đầu tư quốc tế

Trong số các nhà đầu tư muốn tham gia Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn, có duy nhất một Tổ hợp doanh ...

Tuấn Tú

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục