“Ông lớn” ngành bệnh viện liên tục mở rộng quy mô, đang kinh doanh như thế nào?

(Banker.vn) Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên liên tục xây dựng bệnh viện quy mô lớn tại các tỉnh, thành trong cả nước, đang kinh doanh như thế nào?
Đề nghị xác minh và xử lý sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đạt nhiều thành tích, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân

Xây bệnh viện ở nhiều tỉnh, thành

Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã chứng khoán TNH; 328 Lương Ngọc Quyến, TP. Thái Nguyên) được mệnh danh là "ông lớn" trong lĩnh vực bệnh viện. TNH kinh doanh trong lĩnh vực quản lý vận hành bệnh viện và cung cấp kinh doanh các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc y tế, thiết bị vật tư y tế.

Được biết, TNH đang quản lý và khai thác khám chữa bệnh tại 2 bệnh viện: Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình tại Thái Nguyên.

“Ông lớn” ngành bệnh viện mở rộng quy mô, đang kinh doanh như thế nào?
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên

Thời gian gần đây, TNH liên tục mở rộng quy mô, xây dựng nhiều bệnh viện lớn ra các tỉnh, thành trong cả nước.

Mới đây nhất (ngày 29/2/2024), TNH đã khởi công Bệnh viện TNH Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Đây là dự án do Công ty cổ phần Bệnh viện TNH Lạng Sơn (công ty con của TNH) làm chủ đầu tư.

Trước đó, tháng 1/2024, dự án này đã được cấp giấy phép xây dựng, giấy phép môi trường cũng như hoàn thiện những hồ sơ căn bản đảm bảo đủ điều kiện khởi công xây dựng.

Được biết, Dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn dự kiến xây dựng với quy mô 300 giường bệnh với tổng mức đầu tư trên 700 tỷ đồng được phân kỳ thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 250 giường bệnh và giai đoạn 2 đầu tư xây dựng tiếp 50 giường bệnh. Thời gian hoàn thành và dự kiến đi vào hoạt động khoảng quý IV/2025.

“Ông lớn” ngành bệnh viện liên tục mở rộng quy mô, đang kinh doanh như thế nào?
Lễ khởi công xây dựng Bệnh viện TNH Lạng Sơn

Dấu ấn trước đó của TNH chính là khi quyết định đầu tư xây dựng bệnh viện có quy mô "khủng" ở vị trí đắc địa bậc nhất Thủ đô Hà Nội. Cụ thể, hồi tháng 9/2023, Hội đồng quản trị TNH đã công bố nghị quyết đáng chú ý về Dự án bệnh viện TNH Hà Nội. Theo đó, TNH đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) về việc chuyển nhượng khu đất với diện tích gần 2ha. Khu đất này được TNH lập kế hoạch đầu tư dự án bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế với quy mô 500 giường bệnh, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024.

Theo TNH, Dự án bệnh viện TNH Hà Nội được xây dựng tại Citputra sẽ thu hút nguồn khách hàng dồi dào, thu nhập cao. Với việc đặt vị trí này, TNH còn có mục đích thu hút và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển bệnh viện ở các tỉnh lân cận.

Trước đó (tháng 2/2023), TNH còn gây chú ý khi khởi công xây dựng Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang) với quy mô 300 giường bệnh, có vị trí đắc địa tại thủ phủ khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Theo dự kiến, quý II/2024, bệnh viện TNH Việt Yên sẽ đi vào hoạt động.

Bác sỹ Hoàng Tuyên, Chủ tịch TNH Thái Nguyên cho biết, chiến lược của TNH khi xây dựng các bệnh viện là không đặt nặng vấn đề cạnh tranh với các bệnh viện cùng tuyến mà tập trung vào phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu. Đặc biệt là việc bố trí khoa phòng khám và điều trị theo yêu cầu và số hóa các thủ tục hành chính. Qua đó, người dân có thể được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao tại địa phương.

TNH kinh doanh thế nào?

Về hoạt động kinh doanh, luỹ kế cả năm 2023, TNH đạt 531 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với năm trước, nhưng giá vốn tăng 24% nên lợi nhuận gộp của công ty đạt 218 tỷ đồng, tăng 4%. Chi phí quản lý doanh nghiệp gần 33,5 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của TNH đạt gần 145 tỷ đồng.

“Ông lớn” ngành bệnh viện liên tục mở rộng quy mô, đang kinh doanh như thế nào?
Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023 của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên

Ngày 30/1/2024, TNH đã có báo cáo giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.

Theo TNH, năm 2023 là năm đầu tiên doanh nghiệp lập báo cáo hợp nhất. Do công ty con là Công ty Cổ phần Bệnh viện TNH Lạng Sơn đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản nên kết quả kinh doanh ảnh hưởng không nhiều đến kết quả kinh doanh hợp nhất của công ty.

Tính cả năm 2023, doanh thu của TNH tăng 15%, giá vốn tăng 24% nên lợi nhuận gộp tăng 4%, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh nhưng giá trị thấp, chỉ phí lãi vay giảm mạnh 29%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 22%.

Kết quả, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế tăng 10%, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 3%.

Trong năm 2023, TNH gặp nhiều khó khăn như hình kinh tế ảm đạm, lạm phát tăng, tình trạng thiếu thuốc men và vật tư y tế trên cả nước, nhưng công ty tiếp tục duy trì hoạt động ổn định.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này vẫn phát triển tăng trưởng của bệnh viện đang hoạt động là Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, Bệnh viện đa khoa Yên Bình Thái Nguyên, nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, triển khai các kỹ thuật chuyên sâu và các dịch vụ kỹ thuật mới. Đồng thời, đảm bảo tiến độ xây dựng của Bệnh viện TNH Việt Yên, tiếp tục triển khai đầu tư các dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn, Bệnh viện TNH Hà Nội.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TNH đang có đà tăng mạnh trong nhiều phiên gần đây. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/3/2024, giá cổ phiếu TNH tăng 2.55%, đạt 22.150 đồng/cổ phiếu.

Thế Hoàng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục