"Ông lớn" ngân hàng đang nhỏ dần

(Banker.vn) Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, vai trò chủ lực của khối ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chi phối (ngân hàng quốc doanh) trong toàn hệ thống đang bị giảm sút.

“Big4” chậm tăng vốn, mất thị phần

Ngày 22/5/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại VietinBank. Ngay sau đó, ngày 28/5/2021, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 3829 về phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại VietinBank và đến ngày 31/5/2021, Hội đồng quản trị VietinBank đã ban hành Nghị quyết về việc phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ.

Chẳng mấy bất ngờ khi không chỉ VietinBank, mà ngay cả Ngân hàng Nhà nước cũng rất sốt sắng trong việc tăng vốn điều lệ cho VietinBank, bởi ngân hàng này có tốc độ tăng vốn điều lệ chậm nhất trong số các ngân hàng thương mại nhà nước (từ năm 2014 tới nay không được bổ sung thêm vốn điều lệ).

Không tăng được vốn điều lệ, VietinBank đã phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn phục vụ nền kinh tế, từ đó có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế; đồng thời có nguy cơ vi phạm tỷ lệ an toàn vốn, ảnh hưởng xấu đến an toàn hoạt động, mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, uy tín trên thị trường và hạn chế vai trò chủ lực của ngân hàng này trong toàn hệ thống. Được biết, mức vốn điều lệ tới cuối tháng 3/2020 của VietinBank là 37.234 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, thường được gọi là “Big4” trong ngành ngân hàng, Vietcombank - ngân hàng có hiệu quả sinh lời cao cũng chậm được tăng vốn. Còn nhớ, tại Hội nghị triển khai chương trình hành động ngành ngân hàng, chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 vào ngày 11/4/2019, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, “vốn điều lệ hiện tại của Ngân hàng là hơn 37.000 tỷ đồng và theo kế hoạch sẽ tăng lên mức 57.201 tỷ đồng vào năm 2020, tức tăng trưởng bình quân 10,5% hàng năm”. Nhưng cho đến nay, vốn điều lệ của Vietcombank vẫn “giậm chân tại chỗ” với 37.089 tỷ đồng.

Với Agribank, ngân hàng có nhiệm vụ phát triển tín dụng nông nghiệp và nông thôn, đến thời điểm 31/12/2020, vốn điều lệ vẫn được duy trì ở con số 30.709 tỷ đồng, mặc dù ngày 10/6/2020, Quốc hội đã nhất trí bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng tối đa 3.500 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của Agribank đã có thay đổi khi 3.500 tỷ đồng đã về Ngân hàng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Ngân hàng.

Còn BIDV, sau khi chào bán thành công 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ đã tăng thêm 6.033 tỷ đồng, từ mức 34.187 tỷ đồng lên hơn 40.220 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Trong năm 2020, BIDV cũng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 6.230 tỷ đồng nhưng không thành công.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, “trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước trở thành vấn đề nhức nhối, hết sức cấp thiết”.

Số liệu thống kê đến ngày 31/1/2021 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, vốn điều lệ toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 664.152 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ tại các ngân hàng thương mại nhà nước gần như không đổi, ở mức 158.771 tỷ đồng, với tỷ lệ nắm giữ 40% thị phần tín dụng. Để quay lại nắm giữ 80% thị phần như trước kia, tính toán cơ học sẽ cần khoảng 317.542 tỷ đồng vốn điều lệ, nhưng theo một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước, “đây là kịch bản không bao giờ xảy ra”.

Vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân hiện nay đã là 317.133 tỷ đồng, nghĩa là gấp đôi vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.

Luật sư Trương Thanh Đức nhận xét: “Nếu như Nhà nước không muốn các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và không muốn duy trì tỷ lệ sở hữu chi phối tại các ngân hàng này thì mới nói không với việc tăng vốn điều lệ”.

Nguy cơ mất “ngôi vương” vốn điều lệ vào khối tư nhân

Quay lại câu chuyện tăng vốn điều lệ của VietinBank, vị lãnh đạo cao cấp trên của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng số vốn được bổ sung của Ngân hàng là trên 10.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017, 2018 và một phần cổ tức năm 2019 (sau khi đã chia cổ tức bằng tiền). Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của VietinBank là 48.058 tỷ đồng, tăng khoảng 29% so với trước khi phát hành.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Vietcombank cũng thông qua tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ trong năm nay. Theo đó, kế hoạch tăng vốn điều lệ được chia làm 2 phần. Phần 1 là phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm với tổng giá trị theo mệnh giá sẽ là 10.236 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Vietcombank trước khi phát hành là 37.089 tỷ đồng, dự kiến tăng sau khi phát hành là 47.325 tỷ đồng.

Phần 2, được thực hiện sau khi hoàn thành phần 1, Ngân hàng tiếp tục tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán, tương ứng 307.614.295 cổ phần. Đối tượng mua có thể là đối tác chiến lược Mizuho Nhật Bản nếu ngân hàng này muốn tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ và/hoặc các nhà đầu tư khác. Theo đó, mức vốn điều lệ dự kiến tăng thêm 3.075 tỷ đồng, đưa tổng vốn điều lệ lên 50.401 tỷ đồng. Ông Thành cho biết, “năm 2021 không hoàn thành việc tăng vốn nêu trên thì sẽ tiến hành trong năm 2022”.

Nếu cả hai phần trong kế hoạch tăng vốn đều thành công, quy mô vốn điều lệ của Vietcombank sẽ vượt lên trên BIDV.

Hiện tại, BIDV có vốn điều lệ 40.220 tỷ đồng và tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021, Ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6% so với ngày 31/12/2020.

Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%) và phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và IV/2021.

Trong khi đó, thời gian thực hiện chào bán cổ phần mới dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2022, sau khi được chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy vậy, kể cả khi triển khai thành công kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 50.401 tỷ đồng, Vietcombank không dễ dàng chiếm được “ngôi vương” về quy mô vốn điều lệ trong ngành ngân hàng. Nguyên do là, tại đại hội cổ đông vừa qua, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank đã tuyên bố Ngân hàng sẽ tăng vốn lên 75.000 tỷ đồng trong năm 2022 - vượt xa mục tiêu của cả bốn ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank.

Nhiều ngân hàng trong khối thương mại cổ phần cũng không ngừng mở rộng quy mô. Chẳng hạn, tại MB, Ban điều hành Ngân hàng đặt kế hoạch tăng 38% vốn điều lệ, từ 27.987 tỷ đồng lên 38.675 tỷ đồng ngay trong năm nay.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có công văn chấp thuận cho ACB được tăng vốn điều lệ tối đa thêm gần 5.404 tỷ đồng (vốn điều lệ cũ là 21.615 tỷ đồng) bằng hình thức phát hành cổ phiếu. Theo đó, ACB sẽ thực hiện tăng vốn bằng hình thức phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2020, tương đương tỷ lệ 25%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên trên 27.000 tỷ đồng.

Ngày 20/5 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản xác nhận kết quả phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 của SHB. Như vậy, SHB đã phát hành thành công hơn 175 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ từ mức 17.510 tỷ đồng lên hơn 19.260 tỷ đồng.

Thừa nhận “sự thật là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đang tăng vốn với tốc độ rất nhanh”, vị lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước trên cho biết, “Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực cùng các ngân hàng thương mại nhà nước không để mất thêm thị phần”.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục