CTCP Dược Lâm Đồng - Ladophar (HNX: LDP) tiền thân là đơn vị Nhà nước được cổ phần hóa. Công ty chính thức đưa 1,7 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên HNX từ ngày 29/6/2010 (tương đương quy mô vốn điều lệ 17 tỷ đồng).
Đến năm 2020, sau nhiều lần tăng vốn, quy mô vốn điều lệ của công ty đạt 127 tỷ đồng.
Hoạt động chủ yếu của công ty là sản xuất tân dược, đông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu thuốc,… Tại vùng Tây Nguyên, Ladophar là đơn vị dẫn đầu về chế biến, tiêu thụ dược liệu và xây dựng được chuỗi phân phối dược liệu, thực phẩm chức năng, khai thác được thế mạnh từ dược liệu địa phương. Tỷ lệ mặt hàng sản xuất từ dược liệu chiếm trên 60% tổng giá trị sản lượng hàng năm.
Tại ĐHCĐ bất thường ngày 14/1/2022 vừa qua, Ladophar gây bất ngờ với quyết tâm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh khi trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng trong năm 2022 - năm đầu tiên có sự xuất hiện của Louis Holdings. Doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần ở mức 760 tỷ đồng - tăng 475% so với ước thực hiện năm 2021 trong đó doanh thu hàng thương mại đạt 316 tỷ đồng - tăng 362% và doanh thu hàng sản xuất đạt 444 tỷ đồng - tăng 609%; lợi nhuận trước thuế dự kiến là 38 tỷ đồng - tăng 86% so với ước thực hiện năm 2021.
Theo tài liệu được công bố, Ladophar sẽ triển khai kế hoạch tăng vốn, tập trung phát triển thị trường các sản phẩm tăng cường sức khỏe cùng với đẩy mạnh nguồn nhân lực.
Tại đại hội, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings đã chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Ladophar, nhiều vị trí quan trọng khác cũng được bổ nhiệm là nhân sự của Louis Holdings.
Sau khi Louis Holding và Louis Capital trở thành cổ đông lớn, Dược Lâm Đồng đã bổ nhiệm ông Nguyễn Mai Long làm Tổng Giám đốc và đại diện theo pháp luật. Ông Long hiện giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Louis Holding cùng nhiều vị trí cao cấp trong các công ty thành viên.
Được biết, ngày 8/12/2021, Louis Capital và Louis Holdings đã mua lần lượt 1,3 triệu và 1,32 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu sau giao dịch là 10,23% và 10,39% vốn của Ladophar.
Gia nhập hệ sinh thái Louis Holdings, Ladophar được định hướng phát triển sản phẩm hướng tới các phân khúc khách hàng là trẻ em, người làm việc có cường độ cao, người già với nước uống thảo dược bổ sung vitamin, nước detox thanh lọc cơ thể, sâm tăng cường sinh lực…
Bên cạnh đó, Louis còn có định hướng phát triển các sản phẩm y tế, mỹ phẩm từ dược liệu: Nước xúc miệng thảo mộc, khẩu trang thảo dược, gel rửa tay, kem chống nắng thảo dược, mỹ phẩm từ actiso…
“Louis Holdings với Angimex có thế mạnh kinh nghiệm chuyên sâu về nông nghiệp, sẽ cùng với Ladophar nghiên cứu, phát triển và nhân rộng giống lúa thảo dược canh tác theo hướng hữu cơ sinh học”, lãnh đạo Louis Holdings nhấn mạnh và cho hay sẽ có kế hoạch thành lập các công ty mới, đẩy mạnh hơn nữa việc tham gia các thị trường mới: Gạo dược liệu, phân bón.
Để chuẩn bị cho việc mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực mới, ngoài kế hoạch huy động từ phát hành riêng lẻ, Ladophar cũng trình cổ đông thông qua hạn mức vay vốn năm 2022 là 1.100 tỷ đồng trong đó 350 tỷ đồng vay vốn lưu động và 750 tỷ đồng huy động vốn trung, dài hạn qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay vốn ngân hàng.
Với 250 tỷ đồng huy động được từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Ladophar dự kiến sử dụng 100 tỷ đồng để đầu tư bằng hình thức nhận chuyển nhượng phần vốn góp và góp vốn thêm vào Công ty TNHH Nguyễn Kim Đà Lạt; 34 tỷ đồng góp vốn vào công ty TNHH MTV nuôi trồng và Chế biến Thực phẩm thảo dược Ladophar; 22 tỷ đồng góp vốn vào Công ty TNHH MTV Nước giải khát thảo dược Ladophar; 44 tỷ đồng góp vốn vào Công ty TNHH MTV Nghiên cứu và Ứng dụng dược liệu Ladophar; 50 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Louis Holdings tham gia M&A, tái cơ cấu nhiều doanh nghiệp trên sàn. Rất nhiều doanh nghiệp sau khi tham gia hệ sinh thái của Louis Holdings đều lột xác mạnh.
Đơn cử, Louis Capital từ doanh nghiệp thua lỗ sau khi được Louis Holdings mua lại và thay đổi định hướng kinh doanh sang lĩnh vực đầu tư, tư vấn đã ghi 184,7 tỷ đồng doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 - cao gấp 27 lần cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 9 tháng đạt hơn 65 tỷ đồng - tăng hơn 16 lần cùng kỳ năm trước và cao gấp 32,5 lần chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Tương tự, như Angimex (AGM) sau khi “về một nhà” với Louis Holdings cũng đã cải thiện mạnh kết quả kinh doanh.
Cụ thể, nếu như quý I/2021 lợi nhuận của AGM giảm tới 17% thì sau khi tham gia hệ sinh thái Louis Holdings, lợi nhuận quý II/2021 đã đảo chiều tăng 19%; tới quý III/2021 tăng tới gần 57% bất chấp việc giãn cách xã hội lan rộng.
Chính vì vậy, với Ladophar, kế hoạch kinh doanh được điều chỉnh tăng mạnh sau khi có sự tham gia của Louis Holdings cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Trên thị trường, cổ phiếu LDP đã tăng mạnh từ vùng 14.000 đồng thị giá (thời điểm đầu tháng 12/2021 lên mức gần 40.000 đồng trong tháng 12/2021 ngay sau khi xuất hiện thông tin Ladophar tham gia hệ sinh thái Louis Holdings.
Mã tiếp tục đạt đỉnh 54.800 đồng trong phiên 12/1/2022 qua đó ghi nhận chuỗi 8 phiên tăng giá liên tiếp kể từ mức 35.100 đồng ngày 30/12/2021.
Tuy nhiên, ngay sau khi doanh nghiệp công bố tài liệu về cuộc họp ĐHCĐ bất thường ngày 14/1 cũng như tin phát hành 25 triệu cổ phiếu tăng vốn, thị giá LDP ngay lập tức lao dốc ngay sau đó và đáp sàn trong phiên sáng 17/1 về mức 46.800 đồng.
Với việc dự tăng vốn lên gấp 3 hiện tại - cổ phiếu bị pha loãng, rất có thể mã LDP sẽ còn đón nhận thêm những phiên giảm mạnh trong thời gian tới.
Đáng nói, mã hiện đang nằm trong diện cổ phiếu bị cảnh báo trên HNX từ 2/4/2021 do lợi nhuận sau thuế năm 2020 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 trên báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020 là số âm.
Văn Chinh - Theo Kiến thức Đầu tư
Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|