Ôm mộng "gồng lãi", cổ phiếu nhóm APEC đồng loạt "bốc hơi" gần 80%

(Banker.vn) Thời điểm hiện tại, bộ ba cổ phiếu nhóm APEC đã đồng loạt "bốc hơi" gần 80% giá trị kể từ thời điểm lãnh đạo đeo khăn tím hô quyết tâm "gồng lãi" vào cuối năm 2021...

Mới đây, những thông tin liên quan tới khởi tố vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), Công ty CP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Bộ 3 API, IDJ hay APS được đông đảo nhà đầu tư biết đến là cổ phiếu thuộc "họ" Apec Group. Những cổ phiếu này từng "làm mưa làm gió" giai đoạn năm 2021 với mức tăng dựng đứng bằng lần trước khi lao dốc giảm mạnh đánh bay mọi thành quả. Áp lực bán vẫn tiếp tục mạnh lên trong những phiên gần đây, thị giá cổ phiếu thậm chí nằm sàn.

Ôm mộng
Nhóm Apec từng là tâm điểm hút vốn cuối năm 2021, ghi nhận giá cổ phiếu tăng hàng chục lần và lượng cổ đông tăng hơn chục nghìn người

Apec Group hiện là tập đoàn đa ngành với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Hệ sinh thái này có một số pháp nhân lõi như bên trên gồm Apec Securities (APS), Apec Investment (API) và IDJ Investmen (IDJ).

Giai đoạn "tiền rẻ" 2021 là thời điểm vàng cho các nhóm cổ phiếu đầu cơ nổi sóng. Thị trường chứng khoán lúc này đón nhận lượng lớn nhà đầu tư mới và dòng tiền mới để đẩy một loạt cổ phiếu lập đỉnh như Louis Holdings, Chứng khoán Trí Việt, Apec...

Bộ ba cổ phiếu APS, API và IDJ dưới tầm ảnh hưởng của ông Nguyễn Đỗ Lăng cũng phi một mạch lên mức đỉnh lịch sử giai đoạn cuối năm 2021, tương đương mức tăng giá hàng chục lần cùng thanh khoản cao.

Đơn cử, mã APS bắt đầu có dòng tiền lớn nhập cuộc từ cuối năm 2020 tại mức giá quanh 3.000 đồng và chỉ sau một năm đã lập đỉnh tại 59.900 đồng (ngày 18/11/2021), gấp gần 20 lần trong khoảng thời gian này.

Dòng tiền tương tự nhập cuộc ở mã API ở vùng giá quanh 6.000 đồng để rồi nhảy vọt lên trên 46.300 đồng, giúp cổ đông kiên trì có thể nhân 8 lần giá trị tài khoản.

Mã IDJ cùng chung diễn biến khi có dòng tiền vào lúc thị giá chỉ khoảng 6.000 đồng và sau đó là bước nhảy vọt vào cuối năm 2021 để lên đỉnh lịch sử hơn 42.000 đồng, gấp 7 lần về giá trị vốn hóa.

Ôm mộng
Sóng tăng giá bất thường của nhóm Apec cuối năm 2021

Ngay lúc cổ phiếu trên đỉnh huy hoàng, ngày 16/11/2021 APS đã tổ chức ĐHĐCĐ và thu hút sự chú ý lớn khi ban lãnh đạo cùng cổ đông dự họp đã quàng khăn tím và hô vang khẩu hiệu: "APEC - sáng tạo, APEC - công hiến, APEC - phụng sự, APEC - quyết tâm, APEC - gồng lãi, APEC - quyết tâm gồng lãi".

Cũng trong buổi ĐHCĐ đó, một lãnh đạo khác của doanh nghiệp khi đó còn tự tin khẳng định chỉ số P/E của cổ phiếu APS là 6,9 lần, trong khi đó P/E trung bình ngành đang ở mức 18 lần. Như vậy, có thể thấy định giá cổ phiếu APS đang rẻ, có thể tăng trưởng gấp 2 đến 2,5 lần trong thời gian tới".

Tuy nhiên, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", cổ phiếu APS đã nhanh chóng lao dốc không phanh sau thời điểm đại hội. Tới nay, thị giá chỉ còn 14.300 đồng/cp, tương ứng bốc hơi khoảng 76% giá trị so với đỉnh. Cổ đông nếu chót "đu" theo lời mời gọi hô hào có cánh của ban lãnh đạo thì hiện đang chịu khoản lỗ không hề nhỏ.

Cũng trong cơn "sóng thần" nhóm cổ phiếu Apec khi đó, cổ phiếu IDJ thăng hoa tăng gấp 5 lần lên mốc đỉnh 42.470 đồng/cp (phiên 18/11/2021). Tuy nhiên, giá IDJ sau đó cũng lâm vào cảnh "rơi tự do", hiện sau hơn 1 năm đã mất khoảng 69% về mức 13.200 đồng/cp. Nếu nắm giữ từ vùng đỉnh và không có các động thái trung bình giá xuống, cổ đông IDJ sẽ khá lâu mới "về bờ" kể từ thời điểm "sát cánh" cùng công ty.

Loạt kế hoạch tăng vốn

Trước thời điểm Công an khởi tố vụ án xảy ra tại các công ty họ Apec, cả 3 doanh nghiệp trên đều công bố loạt kế hoạch tăng vốn mạnh thông qua chào bán riêng lẻ, chào bán cho cổ đông hiện hữu, cổ tức bằng cổ phiếu và ESOP,…

Trong đó, cổ đông API tại ĐHCĐ thường niên 2023 đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu và chào bán 84 triệu cổ phiếu ra công chúng nhằm huy động vốn rót vào các dự án bất động sản. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023 - 2024.

Còn tại APS , công ty dự kiến phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, APS cũng thông qua phương án phát hành 8,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương ứng tỷ lệ 10%. Một nội dung khác cũng được đại hội APS thông qua là phương phát hành cổ phiếu ESOP để bổ sung vốn lưu động với số lượng không vượt quá 5% số cổ phiếu đang lưu hành trong 12 tháng. Theo đó, giá dự kiến phát hành không thấp hơn 10.000 đồng/cp,

Cũng trong năm 2023, APS lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 855 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chuyển từ lỗ sang lãi 230 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty chia sẻ hiện đã đạt 90% kế hoạch lợi nhuận năm.

Với IDJ, công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần 1.105 tỷ đồng, tăng 35% so với kết quả đạt được năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 246 tỷ đồng, tăng gần 36%.

Tại Đại hội, cổ đông IDJ thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, tương ứng phát hành hơn 173 triệu cổ phiếu với giá không dưới 10.000 đồng. Đồng thời, IDJ còn có kế hoạch phát hành 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ với tổng số tiền huy động dự kiến là 500 tỷ đồng và phát hành 8,6 triệu cổ phiếu ESOP với giá dự kiến 10.000 đồng/ cổ phiếu.

Cổ phiếu bất động sản, xây dựng dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư

Góp phần không nhỏ cho động lực tăng điểm của thị trường thời gian qua là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, nổi bật là ...

Nhìn lại khuyến nghị cổ phiếu của các công ty chứng khoán tuần qua

Thị trường có tuần giao dịch tích cực khi duy trì xu hướng tăng điểm 4 tuần liên tiếp, đồng thời VN-Index đã vượt lên ...

Chứng khoán APEC (APS) khẳng định không có liên quan đến vụ việc “thao túng thị trường"

Mới đây, Công ty CP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (HOSE: APS) đã có thông cáo báo chí gửi Quý khách hàng, ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục