OCB hoàn tất phát hành 685 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên trên 20.500 tỷ đồng

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, HOSE: OCB) vừa có báo cáo về kết quả đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, Ngân hàng OCB đã phát hành thành công 685 triệu cổ phiếu cho gần 18.488 cổ đông theo tỷ lệ 50% (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1 quyền và cứ 2 quyền sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới). Cùng với đó, 1.708 cổ phiếu lẻ còn lại đã được phân phối vào Quỹ phát triển nguồn nhân lực do Công đoàn OCB đứng tên.

Được biết, nguồn vốn phát hành lần này được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022, xác định theo báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ theo quy định.

OCB hoàn tất phát hành 685 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên trên 20.500 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, HOSE: OCB)

Như vậy Ngân hàng OCB đã hoàn thành đợt phát hành vào ngày 21/9, nâng tổng số cổ phiếu đang lưu hành lên gần 2,055 tỷ cổ phiếu. Dự kiến trong tháng 10/2023 tới đây, số cổ phiếu trên sẽ được đăng ký và niêm yết bổ sung tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Trước đó, OCB đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu vào ngày 21/9.

Sau đợt phát hành lần này, vốn điều lệ của Ngân hàng OCB sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Trong đó, Aozora Bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn nắm giữ 15% vốn ngân hàng. Cùng với đó, sau phát hành, OCB sẽ nằm trong nhóm Top 10 ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Theo phương án tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của OCB thông qua, số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng 6.176 tỉ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; 672 tỉ đồng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.

Về tình hình kinh doanh của Ngân hàng OCB, theo dữ liệu tài chính quý 2/2023, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt gần 1.261 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng OCB chỉ tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.818 tỷ đồng. Với các mảng kinh doanh, các mảng đều ghi nhận tăng trưởng trong quý 2 như lãi thuần hoạt động dịch tăng 9% lên 250,8 tỷ đồng.

Hai mảng chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều lỗ cùng kỳ năm trước nhưng đã ghi nhận lãi trong quý II năm nay. Mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận mức tăng mạnh nhất gấp gần 8 lần lên 62 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nhập lãi thuần tăng 6% lên 3.568 tỷ đồng, lãi thuần mảng chứng khoán đầu tư tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước lên 111 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản ngân hàng đạt 211.291 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cuối năm trước. Cho vay khách hàng cũng tăng 6,5% lên 127.572 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đạt 1.928 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cuối năm trước.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm kết phiên giao dịch ngày 28/9, cổ phiếu OCB đang dừng ở mức 13.400 đồng/cp, giảm khoảng 23% so với thời điểm đầu năm (17.500 đồng/cp).

OCB được dự báo hoàn thành 97,9% kế hoạch năm 2023

Theo MBS, tăng trưởng tín dụng của OCB trong phần còn lại của năm 2023 sẽ duy trì đà tăng và đạt 12,5% cho cả năm dựa trên cơ sở đầu tư công được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm dẫn dắt tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tiêu dùng bán lẻ, xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu khả quan đáng kể. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng đầu năm tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 19,2%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm 13,1% so với cùng kỳ 8 tháng năm 2022.

Ngoài ra, hoạt động cho vay mua nhà và cho vay bán lẻ được kỳ vọng sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu tiêu dùng cao được tập trung vào hai quý cuối năm và các chính sách hỗ trợ gỡ khó cho ngành bất động sản đang được triển khai liên tục.

Theo MBS, trong nửa đầu năm 2023, biên lãi ròng (NIM) của Ngân hàng OCB đã suy giảm nhẹ về mức 3,8%. Tuy nhiên, chuyên gia MBS kỳ vọng NIM sẽ tăng lên mức 4% trong năm 2023 khi lãi suất huy động liên tục giảm kể từ quý 2/2023.

Theo MBS, điểm tích cực là NIM quý 2/2023 tại ngân hàng này ghi nhận mức tăng nhẹ trở lại so với quý 1. Trong đó, lãi suất cho vay trung bình 6 tháng tăng mạnh từ 10,3% cùng kỳ năm trước lên 12,7% cho thấy NIM giảm nhẹ chủ yếu do sự suy yếu mạnh của chi phí vốn - COF (tăng từ 3,9% lên 6,8%).

Tuy nhiên, việc lãi suất huy động liên tục giảm từ đầu năm 2023 và hiện tại đang về mức xấp xỉ đáy COVID-19. Theo đó, các chuyên gia MBS kỳ vọng rằng COF của OCB sẽ giảm về mức 5,1% cho cả năm 2023 (cao hơn 70 điểm cơ bản so với cả năm 2022). Ngoài ra, NIM cũng được kỳ vọng sẽ đạt 4% cho cả năm (tương đương với năm 2022.

Cùng với đó, MBS cũng lo ngại rủi ro đến từ nhu cầu tín dụng yếu. "Đặc biệt đối với các ngân hàng có quy mô nhỏ như OCB, việc phải giảm lãi suất nhằm cạnh tranh thị phần cho vay sẽ đồng thời khiến NIM giảm đi, bù đắp cho sự suy giảm của chi phí vốn", theo báo cáo của MBS.

Theo MBS, tỷ trọng nguồn thu ngoài lãi (NOI) tại OCB suy giảm trong 6 quý gần nhất, nguyên nhân chủ yếu do nguồn thu phí và lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán (chiếm trung bình 75,5% tổng NOI trong 8 quý gần nhất) suy giảm mạnh.

Thu nhập lãi thuần của OCB đã tăng nhẹ 4,2% so với cùng kỳ cùng với các hoạt động ngoài lãi (NOI) tăng trưởng cao như đầu tư chứng khoán (tăng gần 5 lần), ngoại hối (tăng gần 6 lần) đã giúp lợi nhuận trước thuế tăng 47,2% so với cùng kỳ.

Cụ thể, thu nhập thuần ngoài lãi gia tăng mạnh chủ yếu nhờ các hoạt động kinh doanh vàng & ngoại hối (tăng 427% so với cùng kỳ) và hoạt động đầu tư chứng khoán (tăng 377% chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ), đưa tỷ trọng của 2 hoạt động này lên mức 50% tổng thu thuần ngoài lãi.

Với kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ còn một đợt giảm nữa trong năm 2023 đưa mức lãi suất điều hành về ngang bằng với mức đáy của giai đoạn dịch COVID-19, MBS cho rằng hoạt động đầu tư trái phiếu Chính phủ của OCB sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm 2023.

Các chuyên gia phân tích dự báo NOI của OCB sẽ đạt mức tăng trưởng 42,3% trong năm 2023 và 44,6% trong năm 2024 nhờ lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trái phiếu Chính phủ phục hồi.

Với những phân tích nói trên, MBS dự báo tổng thu nhập hoạt động kinh doanh (TOI) và lợi nhuận trước thuế của OCB trong năm 2023 lần lượt tăng 18,6% và tăng 33,9%. Theo đó OCB sẽ hoàn thành 97,9% kế hoạch đề ra trong năm 2023 dựa trên các giả định tăng trưởng tín dụng đạt 12,5%; NIM đạt 4%; Tỷ lệ NPL và LLR đạt lần lượt 3% và 50,1%;

Năm 2024, chuyên gia MBS kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ khả quan hơn với lợi nhuận trước thuế tăng 35,5% so với cùng kỳ 2023 nhờ vào tăng trưởng tín dụng đạt 15,8%; NIM tăng lên mức 4,2% (vẫn thấp hơn năm 2022 là 7,5%); CIR tăng lên mức 32% và chi phí trích lập dự phòng giảm vẫn duy trì tăng 19,4% so với 2023 khi nợ xấu vẫn còn khá cao so với trung bình ngành.

MBS: Dự báo OCB sẽ hoàn thành 97,9% kế hoạch năm 2023

Trong báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán MB (MBS) về ngân hàng OCB, MBS dự báo lợi nhuận trước thuế 2023 của ...

Cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng, 3 mã tiềm năng nhất được “chọn mặt gửi vàng”

Sự đảo chiều của xu hướng lãi suất từ tăng sang giảm đóng vai trò dẫn dắt cho việc phục hồi của tỷ lệ tiền ...

Tăng trưởng tín dụng chậm, ngân hàng nào có khả năng “bứt phá” trong những tháng cuối năm

Tăng trưởng tín dụng tiếp tục là một trong những vấn đề nan giải của ngành ngân hàng trong 8 tháng đầu năm 2023 khi ...

Minh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán