OCB được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có công văn chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, Mã: OCB) tăng vốn điều lệ tối đa thêm 4.109 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Trước đó, OCB công bố đã thông qua triển khai tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng 30% cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm hơn 4.109 tỷ đồng, từ hơn 13.698 tỷ đồng lên hơn 17.808 tỷ đồng sau khi có chấp thuận của NHNN.

OCB được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ
Sau 9 tháng, OCB đạt lợi nhuận ròng 2.649 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ 2021

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, trong phương án trình đến cổ đông, OCB cho biết sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thông qua các hình thức: (i) phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (50 tỷ đồng), phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Ngân hàng Aozora (8,82 tỷ đồng) và (ii) phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30%.

Hiện nay, OCB đã công bố nghị quyết không tiếp tục thực hiện việc phát hành ESOP và phát hành riêng lẻ này trong tháng 9 mà sẽ được thực hiện vào thời điểm khác phù hợp với quy định. Thay vào đó, OCB sẽ triển khai việc phát hành cổ phiếu thưởng 30% cho cổ đông hiện hữu.

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, OCB chứng kiến các hoạt động kinh doanh chính đều tăng trưởng tốt. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.700 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và vàng cũng tăng trưởng bằng lần so với quý III/2021.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán, cụ thể là kinh doanh trái phiếu của nhà băng này không còn thuận lợi như trước trong môi trường lãi suất biến động. Là một trong những ngân hàng hoạt động tích cực trên thị trường trái phiếu Chính phủ, OCB lãi gần 500 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán vào quý III/2021 nhưng đến quý III năm nay lỗ gần 70 tỷ đồng.

Do đó, tổng thu nhập hoạt động trong kỳ vừa qua của OCB chỉ đi ngang so với quý III năm trước, đạt hơn 2.000 tỷ đồng dù các mảng kinh doanh chính đều tăng trưởng. Trong khi đó, chi phí hoạt động, chi phí trích lập dự phòng đều cao hơn cùng kỳ năm trước dẫn đến việc lợi nhuận trước thuế của OCB sụt giảm gần 20% còn 909 tỷ đồng.

Sau 9 tháng, ngân hàng đạt lợi nhuận ròng 2.649 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ 2021. So với kế hoạch lợi nhuận hơn 7.000 tỷ đồng của năm nay, OCB mới đạt 37% chỉ tiêu dù đã đi qua 3/4 thời gian.

Đến hết tháng 9, tăng trưởng tín dụng tại OCB đạt 11%. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 114.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động huy động tiền gửi của nhà băng này lại đi xuống. Tiền gửi khách hàng tại OCB tại thời điểm 30/9 đạt hơn 98.000 tỷ đồng, giảm 1% so với hồi đầu năm.

Về chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngân hàng hiện là 2,5%, tăng so với mức 1,3% hồi đầu năm, cũng là tỷ lệ nợ xấu cao nhất mà OCB từng ghi nhận tính từ thời điểm ngân hàng bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán vào đầu năm 2021.

Về con số tuyệt đối, dư nợ các nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nợ nghi ngờ), nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của OCB đều tăng. Trong đó, nợ nhóm 5 tại nhà băng này tăng hơn 130% so với hồi đầu năm lên gần 1.700 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, dù đã tăng mức trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của OCB hiện mới đạt 53%, giảm mạnh so với mức hơn 80% hồi đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu hơn 50% của OCB cũng thuộc mức thấp so với mặt bằng chung ngành ngân hàng.

Hoàng Đức

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán