Nước Thủ Dầu Một báo lãi 164 tỷ đồng sau 10 tháng, gia tăng sở hữu tại Cấp thoát nước Cần Thơ

(Banker.vn) 10 tháng đầu năm, Công ty CP Nước Thủ Dầu Một (TDM) ghi nhận sản lượng nước tiêu thụ tương đối khả quan với gần 57 triệu m³, tăng 3% so với cùng kỳ (svck) và hoàn thành 79% mục tiêu cả năm. Trong khi đó, công ty cũng đang trong quá trình mở rộng quy mô bằng cách mua cổ phần một DN cùng ngành khác...

Công ty CP Nước Thủ Dầu Một (TDM) báo cáo doanh thu 10 tháng đầu năm 2024 đạt 464 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ (svck) và lợi nhuận sau thuế đạt 164 tỷ đồng, giảm 35% svck. Năm 2024 TDM đã lên kế hoạch tổng doanh thu gần 520 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 193 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 10 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành lần lượt 89% và 85% mục tiêu kinh doanh cả năm.

Trong đó, doanh thu từ sản xuất nước (hoạt động kinh doanh cốt lõi của TDM) ghi nhận tăng 4% svck, đạt 394 tỷ đồng và doanh thu từ nhượng vật tư ghi nhận 48 tỷ đồng (so với không ghi nhận trong cùng kỳ). Sản lượng nước tiêu thụ trong 10 tháng đầu năm tương đối khả quan với gần 57 triệu m³, tăng 3% svck và hoàn thành 79% mục tiêu cả năm.

Nước Thủ Dầu Một báo lãi 164 tỷ đồng sau 10 tháng, gia tăng sở hữu tại Cấp thoát nước Cần Thơ
Doanh thu từ sản xuất nước của TDM trong 10 tháng đầu năm ghi nhận tín hiệu khả quan

Tuy nhiên, tổng doanh thu trong 10 tháng đầu năm vẫn ghi nhận sự giảm nhẹ do doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 80% svck và chỉ đạt khoảng 23 tỷ đồng.

Theo giải trình của ban lãnh đạo, lợi nhuận sau thuế 10 tháng đầu năm 2024 giảm svck năm 2023 nguyên nhân do trong kỳ năm 2023 có ghi nhận doanh thu tài chính là cổ tức của Công ty CP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (BWE), 10 tháng đầu năm 2024 TDM ghi nhận tăng lượng cổ phiếu đầu tư do BWE chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngoài ra còn có chi phí dự phòng đầu tư tài chính (trích lập dự phòng cho các khoản lỗ tiềm năng tại công ty con Công ty CP Cấp Nước Gia Tân và Biwase Quảng Bình) và dự phòng lỗ chênh lệch tỷ giá tăng so với cùng kỳ năm trước.

Nước Thủ Dầu Một báo lãi 164 tỷ đồng sau 10 tháng, gia tăng sở hữu tại Cấp thoát nước Cần Thơ
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm của TDM

Mục tiêu gia tăng tỷ lệ sở hữu Cấp thoát nước Cần Thơ

TDM vừa thông qua phương án chào mua công khai cổ phiếu của Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ (CTW), động thái được giới đầu tư nhận định là một bước tiến trong chiến lược mở rộng và thâu tóm các đơn vị cùng ngành của TDM.

Đợt chào mua công khai cổ phiếu CTW của Nước Thủ Dầu Một dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 12/11/2024 đến 23/12/2024. Đại lý thực hiện chào mua cho TDM trong lần này là Công ty CP Chứng khoán Vietcap (VCI) – cổ đông lớn của TDM với tỷ lệ sở hữu 14,1%. Con số này tương đương với mức giá gốc hơn 648 tỷ đồng mà VCI đã đầu tư vào TDM tính đến thời điểm cuối quý 3/2024 và mang về khoảng 127 tỷ đồng lợi nhuận từ đây.

Theo kế hoạch, TDM sẽ chào mua công khai 6,82 triệu cổ phiếu CTW với giá 30.400 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền đầu tư dự kiến lên đến 207,3 tỷ đồng. Nếu giao dịch này thành công, TDM tổng sở hữu của TDM và các bên liên quan là Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BWE) sẽ lên đến 49%. Cụ thể, BWE tiếp tục nắm giữ 6,9 triệu cổ phiếu CTW (chiếm tỷ lệ 24,64%) trước đó và TDM nâng tỷ lệ sở hữu thành 24,36% vốn điều lệ của CTW với 6,82 triệu cổ phiếu.

Nước Thủ Dầu Một báo lãi 164 tỷ đồng sau 10 tháng, gia tăng sở hữu tại Cấp thoát nước Cần Thơ
Theo kế hoạch, TDM sẽ chào mua công khai 6,82 triệu cổ phiếu CTW với giá 30.400 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền đầu tư dự kiến lên đến 207,3 tỷ đồng

Cấp thoát nước Cần Thơ tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, chuyên hoạt động trong các lĩnh vực khai thác, xử lý, cung cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Tính đến cuối năm 2023, CTW có hai cổ đông lớn: Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ sở hữu 51% vốn điều lệ và Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BWE) sở hữu 24,64%. Phần còn lại 24,36% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ sở hữu dưới 5%.

Việc tăng tỷ lệ sở hữu tại Cấp thoát nước Cần Thơ được xem là một bước đi chiến lược trong kế hoạch mở rộng kinh doanh của Nước Thủ Dầu Một. Ngành cấp nước có đặc thù là mỗi tỉnh, thành phố chỉ có một số ít doanh nghiệp cung cấp nước sạch, hầu hết đều do UBND địa phương quản lý, vì vậy việc mở rộng hoạt động sang các khu vực khác là không dễ dàng.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho các nhà máy nước sạch ngày càng tăng, trong khi thời gian thu hồi vốn lại kéo dài, khiến các doanh nghiệp phải tìm đến giải pháp tăng trưởng thông qua các thương vụ M&A để mở rộng nhanh chóng và gia tăng thị phần.

Cụ thể, các doanh nghiệp xử lý và phân phối nước thường đầu tư nhà máy xử lý nước với công suất lớn ngay từ ban đầu, tuy nhiên, việc vận hành tối đa công suất mất nhiều thời gian, do cần liên tục phát triển và mở rộng hệ thống đường ống phân phối đến các hộ dân cư và doanh nghiệp sản xuất. Trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp phải chịu chi phí khấu hao cao, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp.

Vì vậy, việc góp vốn vào một doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực cấp và phân phối nước sẽ dễ dàng hơn, đồng thời, doanh nghiệp tham gia M&A cũng có thể tận dụng mạng lưới cấp nước sẵn có tại địa phương.

“Chọn mặt gửi vàng” cho dự án cao tốc gần 20 nghìn tỷ tại TP.HCM

TP.HCM mời gọi đầu tư cho dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giai đoạn I, với tổng vốn đầu tư 19.617 tỷ đồng. ...

Sabeco mạnh tay chi tiền thâu tóm Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco)

Từ ngày 31/10 đến 25/12/2024, Sabeco sẽ chào mua hơn 37,8 triệu cổ phiếu Sabibeco để nâng sở hữu từ 14,4 triệu lên 52 triệu ...

Hoài Nam

Hoài Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục