Nửa đầu tháng 11, xuất khẩu cà phê tăng mạnh đạt gần 37.000 tấn

(Banker.vn) Theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 11/2023, Việt Nam đã xuất 36.968 tấn cà phê, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ tháng trước.
Tận dụng EVFTA để xuất khẩu cà phê sang Bắc Âu: Giải pháp nào để thực thi Quy định chống phá rừng? Giá cà phê xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm ít nhất 20 USD/tấn Nguồn cung được bổ sung, giá cà phê xuất khẩu quay đầu giảm

Tuy nhiên, con số này vẫn giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu cà phê đạt 116,38 triệu USD, tăng 83,2% so với cùng kỳ tháng trước, nhưng giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Nửa đầu tháng 11, xuất khẩu cà phê tăng mạnh đạt gần 37.000 tấn
Xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng 11 tăng cao

Lũy kế 11,5 tháng vừa qua, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,51 triệu tấn cà phê, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch đạt 3,47 tỷ USD, giảm 1,9%.

Sau 8 tháng tăng liên tiếp, giá cà phê xuất khẩu trung bình trong nửa đầu tháng 11/2023 quay đầu giảm, đạt 3.148 USD/tấn, giảm 12,6% so với mức trung bình cả tháng 10/2023. Lũy kế 11,5 tháng ở mức 2.552 USD/tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trên thị trường hàng hoá phái sinh, giá cà phê xuất khẩu tiếp tục neo ở mức cao. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), chốt ngày ngày giao dịch 22/11, giá hai mặt hàng cà phê cùng khởi sắc trở lại. Trong đó, giá Arabica tăng 0,3% và giá Robusta cao hơn 1,33% so với tham chiếu.

Nửa đầu tháng 11, xuất khẩu cà phê tăng mạnh đạt gần 37.000 tấn
Giá hai loại cà phê cùng duy trì đà tăng

Khi mới mở cửa phiên chiều, giá Arabica và Robusta nối tiếp đà giảm của phiên hôm trước nhờ những tín hiệu tích cực từ nguồn cung. Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tăng sau hai tháng giảm liên tiếp và mưa xuất hiện tại vùng trồng cà phê chính của Brazil thúc đẩy triển vọng nguồn cung tích cực hơn. Đồng thời, sản lượng cà phê thu hoạch được tại Việt Nam khá tốt đã phần nào giúp xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 11 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ tháng trước.

Tuy vậy, khi chuyển sang phiên tối và thị trường Mỹ bắt đầu hoạt động mạnh hơn, lực mua nhanh chóng trở lại và áp đảo đối với cả hai mặt hàng cà phê. Giới đầu cơ vẫn đặt cược vào khả năng tăng giá cà phê trong bối cạnh lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ giúp giá hồi trở lại rất nhanh trong phiên hôm qua.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (23/11), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đi ngang, tiếp tục giữ ở mức 57.100 - 57.800 đồng/kg.

Đối với Việt Nam, hãng tin Reuters đánh giá nông dân Việt nam đã thu hoạch được 10 - 20% sản lượng cà phê dự kiến của niên vụ 2023/2024. Nguồn cung từ niên vụ mới đã giải toả phần nào tình trạng thiếu hụt kéo dài thời gian vừa qua.

Dự kiến niên vụ cà phê 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam giảm 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái. Do nguồn cung sụt giảm, giá cà phê sẽ tiếp tục ở mức cao do nhu cầu thị trường vẫn lớn, đặc biệt là EU giai đoạn từ nay đến tháng 4 năm sau. Cùng với đó, tại Trung Quốc, giới trẻ cũng ngày càng ưa thích cà phê hơn trà.

Đáng chú ý, tại nhiều địa phương trồng cà phê, hiện nay, người nông dân đã chú trọng hơn đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, tham gia các chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững.

Đơn cử, tại Gia Lai, Vĩnh Hiệp đã trở thành một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có trách nhiệm hàng đầu của Việt Nam khi kết hợp với người nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác… tham gia chuỗi sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C (sản xuất phù hợp với bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê). Khi sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, sản phẩm cà phê khi đưa ra thị trường sẽ không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, góp phần đưa sản phẩm cà phê Robusta của Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Bằng cách sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn, giá cà phê Gia Lai tăng hơn 10% so với tháng cùng kỳ năm trước (dao động trong khoảng 2.300-2.400 USD/tấn). Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu hàng hóa để tiếp cận thị trường thế giới. Cùng với đó, tác động của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA, RCEP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục