Nửa đầu năm 2024: Xuất khẩu 'vàng xanh' ghi nhận tăng trưởng 2 con số

(Banker.vn) Xuất khẩu ‘vàng xanh’ của Việt Nam nửa đầu năm 2024 ước đạt 61 nghìn tấn, trị giá 108 triệu USD, tăng 26,7% về lượng và tăng 32,1% về trị giá so với cùng kỳ.
Xuất khẩu chè, cách nào gia tăng miếng bánh thị phần? Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 4 cho Hoa Kỳ Cách nào mở rộng thị phần xuất khẩu chè sang Pakistan?

Được ví như ‘vàng xanh' của Việt Nam, chè không chỉ phục vụ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới.

Nửa đầu năm 2024: Xuất khẩu “vàng xanh” ghi nhận tăng trưởng 2 con số
Nửa đầu năm 2024: Xuất khẩu “vàng xanh” ghi nhận tăng trưởng 2 con số

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu chè của Việt Nam tháng 6/2024 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 32 triệu USD, tăng 58% về lượng và tăng 106,9% về trị giá so với tháng 5/2024; tăng 54,9% về lượng và tăng 86,4% về trị giá so với tháng 6/2023. Giá bình quân xuất khẩu chè tháng 6/2024 ước đạt 2.127,8 USD/tấn, tăng 20,3% so với tháng 6/2023.

Tính chung nửa đầu năm 2024, xuất khẩu chè ước đạt 61 nghìn tấn, trị giá 108 triệu USD, tăng 26,7% về lượng và tăng 32,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân xuất khẩu chè ước đạt 1.759,9 USD/tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu 2 chủng loại chè chính tăng trưởng tích cực. Trong đó, dẫn đầu là chè xanh đạt 23,5 nghìn tấn, trị giá 44,6 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và tăng 43,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là chè đen đạt 20,7 nghìn tấn, trị giá 26,6 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân xuất khẩu cả 2 chủng loại chè chính đều có xu hướng giảm nhẹ.

Ngược lại, xuất khẩu chè ướp hoa giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2024, đạt 741 tấn, trị giá 1,5 triệu USD, giảm 31,3% về lượng và giảm 31,4% về trị giá; xuất khẩu chè ô long đạt 319 tấn, trị giá 1,1 triệu USD, giảm 22,6% về lượng nhưng tăng 8,7% về trị giá. Về giá bình quân xuất khẩu, chủng loại chè ướp hoa đạt 1.985,9 USD/tấn, giảm 0,1%; trong khi giá chè ô long đạt 3.530,7 USD/tấn, tăng 40,4%...

Tại Việt Nam, cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước, tiếp đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7% và khu vực đồng bằng Bắc bộ 4%. Một số địa phương có diện tích chè lớn phải kể đến Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Lâm Đồng,…

Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc về sản lượng và xuất khẩu chè xanh. Về các thị trường, Pakistan là quốc gia nhập khẩu chè Việt Nam nhiều nhất.

Các sản phẩm từ cây chè của Việt Nam cũng ngày càng đa dạng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Việt Nam hiện có hơn 170 giống chè, hương vị đặc biệt, được thế giới ưa chuộng như: Chè sao lăn, chè xanh, chè ô long, chè Hương, chè thảo dược...

Do yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường thế giới, các vùng trồng chè đã đổi mới sản xuất sản phẩm chè theo hướng an toàn hữu cơ, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và hướng tới nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục