Nửa cuối tháng 3, cán cân thương mại thặng dư 1,97 tỷ USD

(Banker.vn) Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa cuối tháng 3/2023 (16/3-31/3), cán cân thương mại hàng hóa của cả nước đã xuất siêu 1,97 tỷ USD.
Việt Nam - Thái Lan: Hướng tới cân bằng cán cân thương mại Tháng 7, cả nước xuất siêu 74 triệu USD Đến giữa tháng 3, cán cân thương mại thặng dư gần 3 tỷ USD

Cụ thể, trong nửa cuối tháng 3, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 30,78 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế hết tháng 3/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 153,78 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 79,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 74,48 tỷ USD; xuất siêu 4,82 tỷ USD hàng hóa.

Nửa cuối tháng 3/2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 16,38 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.

kim-ngach-xuat-nhap-khau-sap-can-moc-300-ty-usd
Xuất siêu là điểm sáng của nền kinh tế trong quý I

Trong các mặt hàng xuất khẩu chính, có 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên với tổng kim ngạch đạt 8,5 tỷ USD, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nửa cuối tháng 3 của Việt Nam. Bao gồm, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng; hàng dệt may...

Trong số các mặt hàng xuất chính, có tới 34/45 mặt hàng xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng âm.

Ở chiều ngược lại, nửa cuối tháng 3/2023, Việt Nam nhập khẩu 14,4 tỷ USD hàng hóa, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1,97 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình chung của nền kinh tế thế giới. Bộ Công Thương dự báo thời gian tới, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới.

Giải pháp Bộ Công Thương đưa ra là hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng thật hiệu quả các FTA đã ký kết cũng như đẩy mạnh tìm kiếm và ký kết các FTA mới. Đơn cử, mới đây, FTA Việt Nam – Israel đã kết thúc đàm phán và dự kiến ký kết trong năm nay.

Ông Lê Thái Hòa – Tham tán thương mại Việt Nam tại Israel cho biết, mặc dù dung lượng thị trường khiêm tốn, với quy mô dân số xấp xỉ 9,7 triệu người, nhưng hoạt động kinh tế và ngoại thương của Israel khá phát triển. Năm 2022, thu nhập đầu người đạt xấp xỉ 55.000 USD; kim ngạch ngoại thương đạt 173 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 67 tỷ USD và nhập khẩu đạt 106 tỷ USD. Hàng năm, Israel có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu ở trong nước.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang Israel đạt 125,5 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, nếu tình hình thị trường diễn biến thuận lợi, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel trong cả năm 2023 có thể đạt khoảng 850 triệu USD.

Bên cạnh đó, FTA Việt Nam – UAE đã được khởi động đàm phán. Hiện UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi nhưng vẫn còn nhiều dư địa để phát huy hơn nữa tiềm năng của 2 nền kinh tế vốn có thế mạnh bổ sung cho nhau.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương