Nữ tướng Trịnh Thị Hà, người 'hồi sinh' dự án 'đất vàng' Hà Nội, đứng sau những thương vụ trái phiếu 'đình đám' là ai?

(Banker.vn) Bà Trịnh Thị Hà sinh năm 1979, nguyên quán huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hiện, bà Hà là người đại diện pháp luật cho loạt doanh nghiệp lớn có nhiều liên hệ đến PVcomBank, MSB và "ông lớn" khoáng sản Tây Giang Group.
Nữ tướng Trịnh Thị Hà, người 'hồi sinh' dự án 'đất vàng' Hà Nội, đứng sau những thương vụ trái phiếu 'đình đám' là ai?
Bà Trịnh Thị Hà là một người con của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong những câu chuyện làm ăn của nhóm MSB - PVcomBank - Tây Giang Group, bà Hà giữ một vai trò khó có thể thay thế.

Thâu tóm ngoạn mục

Dư luận những tuần qua xôn về việc Công ty CP Đầu tư Revital Việt Nam (viết tắt là Revital Việt Nam) - một doanh nghiệp không mấy tên tuổi nhưng đang "cõng" trên vai khoản nợ trái phiếu cỡ "khủng" lên tới 1.155 tỷ đồng, bất ngờ làm thủ tục giải thể.

Giữa bối cảnh câu chuyện trái phiếu còn "nóng", giới đầu tư bày tỏ lo ngại về "số phận" các nhà đầu tư vào lô trái phiếu của Revital Việt Nam. "Liệu trái chủ có cơ hội nhận lại được tiền gốc và lãi không? Trái chủ đó là ai?" - là những câu hỏi xuất hiện trên những diễn đàn tài chính lớn trong nước.

Trao đổi với một chuyên gia pháp lý, được biết theo quy định hiện hành, điều kiện để doanh nghiệp được phép giải thể đó là khi doanh nghiệp bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp; các chủ nợ sẽ được thanh toán đầy đủ các khoản nợ theo thứ tự pháp luật quy định.

Hiểu nôm na là Revital Việt Nam chỉ đủ điều kiện làm thủ tục giải thể khi đảm bảo thanh toán hết nợ trái phiếu cho các trái phiếu.

Nữ tướng Trịnh Thị Hà, người 'hồi sinh' dự án 'đất vàng' Hà Nội, đứng sau những thương vụ trái phiếu 'đình đám' là ai?
Đầu tư Revital Việt Nam đã ngừng hoạt động, đang trong quá trình làm thủ tục giải thể.

Tuy nhiên, đó chỉ là những nhận định ban đầu khi quan sát động thái làm thủ tục giải thể của Revital Việt Nam. Tìm hiểu sâu hơn câu chuyện này có thể nhận thấy những chi tiết đáng chú ý.

Trước hết, cần khẳng định nguyên nhân Revital Việt Nam làm thủ tục giải thể không phải vì phá sản, mà thực tế đã bị sáp nhập vào một doanh nghiệp khác, đó là Công ty CP Phát triển đầu tư - Xây dựng Bách Giang - DCI (viết tắt là Bách Giang - DCI), từ tháng 5/2023.

Bách Giang - DCI là chủ dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới phía Đông huyện Văn Giang (huyện Văn Giang, Hưng Yên), quy mô 50 ha. Dự án có tên thương mại là Khu đô thị Long Hưng, tổng mức đầu tư hơn 2.480 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, Bách Giang - DCI cũng nhận sáp nhập Công ty CP Đầu tư Thủy Hoa (Đầu tư Thủy Hòa). Revital Việt Nam và Đầu tư Thủy Hòa có điểm chung là cùng chia nhau sở hữu toàn bộ cổ phần của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản NVH, trong đó, Revital Việt Nam sở hữu 55% cổ phần (tương ứng 1.457,5 tỷ đồng), còn lại thuộc về Đầu tư Thủy Hòa với 45% (tương ứng 1.192,5 tỷ đồng).

Trước khi có giao dịch trên, tháng 11/2021, Bách Giang - DCI cũng đang làm thủ tục "thôn tính" Bất động sản NVH, qua đó đưa quy mô tài sản "phình nở" lên hàng nghìn tỷ đồng. Xét riêng vốn điều lệ lúc bấy giờ, giá trị đăng ký đã tăng từ 364,5 tỷ đồng lên 2.652 tỷ đồng, sau thương vụ trên tăng tiếp lên 3.542 tỷ đồng.

Ngoài ra, Revital Việt Nam và Đầu tư Thủy Hòa còn điểm chung khác là đều đã phát hành lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổng trị giá 2.100 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 17/9/2018, Revital Việt Nam đã chào bán lô trái phiếu có mã REV.Bond.2018 ra thị trường với giá trị 1.155 tỷ đồng. Kỳ hạn trái phiếu là 7 năm (đáo hạn ngày 17/9/2025), đặc biệt lãi suất quá "ưu đãi" chỉ 4%/năm, và nhà đầu tư được nhận lãi sau mỗi 6 tháng.

Cũng trong ngày 17/9/2018 hôm đó, Đầu tư Thủy Hòa phát hành xong gói trái phiếu THH.BOND.2018 có giá 945 tỷ đồng, với các thông số tương tự như của Revital Việt Nam, từ kỳ hạn cho đến lãi suất, và cả tổ chức lưu ký, là Công ty Chứng khoán Dầu khí - PSI.

Trở lại với Bách Giang - DCI, bởi là đơn vị nhận sáp nhập, nên theo quy định Bách Giang - DCI sẽ được nhận toàn bộ tài sản, cũng như quyền, nghĩa vụ nợ của Revital Việt Nam và Đầu tư Thủy Hòa. Chiếu theo quy định, có thể hiểu Bách Giang - DCI sẽ là "con nợ" thế thân của các nhà đầu tư trái phiếu.

Thêm một thông tin cũng rất đáng lưu tâm, đó là vào ngày 18/7/2022, cả Revital Việt Nam và Đầu tư Thủy Hòa đều đồng loạt phát sinh giao dịch bảo đảm với phía Ngân hàng TMCP Đại Chúng - PVcomBank, trong đó, tài sản được đem "gán" cho nhà băng là toàn bộ 100% cổ phần của Bách Giang - DCI (giá trị khi đó là 2.650 tỷ đồng). Như đã biết, PVcomBank là ngân hàng nắm cổ phần chi phối tại PSI.

Theo chi tiết hợp đồng, Revital Việt Nam đem thế chấp 54,958% cổ phần Bách Giang - DCI, còn lại 44,966% do Đầu tư Thủy Hòa đứng tên. Điều đó có nghĩa, Revital Việt Nam và Đầu tư Thủy Hòa lúc đó là 2 pháp nhân nắm quyền chi phối tuyệt đối Bách Giang - DCI.

Tuy nhiên, bất ngờ là chỉ gần 1 năm sau, cả 2 pháp nhân cùng giải thể, và bị sáp nhập vào công ty con. Giới quan sát đánh giá, các "động tác" hiếm gặp của cả 3 doanh nghiệp này đều là những nghiệp vụ tài chính không đơn giản, có dụng ý rõ ràng.

Và màn "khắc xuất - khắc nhập" này được thực hiện dưới sự điều phối của một nữ doanh nhân dù kín tiếng, nhưng là "mắt xích" quan trọng trong một hệ sinh thái rộng lớn, đáng nể. Người đang được nhắc tới là bà Trịnh Thị Hà (SN 1979).

'Nữ tướng' Trịnh Thị Hà

Bà Trịnh Thị Hà là Chủ tịch HĐQT Bách Giang - DCI, từ tháng 9/2018 đến nay. Bà Hà nhận ghế lãnh đạo cao nhất tại doanh nghiệp này chỉ trước vài ngày 2 lô trái phiếu trên được phát hành. Về tay "nữ chủ" mới, Bách Giang - DCI "phất như diều", vốn điều lệ tăng không ngừng từ 364,5 tỷ đồng (thời điểm tháng 11/2021) lên tận 3.542 tỷ đồng như hiện tại.

Còn ở Revital Việt Nam, bà Trịnh Thị Hà giữ ghế Chủ tịch HĐQT từ thời doanh nghiệp còn lấy tên là Công ty CP Đầu tư Tài Tâm Việt. Đến tháng 2/2018 - vài tháng trước đợt phát hành trái phiếu, bà Trịnh Thị Hà rút lui, thay thế là bà Trần Kim Hạnh (SN 1978), Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật đương nhiệm.

Được biết, bà Hà là một người con của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Không chỉ chèo lái các doanh nghiệp nói trên, bà Hà còn đứng tên ở hàng loạt các đơn vị có quy mô "khủng" khác.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, giai đoạn bà Hà phát triển như "vũ bão" là từ sau năm 2014. Trước đó, bà Trịnh Thị Hà chỉ làm "sếp" của Công ty CP Dịch vụ Viễn thông I.P (IPComs), một doanh nghiệp nhỏ chuyên về hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật liên quan, sau nhiều năm gắn bó.

Điểm nhấn là IPComs dù nhỏ, nhưng có địa chỉ chính tại số 40 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP.HCM. Đây cũng là cứ điểm quan trọng của PVcomBank, khi vài năm về trước, họ đã quyết định đặt Chi nhánh miền Nam của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng PVcomBank tại đây.

Nữ tướng Trịnh Thị Hà, người 'hồi sinh' dự án 'đất vàng' Hà Nội, đứng sau những thương vụ trái phiếu 'đình đám' là ai?

Một số dự án IPComs đã tham gia cung cấp dịch vụ, giải pháp viễn thông, công nghệ thông tin.

Năm 2015, bà Hà cũng bắt đầu đại diện pháp luật cho Công ty CP Đầu tư Địa Việt (Đầu tư Địa Việt) và "cầm cương" đến 5 năm kế tiếp. Suốt thời gian bà Hà làm Giám đốc, Đầu tư Địa Việt cũng đăng ký trụ sở chính tại số 40 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP.HCM, cùng địa chỉ với IPComs, PVcomBank.

Với giới tài chính, Đầu tư Địa Việt không phải cái tên xa lạ, vì doanh nghiệp này đã từng xuất hiện và dành nhiều sự chú ý trong thương vụ bầu chọn HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 của PVcomBank diễn ra hồi tháng 3/2018.

Lúc đó, cơ cấu cổ đông của PVcomBank không quá cô đặc, với 52% cổ phần nằm trong tay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam, 6,7% thuộc về cổ đông chiến lược Ngân hàng Morgan Stanley, và hơn 41,3% phân tán cho ít nhất 3 nhóm cổ đông khác, dẫn đầu bởi Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam - MSB, Công ty Cốc hóa Tây Giang và Công ty Đầu tư Địa Việt, theo mô tả của PVcomBank.

Tỷ lệ sở hữu của mỗi nhóm đều trên 10%, theo đó, họ có quyền đề cử nhân sự của mình vào HĐQT, Ban kiểm soát PVcomBank nhiệm kỳ mới.

Bà Trịnh Thị Hà - Giám đốc Đầu tư Địa Việt lúc này đã cùng 3 cổ đông khác (ông Trần Quốc Tuấn, ông Nguyễn Nam Định, ông Đỗ Mạnh Tùng) đề cử ông Trịnh Hữu Hiền (SN 1969) vào HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Trong khi đó, nhóm cổ đông thứ 2, bao gồm Công ty TNHH Cốc hóa Tây Giang, Công ty CP Cốc hóa Tây Giang Cao Bằng, ông Cao Hùng Cường đề cử ông Ngô Ngọc Quang; và nhóm thứ 3 gồm MSB, Công ty TNHH Bất động sản HA Quận Ba, ông Lê Minh Tuấn và ông Lê Xuân Học đề cử ông Nguyễn Hoàng Nam.

Kết quả là ông Trịnh Hữu Hiền, cùng với ông Ngô Ngọc Quang, ông Nguyễn Hoàng Nam đồng loạt đắc cử và chính thức thành Thành viên HĐQT PVcomBank, và đều phấn đấu làm trụ cột không thể thiếu của ngân hàng cho đến bây giờ.

Các nhóm cổ đông này, dù được đánh số thứ tự riêng biệt, song đều liên quan mật thiết đến bà Trịnh Thị Hà, Tây Giang Group - doanh nghiệp được biết đến khi sở hữu nhiều khu mỏ khai thác, nhà máy chế biến khoáng sản vùng Tây Bắc - và MSB.

Cụ thể, bà Trịnh Thị Hà (nhóm 1) từng sở hữu 55% của Công ty TNHH Cốc hóa Tây Giang (nhóm 2); tương tự, cộng sự Đỗ Mạnh Tùng của bà cũng có thời điểm nắm 75% cổ phần Cốc hóa Tây Giang Cao Bằng (nhóm 2).

Trong khi đó, ông Lê Xuân Học (nhóm 3, đối tác của MSB) cũng hiện diện trong danh sách cổ đông của Cốc hóa Tây Giang Cao Bằng (nhóm 2). Bà Trịnh Thị Hà và ông Trần Quốc Tuấn còn từng là cổ đông lớn nhất của Công ty TNHH Bất động sản HA Quận Ba (nhóm 3).

Nữ tướng Trịnh Thị Hà, người 'hồi sinh' dự án 'đất vàng' Hà Nội, đứng sau những thương vụ trái phiếu 'đình đám' là ai?
3 nhóm cổ đông lớn của PVcomBank lộ diện trong đợt bầu chọn HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Đó là chưa kể, Cốc hóa Tây Giang và Đầu tư Địa Việt vào tháng 6/2015 đã cùng ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư nhằm hợp tác đầu tư góp vốn thực hiện, khai thác, chia sẻ lợi nhuận phát sinh từ dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất than cốc công suất 600.000 tấn/năm, tại Khu công nghiệp Bình Vàng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Bên cạnh đó, Tây Giang Group cũng từng "bắt tay" với Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (tiền thân của TNG Holdings) của vợ chồng doanh nhân Trần Anh Tuấn - Nguyễn Thị Nguyệt Hường góp vốn sáng lập một pháp nhân có tên Công ty CP Khai thác Chế biến Khoáng sản Việt (VMPCo).

VMPCo từng nắm trong tay khoảng 40 mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn ở khu vực phía Bắc. Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT MSB, chồng bà Nguyệt Hường, có thời kỳ còn trực tiếp giữ ghế Chủ tịch của VMPCo.

Với những dữ liệu trên, có thể nói bà Trịnh Thị Hà ít nhiều có liên quan hoặc giữ một vai trò nhất định trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp PVcomBank - Tây Giang Group - MSB.

Vì vậy, bà Hà được giao trọng trách điều phối tại những doanh nghiệp cốt yếu trong hệ sinh thái với "sứ mệnh" huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu, hay như "hồi sinh" những dự án "đất vàng" giữa lòng Hà Nội.

Ngoài mảng huy động vốn trái phiếu với các pháp nhân như Revital Việt Nam, Bách Giang - DCI... nêu trên, bà Trịnh Thị Hà còn làm Tổng giám đốc Công ty CP Veracity, đơn vị phát triển dự án Harmony Square - 199 Nguyễn Tuân và cũng đang đảm nhiệm vai trò giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP Familia - chủ đầu tư dự án chung cư Discovery Complex 3 số 254 đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội).

Không ai khác, PVcomBank vẫn là nhà băng cấp tín dụng cho Veracity và các đơn vị liên quan đến bà Trịnh Thị Hà.

Tầm vóc lớn của nữ tướng Trịnh Thị Hà trong hệ sinh thái MSB - PVcomBank
Dàn lãnh đạo chút chốt của Veracity, đứng đầu là bà Trịnh Thị Hà.

Chẳng hạn, ngày 20/9/2019, Veracity đã cầm cố dự án Summit Building 216 Trần Duy Hưng tại ngân hàng này, đồng thời cổ đông khi đó gồm ông Nguyễn Hải Lưu và Nguyễn Anh Tiến cũng đã thế chấp toàn bộ cổ phần Veracity đang sở hữu.

Tương tự, chủ đầu tư Harmony Square cũng thế chấp dự án cho phía PVcomBank từ đầu năm 2022, và ít ngày sau Công ty An Việt (công ty mẹ của chủ đầu tư) tiếp tục đem toàn bộ 100% cổ phần của Bất động sản DLC làm tài sản bảo đảm cho một hợp đồng với ngân hàng này.

Hợp đồng được ký vào ngày 20/1/2022. Hồi cuối 2019, Veracity huy động 1.135 tỷ đồng trái phiếu, theo đó PSI đảm nhiệm vai trò tổ chức đại lý phát hành, đại lý lưu ký, quản lý chuyển nhượng...

PVCombank “quay xe” khiến 752 căn hộ Aqua City của Novaland hủy đủ điều kiện bán: Vai trò của PVCombank thực chất như thế nào?

Những đợt huy động trái phiếu nghìn tỷ, những hoạt động thế chấp tài sản đảm bảo với Dự án Aqua 112ha không có sự ...

Veracity - nhân tố 'hồi sinh' dự án 'đất vàng' Summit Building và Harmony Square là ai?

Thời gian qua, giới đầu tư Hà Nội tỏ ra hứng thú với sự nổi lên như cồn của một nhà phát triển bất động ...

Sau 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Đình Lâm, sức khoẻ tài chính của PVComBank ra sao?

Quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế của PVComBank chỉ đạt 14,5 tỷ đồng, giảm tới 83,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, ...

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục