Nông sản Việt sẽ cạnh tranh bằng chất lượng và uy tín tại thị trường EU

(Banker.vn) Thay vì cạnh tranh bằng giá như trước đây, nông sản Việt Nam sẽ cạnh tranh bằng chất lượng và uy tín để khai thác được giá trị cao hơn, bền vững hơn tại EU.
Ngành Công Thương đặt trọng tâm vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA Tận dụng lợi thế từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA Thực thi Hiệp định EVFTA: Đổi mới hoạt động công đoàn, đảm bảo cam kết về lao động Để nông sản Việt không phải “thay tên đổi họ” khi xuất khẩu vào EU

EU - thị trường khắt khe đối với hàng nông sản xuất khẩu

Liên minh Châu Âu là một thị trường quan trọng đối với các nhà xuất khẩu nông sản thế giới. EU có tổng dân số khoảng 516 triệu người, mức thu nhập GDP bình quân trên 35.000/năm; mỗi năm, EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu.

Từ khi được đưa vào thực thi, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội cho ngành hàng nông sản Việt Nam đẩy mạnh thâm nhập thị trường quan trọng này. Song, dù hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam đã có sự tăng trưởng xuất khẩu cao trong những năm gần đây, giúp Việt Nam trở thành nguồn cung thứ 4 về nông sản, thực phẩm tại thị trường này, nhưng tỷ trọng vẫn còn khiêm tốn và nông sản Việt Nam chủ yếu xuất thô, giá cả kém cạnh tranh. Các kênh phân phối mà hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam tiếp cận được cũng còn rất hạn chế, chủ yếu là các công ty thu mua.

Nông sản Việt sẽ cạnh tranh bằng chất lượng và uy tín tại thị trường EU
Dù hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam đã có sự tăng trưởng xuất khẩu cao, nhưng nông sản Việt Nam chủ yếu xuất thô, giá cả kém cạnh tranh. Ảnh minh họa

Trong tọa đàm “Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản khu vực EU - Hoa Kỳ” do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức vào trung tuần tháng 12/2023, chỉ ra 3 nguyên nhân để lý giải cho câu hỏi tại sao EVFTA mang lại những ưu đãi vượt trội nhưng mức độ khai thác lại thấp, bà Nguyễn Thùy Linh - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước hết là do những hạn chế về logistics và vận chuyển khiến các doanh nghiệp Việt Nam ưa thích những thị trường gần.

Thứ hai, do sự khác biệt lớn về tiêu chuẩn, quản lý chất lượng giữa Việt Nam và châu Âu nên các doanh nghiệp Việt Nam có tâm lý ưu tiên những thị trường có sự tương đồng về tiêu chuẩn và thứ ba, các doanh nghiệp trong nước cũng ưu tiên lựa chọn những thị trường có ý thức tiêu dùng tương tự, trong khi thị trường châu Âu lại có nhiều khác biệt so với Việt Nam.

“Những điểm còn hạn chế kể trên cũng cho thấy dư địa còn rất lớn cho nông sản Việt Nam tại thị trường EU” - bà Linh đưa ra nhận định và lưu ý rằng nếu không nhanh chóng tận dụng những ưu đãi từ EVFTA, cơ hội có thể sẽ mất đi vì EU đang chuẩn bị kết thúc đàm phán FTA với Thái Lan. Trong khi đây lại là đối thủ đáng gờm đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam, nên nếu có FTA, chắc chắn hàng Thái Lan sẽ có sự phát triển rất nhanh tại EU.

Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cũng thẳng thắn nêu thực tế, dù các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã đa dạng, nhưng hàm lượng chế biến vẫn còn hạn chế. Chỉ có một số sản phẩm bị hạn chế về mở cửa thị trường có sự phát triển rất mạnh về chế biến.

Bà Nguyễn Thảo Hiền nêu ví dụ, trong ngành dừa, trước khi mở cửa được trái dừa tươi vào thị trường Hoa Kỳ, các sản phẩm như dầu dừa, nước dừa chế biến, nước cốt dừa cũng đã rất phổ biến tại Hoa Kỳ và thị trường EU. Đặc biệt, những sản phẩm công nghiệp này không chịu sự kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm như các sản phẩm tươi sống.

Do vậy, việc đầu tư chế biến cho các sản phẩm nông sản vẫn là hướng đi căn cơ và lâu dài” - bà Hiền phân tích và khẳng định, Bộ Công Thương hoàn toàn ý thức được rằng các sản phẩm xuất khẩu nông sản là một trong những ngành có giá trị gia tăng nhiều nhất và Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất. Do đó, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ từ công tác thông tin thị trường hay thông tin về các thay đổi của quy định, mà còn có những hoạt động hỗ trợ kết nối vô cùng thiết thực.

Hướng tới cạnh tranh bằng chất lượng, uy tín

Là người gắn bó lâu năm với thị trường EU, ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại khu vực thị trường EU cũng phân tích, hiện nay EU đang tiến hành sửa đổi quy định liên quan đến chiếu xạ thực phẩm. Theo đó, việc chiếu xạ có thể sẽ áp dụng đối với một số loại rau gia vị và một số loại gia vị theo mùa. Bên cạnh đó, EU có thể sẽ công nhận một số cơ sở chiếu xạ tại các nước bên ngoài EU để thực hiện cung cấp dịch vụ, chiếu xạ cho các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này.

Nông sản Việt sẽ cạnh tranh bằng chất lượng và uy tín tại thị trường EU
Việt Nam đã hình thành được kênh tiêu thụ sầu riêng nguyên trái tại các thị trường trong khối EU. Ảnh minh họa

Một quy định khác cũng đang được EU dự thảo và có khả năng sẽ áp dụng trong năm 2024 là tăng tần suất kiểm tra đối với mặt hàng sầu riêng lên 10%. Cụ thể, việc xuất khẩu sầu riêng trái tươi của Việt Nam vào EU chỉ mới bắt đầu khoảng 2-3 năm gần đây, chủ yếu ở các thị trường Séc, Đức, Hà Lan, Pháp và cạnh tranh rất tốt với sầu riêng từ Thái Lan, Malaysia. Việt Nam cũng đã hình thành được kênh tiêu thụ sầu riêng nguyên trái tại các thị trường trong khối EU. Tuy nhiên, thời gian qua tần suất cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, nên EU đang tính tới chuyện sẽ tăng tần suất kiểm tra.

Do vậy, trong thời gian tới, để đẩy nhanh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm hiểu những thay đổi của thị trường xuất khẩu; cùng đó, chủ động thích ứng để duy trì đà xuất khẩu, trong đó lấy chất lượng hàng hóa, uy tín thương hiệu làm trọng tâm để hướng tới xuất khẩu bền vững.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, để hỗ trợ cũng như đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp cần có những tiếp cận mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, ổn định nguồn cung và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông lâm, thủy sản.

Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của thị trường EU để kịp thời đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ để có phản ứng chính sách phù hợp.

Đồng thời, Bộ cũng tăng cường và đổi mới về xúc tiến thương mại hướng đến thị trường EU nhiều tiềm năng; tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thế mạnh, những ưu đãi trong EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương