(Banker.vn) Nhìn nụ cười rạng rõ của em Kiều cùng những giọt nước mắt của bà hôm vào nhà mới, tôi thấy niềm vui và hạnh phúc dường như đang lan tỏa. Hình ảnh hai bà cháu em Kiều phải chăng sẽ là một trong những hình ảnh tôi không thể quên trong suốt cuộc đời làm ngân hàng của mình, như mở thêm một trang sách giúp tôi hiểu hơn về nhân nghĩa và tình người!

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Đỗ Ngọc Quảng, công tác tại Vietcombank Móng Cái.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không...”      

Vừa nhâm nhi ly cà phê tôi vừa thả hồn mình theo ca khúc “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và tự trải nghiệm về những gì đã qua. Vậy là tôi đã làm giao dịch viên Ngân hàng Vietcombank được vài năm, bao nhiêu chuyện diễn ra, vui có, buồn có và câu chuyện tôi muốn kể ra đây có lẽ là một trong những kỷ niệm sâu sắc của tôi khi công tác trong ngành Ngân hàng.

Hôm đó là một ngày bình thường như bao ngày khác. Trời mưa phùn khá ẩm ướt. Trận gió mùa Đông Bắc kéo dài hơn tuần vẫn còn âm ỉ, kết hợp với đợt mưa phùn lần này khiến cái lạnh càng trở nên giá buốt hơn. Quả thật với thời tiết này thì ai cũng ngại ra ngoài nếu không có việc gì cần thiết. “Lại một ngày vắng khách nữa đây!” - Tôi tự nhủ trong lòng.

Là một giao dịch viên ngân hàng có lẽ không ai thích những ngày buồn tẻ như thế này. Nếu đông khách, đôi khi cũng hơi vất vả nhưng đó chỉ là một phần, còn trên hết chính là niềm vui được làm việc, được cống hiến, được tiếp xúc với những khách hàng mà mình yêu quý.

Đang ngồi xem lại những chứng từ hôm trước thì chợt cánh cửa ra vào bật mở. Một bà cụ run rẩy bước vào. Nhìn ánh mắt bà có gì đó lúng túng, dường như bà ít khi đến chỗ đông người. Bà đội chiếc nón rách, khoác tấm vải mưa qua vai, chân đi đôi dép lê đến là tội. Khổ thân cụ - tôi thầm nghĩ. Chúng tôi giày tất đầy đủ lại ngồi trong phòng điều hòa còn thấy rét, thế mà...

Thấy bà ngơ ngác như tìm kiếm điều gì, tôi bước ra khỏi quầy đến gần chỗ bà và hỏi: “Bà ơi, bà làm gì vậy, cháu giúp gì được bà không?”

Bà khẽ nói, giọng vẫn còn run run vì lạnh: “Cháu ơi, bà muốn gửi tiền lấy lãi thì ở đâu hả chú?”

- Dạ, vậy thì cháu mời bà lại ngồi ghế đây ạ! - Nói rồi tôi đưa bà đến quầy tôi làm.

- Bà ơi, bà muốn gửi bao nhiêu tiền, kỳ hạn bao lâu ạ? - Tôi hỏi.

- Bà cũng chẳng biết gửi kỳ hạn như thế nào đâu cháu ạ. Cháu cứ làm sao để mỗi tháng bà có tiền rút về nuôi cháu bà là được, mấy cô hàng xóm dặn bà thế.

Như linh cảm có điều gì đó trong câu chuyện của bà, tôi ghé lại gần bà để hỏi chuyện. Phần cũng vì hôm nay vắng khách nên tôi có thể dành cho bà nhiều thời gian hơn.

Tôi hỏi: “Bà ơi, cháu hỏi bà đừng giận nhé. Sao bà lại phải gửi tiền để hàng tháng nuôi cháu hả bà?”

Như gặp được người để tâm sự, bà khẽ kể với tôi:

“Khổ lắm cháu ạ, có đứa cháu ngoại mẹ nó mất từ khi lên ba. Bố nó phải đi kéo xe bò thuê, rồi làm thêm cửu vạn để kiếm tiền nuôi bà và hai bố con nó. Nhưng của đáng tội, cuối năm ngoái bố nó bị mất do ung thư gan. Trước khi qua đời, bố nó có đưa bọc tiền nhỏ bảo tiền dành dụm định làm căn nhà cấp 4 cho đỡ gió rét mùa đông, nhưng...”. Nói đến đây giọng bà nghẹn lại, nước mắt lăn dài trên gò má.

 - Dạ, bà ơi, cháu hiểu rồi. Vậy là bà đem gửi tiền để hàng tháng lấy lãi nuôi cháu ăn học đúng không ạ?

 - Ừ, mấy cô hàng xóm sang chơi bảo trước hết phải lo cho cái Kiều (cháu bà) học xong đã. Họ bảo cứ đem số tiền bố nó để lại lên ngân hàng gửi tiết kiệm, hàng tháng lấy lãi nuôi cháu nó ăn học. Hôm nay được trăm ngày bố cái Kiều, tôi mang tiền đến đây mong các cô chú ngân hàng giúp đỡ.

Bà đưa tôi số tiền được gói rất kỹ trong chiếc túi vải. Những tờ tiền 50 nghìn, 100 nghìn rồi 200 nghìn được xếp cẩn thận. Tôi đếm số tiền, tổng được 90 triệu đồng. Tôi làm sổ tiết kiệm cho bà và hẹn bà hàng tháng vào ngày này lên ngân hàng lĩnh lãi.

 Thấy trời vẫn còn mưa, tôi tặng bà chiếc áo mưa của ngân hàng. Bà tần ngần không dám lấy. Tôi nói: “Bà ơi, đây là quà của ngân hàng. Bà cứ cầm lấy đi, không sao đâu bà ạ!”.

Bà nắm chặt tay tôi: “Cảm ơn cháu, thật phúc đức cho bà hôm nay gặp được người tốt!”.

Nhìn bóng bà tất tả đi về dưới trời mưa ngày một thêm lạnh, trong lòng tôi dâng trào cảm xúc thật khó tả.

Và rồi theo định kỳ hàng tháng, đúng ngày bà lại lên ngân hàng để lĩnh lãi. Mỗi lần được vài trăm nghìn nhưng trên khuôn mặt bà luôn rạng ngời niềm vui mừng khôn siết. Lần nào bà cũng kể cho tôi nghe về đứa cháu yêu quý của bà, về những điểm 10, điểm 9 cũng như thành tích học tập của em.

Công việc của giao dịch viên hầu hết là luôn bận rộn nên chỉ thỉnh thoảng tôi mới nói chuyện được với bà, còn lại tôi chỉ ậm ừ rồi hẹn bà những tháng sau nói chuyện tiếp. Biết tôi bận nên bà cũng vui vẻ hẹn tháng sau bà lại lên.

Kỳ lĩnh lãi thứ 5, đã đến ngày mà không thấy bà lên ngân hàng. Ba ngày, rồi bốn ngày, tôi linh cảm dường như có chuyện gì đó bất an đang đến với bà. Suy nghĩ đắn đo, cuối cùng tôi quyết định tìm đến nhà bà theo địa chỉ trên sổ tiết kiệm.

Con đường thật ghồ ghề đầy cát và sỏi. Phải khó khăn lắm tôi mới đến được nơi mình cần tìm. Trước mắt tôi là ngô nhà tạm bợ, lợp mới tôn, xung quanh quây cót ép. Trước cửa, một em nhỏ đang cho gà ăn. Tôi hỏi thăm thì biết đây đúng là nhà của bà.

Khi tôi vào nhà thì bà đang nằm trên giường. Bà bị mệt đã mấy ngày hôm nay. Nhìn thấy tôi, bà tỏ rõ nét mặt mừng rỡ. Bà nói với tôi, giọng vẫn còn mệt: “Bà biết mấy hôm trước là ngày lĩnh lãi nhưng bà ốm quá không lên được ngân hàng, như vậy có sao không cháu?”.

- Dạ, bà cứ yên tâm. Cháu đã nhập số lãi vào gốc cho bà rồi ạ.

Bà khẽ gật đầu. Có lẽ bà cũng không hiểu lắm một số thuật ngữ của ngân hàng nhưng tôi thấy trong mắt bà ẩn chứa sự tin tưởng nơi tôi.

Lúc này em nhỏ bê bát cháo vẫn còn nóng hổi lên cho bà. Điều gây ấn tượng đặc biệt với tôi ở em là khuôn mặt xinh xắn dễ thương với đôi mắt to tròn, đen lóng lánh rạng ngời nét thông minh. Bà tự hào: “Đây là cái Kiều, đứa cháu ngoại mà bà vẫn kể cho cháu nghe đấy. Được cái nó học giỏi lắm cháu ạ, năm nào cũng được giấy khen”.

- Cháu chào chú! - Em bé khẽ chào tôi. Chắc do gặp người lạ lần đầu nên em vẫn còn ngại.

Tôi ngồi nhìn ngôi nhà tuyềnh toàng của gia đình bà. Vật dụng chẳng có gì đáng giá. Tuy nhiên, điều gây ấn tượng đặc biệt với tôi là những tấm giấy khen về thành tích học tập của em Kiều được treo ở một vị trí trang trọng. Chắc bố mẹ em ở bên kia thế giới cũng cảm thấy an lòng.

Tôi ngồi nói chuyện với bà một lúc cho bà vui và chúc bà sớm khỏi bệnh.

Ra về, trong lòng tôi nặng trĩu ưu tư. Tôi được biết, sau khi bố mẹ mất, em Kiều được thành phố hỗ trợ 180.000 đồng một tháng, nhà trường miễn toàn bộ học phí cộng với số tiền lãi gửi ngân hàng, như vậy mỗi tháng cũng được vài trăm nghìn nhưng không hiểu trong thời buổi hiện nay thì với số tiền đó hai bà cháu sẽ sống như thế nào. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về hai bà cháu và quyết định phải làm một việc gì đó.

Tôi đã kể câu chuyện với các đồng chí trong Ban Chấp hành chi đoàn và cùng bàn bạc về việc nhận đỡ đầu em Kiều để từ đó giúp em bớt khó khăn cũng như có điều kiện vươn lên trong học tập. Ý kiến của tôi nhanh chóng được các đồng chí trong chi đoàn hưởng ứng.

Từ đó, giữa tôi và gia đình bà càng trở nên thân thiết. Cứ đến dịp Tết nguyên đán, rằm trung thu, năm học mới, chi đoàn chúng tôi lại mang quà tới cho em Kiều. Lần nào em cũng khoe về những điểm 9, điểm 10 em đạt được. Và thật vui mừng khi vào dịp 19/5, em được đại diện cho các bạn nhỏ tỉnh Quảng Ninh về Thủ đô Hà Nội báo công với Bác và được Hội đồng Đội Trung ương tặng Bằng khen về thành tích vượt khó học giỏi. Các bạn đội viên trên toàn thành phố cũng quyên góp ủng hộ xây cho hai bà cháu em Kiều một căn nhà tình thương với tên gọi “Ngôi nhà khăn quàng đỏ”.

Nhìn nụ cười rạng rõ của em Kiều cùng những giọt nước mắt của bà hôm vào nhà mới, tôi thấy niềm vui và hạnh phúc dường như đang lan tỏa. Hình ảnh hai bà cháu em Kiều phải chăng sẽ là một trong những hình ảnh tôi không thể quên trong suốt cuộc đời làm ngân hàng của mình, như mở thêm một trang sách giúp tôi hiểu hơn về nhân nghĩa và tình người!                        

ĐỖ NGỌC QUẢNG

Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục