"Nội soi" khối nợ vay tỷ USD của đại gia bất động sản trên sàn, hé lộ danh tính "chúa chổm" ngành địa ốc

(Banker.vn) Theo thống kê của Kinhtechungkhoan.vn, tổng dư nợ vay của 15 đại gia bất động sản lớn nhất sàn chứng khoán đang đạt mức 180.000 tỷ đồng, có chiều hướng tăng nhẹ trong ba tháng đầu năm...
Trong số 15 “ông lớn” địa ốc, Novaland là doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất, lên đến 62.729 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng nợ

Từ ngày 19/6, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với tổ chức tín dụng chỉ còn 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn còn 4,5%/năm và lãi suất tái chiết khấu chỉ còn 3%/năm.

Đồng thời, với tiền gửi từ 1 đến dưới 6 tháng, lãi suất cao nhất được áp dụng chỉ còn ở mức 4,75%/năm. Trong khi đó, lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng vẫn được giữ nguyên ở mức 0,5% một năm.

Riêng quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, nhà điều hành áp dụng mức giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25% đối với lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của tổ chức tín dụng để phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 4,5%/năm xuống 4%.

Triển khai quy định mới của NHNN, các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Thậm chí, có nhà băng còn mạnh tay giảm lãi suất xuống còn 3,4%/năm.

Đây là tin vui đối với các doanh nghiệp, bởi lẽ, lãi suất điều hành giảm sẽ tạo điều kiện để lãi suất cho vay “hạ nhiệt”, hỗ trợ doanh nghiệp giảm một phần chi phí tài chính, đồng thời tăng khả năng tiếp cận vốn, từ đó phục hồi sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, những nhóm ngành có tổng nợ vay ở mức cao như bất động sản sẽ hưởng lợi đầu tiên.

Doanh nghiệp địa ốc "cõng" nợ ra sao?

Dữ liệu của Kinhtechungkhoan.vn cho thấy, tại thời điểm ngày 31/3/2023, tổng nợ vay của 15 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất trên sàn chứng khoán đã lên tới hơn 184.000 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 2.000 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, tổng nợ vay dài hạn quý I/2023 là 104.909 tỷ đồng, giảm hơn 22.000 tỷ đồng so với quý I/2023. Trái lại, tổng nợ ngắn hạn của các “ông lớn” địa ốc lại ghi nhận mức tăng tới hơn 24.000 tỷ, đạt gần 80.000 tỷ đồng, cho thấy áp lực đáo hạn khoản vay của doanh nghiệp đang ngày một lớn.

Thứ nữa, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2023, tổng nợ vay ngắn hạn của các doanh nghiệp này đã tăng khoảng gần 6.000 tỷ đồng.

Chuyển động tại các “ông lớn” trên sàn đại diện cho bức tranh ngành bất động sản. Họ tích cực vay mượn nhiều hơn trong bối cảnh thị trường chung vẫn gặp nhiều khó khăn, thanh khoản chậm, dòng tiền “ách tắc” và đa phần các dự án đều bị đình trệ.

Như vậy, trong môi trường lãi suất tiếp tục cao, các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó có lợi nhuận, thậm chí, phải không ngừng tìm cách xoay vòng vốn để trả lãi nếu không muốn làm “con nợ xấu”.

Tình hình nợ vay của 15 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất thị trường chứng khoán (tính tới 31/3/2023).

Trong số 15 “ông lớn” địa ốc, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) là doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất, lên đến 62.729 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng nợ; theo sau là Công ty CP Vinhomes (Vinhomes, HOSE: VHM) với tổng nợ vay gần 40.000 tỷ, tương đương khoảng 22% tổng nợ.

Về cơ cấu khoản vay, Novaland cũng là doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực xoay vòng vốn lớn nhất khi nợ vay ngắn hạn quý I/2023 lên đến gần 30.000 tỷ đồng, gần bằng tổng nợ ngắn hạn của ba doanh nghiệp theo sau (Vinhomes, Bamboo Capital và Becamex IDC) cộng lại, và một mình chiếm tới 38% tổng nợ ngắn hạn của 15 doanh nghiệp trong danh sách.

Cơ cấu các khoản vay của DN trên sàn chứng khoán

Ở chiều ngược lại, nhóm doanh nghiệp ít vay nợ nhất là Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC), Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (HOSE: TCH) và Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) với tổng nợ vay quý I/2023 lần lượt là 227 tỷ, 44 tỷ và 32 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điểm sáng là tính đến hết quý I/2023, tỷ lệ vay nợ/vốn chủ sở hữu bình quân của 15 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất sàn chứng khoán chỉ khoảng 0,5 lần. Ngoại trừ một số trường hợp như Novaland (1,4 lần), Vinaconex (1,4 lần), Becamex IDC (0,92 lần) là có xu thế dùng đòn bẩy mạnh tay, thì đa phần doanh nghiệp còn lại đang giữ khoảng cách khá an toàn giữa vốn tự có và vốn vay.

Đặc biệt trong đó, các doanh nghiệp ít vay nợ như Tân Tạo, Hoàng Huy, Hoàng Quân, hai công ty con của Tập đoàn Vingroup là Vinhomes và Vincom Retail cũng có tỷ lệ vay nợ/vốn chủ sở hữu thấp. Đối với các doanh nghiệp có áp lực trả lãi không quá nặng nề này, việc lãi suất giảm mang đến tiềm năng rộng mở khi họ có thể huy động vốn mới với lãi suất rẻ hơn.

Tựu trung, trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang “còng lưng” gánh nợ, lãi suất giảm sẽ “cởi bỏ” phần nào áp lực trả lãi, giảm rủi ro nợ xấu. Các chuyên gia cho rằng, khi cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn, các doanh nghiệp có thể đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn hơn, góp phần thúc đẩy thanh khoản trên thị trường bất động sản.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng có thêm nguồn lực để hoàn thiện các dự án dang dở, cũng như triển khai dự án mới, qua đó tăng nguồn cung ra thị trường.

Đón dòng tiền trở về

Việc lãi suất liên tục hạ còn được kỳ vọng là động lực thúc đẩy dòng tiền quay trở về với thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở. Bởi, lãi suất cho vay ở mức quá cao sẽ là một rào cản rất lớn đối với quyết định đầu tư bất động sản của khách hàng, họ sẽ có xu hướng gom tiền gửi ngân hàng kiếm lãi thay vì đầu tư, mua nhà ở, để đảm bảo an toán.

Ngược lại mỗi khi lãi suất xuống thấp, số đông khách hàng sẽ tính đến chuyện rút tiền từ ngân hàng để đầu tư vào những kênh có khả năng sinh lời cao, trong đó bất động sản thường là lựa chọn hàng đầu. Hiện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho các doanh nghiệp địa ốc.

Trên thực tế, các chuyên gia, nhà quan sát thời gian qua đều kêu gọi ngành ngân hàng tập trung giảm lãi suất cho vay mua nhà với mục tiêu khơi thông dòng tiền từ khách hàng chảy vào bất động sản. Một số thống kê cho thấy, nếu lãi suất cho vay về mức dưới 10% và giữ ổn định, dòng tiền sẽ quay lại thị trường bất động sản; ngược lại, lãi vay cao trên 10% khiến người mua nhà khó tiếp cận vốn vay, qua đó kéo sức mua xuống vùng trũng thấp.

Từ những chuyển biến mới đây, các chuyên gia của Hội môi giới bất động sản Việt Nam kỳ vọng quý III/2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn sẽ được rút ra để chuyển hướng sang đầu tư nhà đất, giúp thị trường ấm lên.

Nhà đầu tư cần nhìn thấy độ rủi ro hiện hữu của nhóm cổ phiếu bất động sản

Thời gian gần đây, cổ phiếu bất động sản đã có dấu hiệu hút tiền trở lại, thế nhưng dòng tiền vẫn phần nào mang ...

Động thái đầu tiên của tân Tổng Giám đốc Sao Mai (ASM): Theo đuổi dự án bất động sản 600 tỷ

Mới đây, con trai của ông Lê Thanh Thuấn đã trở thành Tổng Giám đốc điều hành Sao Mai (ASM), đánh dấu sự chuyển giao ...

Ồ ạt rao bán nhà đất siêu hiếm giá hàng trăm tỷ ở Hà Nội

Bất chấp thị trường bất động sản đang đóng băng, nhiều nhà đất có giá hàng trăm tỷ đồng vẫn rao bán khắp các trang, ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán