Nội địa hóa điện gió ngoài khơi - động lực để ngành dầu khí phát triển bền vững

(Banker.vn) Kết luận 76-KL/TW đã mở ra con đường lớn cho doanh nghiệp Việt chủ động xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi, nhằm phát triển bền vững.
Thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi để hoàn thiện cơ chế, chính sách Đường đua phát triển điện gió ngoài khơi đến 2040: Châu Mỹ liệu có bắt kịp châu Âu? Mỹ đổ hàng chục tỷ đô vào điện gió ngoài khơi: Tham vọng lớn, thách thức nhiều

Xu thế không thể đảo ngược

Trước những yêu cầu cấp bách về chống biến đổi khí hậu và cam kết đạt Net-zero của các quốc gia và các tập đoàn lớn, thế giới đang ghi nhận sự dịch chuyển mạnh mẽ sang phát triển năng lượng tái tạo để thay thế dần nguồn năng lượng hóa thạch. Trong xu thế đó, các tập đoàn dầu khí lớn đã và đang tiếp tục chi hàng chục tỉ USD vào chương trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo, giảm dần danh mục đầu tư các dự án năng lượng hóa thạch.

Điện gió ngoài khơi nổi lên như một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn nhất. Hiện nay, các nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi hầu hết là các tập đoàn dầu khí lớn của các quốc gia trên thế giới, như: Equinor, Shell, Repsol, Total, BP, Chevron, CNOC… đã chuyển hoàn toàn sang dự án năng lượng tái tạo.

Nội địa hóa điện gió ngoài khơi - động lực để ngành dầu khí phát triển bền vững
Lãnh đạo Petrovietnam khảo sát dự án điện gió ngoài khơi tại Na Uy

Có thể thấy được rằng, chuyển dịch năng lượng, trong đó điện gió ngoài khơi đóng vai trò then chốt, là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược trên toàn cầu. Quá trình chuyển đổi này đã và đang diễn ra vô cùng nhanh và mạnh mẽ, bất cứ tập đoàn năng lượng hay quốc gia nào chậm chân sẽ bị bỏ lại phía sau. Việt Nam với độ mở kinh tế, hội nhập toàn cầu cao, đã đặt các mục tiêu và xây dựng kế hoạch để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050, tổng công suất điện gió ngoài khơi đạt 70.000 - 91.500 MW. Việc đặt ra các mục tiêu tham vọng về phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho Việt Nam. Việc phát triển điện gió ngoài khơi góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển cũng như phát triển hạ tầng công nghiệp năng lượng, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong ngành năng lượng ở Việt Nam.

Nền tảng và những bước đi vững chắc

Thực tế cho thấy, ngành dầu khí và điện gió ngoài khơi có tính tương đồng rất cao, đặc biệt ở các khâu khảo sát, đánh giá, phát triển dự án, vận hành khai thác, bảo dưỡng sửa chữa và tháo dỡ...; đều có yêu cầu về các công tác hậu cần, dịch vụ hỗ trợ như bãi chế tạo, căn cứ cảng, trung tâm vận hành, bảo dưỡng, tàu dịch vụ…; đều khai thác tài nguyên xa bờ, có liên quan mật thiết đến an ninh, chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế.

Để có thể phát triển điện gió ngoài khơi với quy mô lớn, các tập đoàn dầu khí đa quốc gia đóng vai trò rất quan trọng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành công nghiệp dầu khí với kinh nghiệm triển khai các dự án ngoài khơi sẽ góp phần chia sẻ chuỗi cung ứng và công nghệ, sự tham gia của các tập đoàn dầu khí sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc biến điện gió ngoài khơi sớm trở thành một ngành công nghiệp lớn.

Nội địa hóa điện gió ngoài khơi - động lực để ngành dầu khí phát triển bền vững
Petrovietnam đang nỗ lực phát huy tất cả các lợi thế sẵn có để tham gia chuỗi cung ứng và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, những kinh nghiệm trong hoạt động thăm dò, khai thác, thiết kế, thi công chế tạo các công trình biển, dịch vụ ngoài khơi, cơ sở vật chất, nguồn lực con người, những thông tin, hiểu biết về khí tượng, thủy văn, địa chất, hóa học biển… là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành dầu khí tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi. Việc này cũng góp phần tối ưu đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực quốc gia, gia tăng hiệu quả, giảm giá thành sản xuất.

Đồng quan điểm trên, TS. Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho rằng, ở Việt Nam, các doanh nghiệp có khả năng tham gia vào các dự án điện gió ngoài khơi phải là những tập đoàn, tổng công ty lớn, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Hiện nay, có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đủ khả năng thực hiện thí điểm phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.

Theo đó, Petrovietnam là doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực lớn, uy tín, có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu khí ngoài khơi; có công nghệ, khả năng thu xếp vốn thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác. Đặc thù của Petrovietnam là hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí với địa điểm hoạt động trên biển là chính. Petrovietnam và các đơn vị thành viên được cho là có lợi thế nhất tại Việt Nam khi thực hiện các công trình trên biển từ nhiều khía cạnh, như điều tra số liệu, quan hệ quốc tế, nhân lực làm ngoài biển, chế tạo, vận hành và cả an ninh - quốc phòng.

Thực tế, ngay từ năm 2019, Petrovietnam và một số đơn vị thành viên đã tập trung đánh giá, nghiên cứu vấn đề dịch chuyển năng lượng để điều chỉnh, bắt kịp các xu hướng, tận dụng tối đa thế mạnh. Trong đó, định hướng xu hướng dịch chuyển sang năng lượng xanh, sạch thông qua nâng cao tỷ trọng khí, sản xuất H2 và phát triển điện gió ngoài khơi.

“Petrovietnam đang nỗ lực phát huy tất cả các lợi thế sẵn có để tham gia chuỗi cung ứng và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm giá thành sản xuất điện nhằm tạo tiền đề phát triển năng lượng hydro trong tương lai” - TS Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam khẳng định.

Nội địa hóa điện gió ngoài khơi - động lực để ngành dầu khí phát triển bền vững
Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC

Trong thời gian qua, các đơn vị của Petrovietnam như: Vietsovpetro, PTSC... đã ký các biên bản ghi nhớ, biên bản bảo mật, hợp tác song phương, hợp đồng khảo sát/cung cấp dịch vụ với các chủ đầu tư điện gió ngoài khơi trên thế giới. Petrovietnam đã nhận được rất nhiều đề xuất từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Equinor, Orsted, CIP, Macquarie… để liên kết phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Petrovietnam hiện nay đã ký kết biên bản ghi nhớ với Equinor và CIP (Đan Mạch) để nghiên cứu cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng sạch khác tại Việt Nam.

Tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm chính trị trước toàn thế giới thông qua tuyên bố Việt Nam sẽ nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Để thực hiện cam kết này, đặt ra nhiều yêu cầu về chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững.

Trong tình hình mới, để khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng, kinh nghiệm, nền tảng hiện có của tập đoàn năng lượng hàng đầu quốc gia, Petrovietnam; nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng xanh, ngày 24/4/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới.

TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương - khẳng định: Kết luận số 76-KL/TW mở ra một không gian phát triển mới cho Petrovietnam thông qua việc định hướng những chủ trương khai thác các điều kiện, tiềm năng của ngành trong phát triển về lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đối với Petrovietnam, Kết luận số 76-KL/TW có định hướng phát triển tập đoàn trở thành một tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia, song song với việc gắn phát triển các lĩnh vực truyền thống của ngành Dầu khí, nhưng đồng thời cũng xác định vai trò chủ lực tiên phong của Tập đoàn trong phát triển các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Điển hình là phát triển điện gió ngoài khơi, điện gió ven biển, các hoạt động về phát triển lĩnh vực hydrogen, amoniac, tham gia vào chuỗi nhập khẩu cung ứng LNG, cũng như đồng thời xác định vai trò của Petrovietnam trong phát triển lĩnh vực về công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Với hơn 3.200 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, lên tới 599 GW. Khi nguồn năng lượng mới này được khai thác hiệu quả, Việt Nam có thể kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, công nghiệp hóa với phát thải carbon thấp hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Kết luận số 76-KL/TW đã mở ra con đường lớn giúp Petrovietnam có thể chủ động xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước làm chủ công nghệ, có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để cạnh tranh trên trường quốc tế, nắm bắt tốt các cơ hội “vàng”, vươn lên phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Thùy Linh - Nguyễn Cường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục